6 bài học thời sinh viên của nữ thủ khoa yêu môi trường
Từng làm công nhân thời vụ sau khi học hết cấp ba, đỗ “vớt” đại học khi chỉ hơn điểm chuẩn 0.5 điểm, lại học kém tiếng Anh. Chưa bao giờ Thảo nghĩ rằng mình sẽ tốt nghiệp thủ khoa, giành học bổng đi Pháp và sắp trở thành Tiến sĩ. Thảo ví thời sinh viên như một cuộc chạy marathon, bởi sự nỗ lực và kiên trì chính là bí quyết giúp cô gái quê Bắc Ninh tỏa sáng.
Nguyễn Thị Thảo - Thủ khoa ngành Kỹ thuật môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022.
Nguyễn Thị Thảo (24 tuổi) là cựu sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện là nghiên cứu sinh tại trường Đại học Aix-Marseille, Pháp.
Thảo trong ngày nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 10/2022.
Năm 2017, Thảo đỗ đại học với số điểm 25.5, trong khi điểm chuẩn là 25. Năm 2022, cô tốt nghiệp với danh hiệu Thủ khoa ngành. Học kỳ đầu tiên, điểm trung bình của Thảo chỉ khiêm tốn ở mức 2.64/4.0. Học kỳ cuối cùng, cô đạt GPA tuyệt đối 4.0/4.0 và tốt nghiệp loại Xuất sắc với điểm tích luỹ 3.61/4.0.
Tấm bằng Kỹ sư loại Xuất sắc là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của cô trong suốt 5 năm học.
Năm hai đại học, điểm thi TOEIC của Thảo lẹt đẹt ở mức hơn 300/990. Đến năm cuối, cô đã là đồng tác giả của ba công bố quốc tế, tự tin phỏng vấn bằng tiếng Anh với nhiều giáo sư nước ngoài và giành suất học bổng đi làm Tiến sĩ tại một trong những ngôi trường lâu đời nhất nước Pháp.
Kể dông dài như vậy để thấy rằng, không phải tài năng thiên phú mà chính sự nỗ lực, kiên trì từng chút một mới chính là bí quyết để cô toả sáng.
Cảm hứng chọn ngành học từ quê hương
Thảo sinh ra và lớn lên tại Quế Võ - nơi đặt khu công nghiệp lớn của tỉnh Bắc Ninh. Có mẹ là công nhân tại khu công nghiệp nên trong lúc chờ kết quả thi đại học, Thảo từng có thời gian làm việc tại đây. Nhờ những trải nghiệm đó, cô tận mắt chứng kiến sự ô nhiễm nước, không khí nghiêm trọng ra sao và phần nào hiểu được những tác động tiêu cực của những hoạt động kinh tế đến môi trường như thế nào.
Thảo cùng mẹ và em trai trong ngày tốt nghiệp.
Điều đó đã thôi thúc cô tìm hiểu về ngành Kỹ thuật môi trường. Bởi cô nghĩ đây chắc chắn một ngành học thiết thực và có thể mang lại những tác động tích cực đến chính bản thân, gia đình và quê hương.
“Theo mình đây cũng một ngành học có rất nhiều tiềm năng, bởi nó giúp chúng ta hiểu được lý do vì sao đất, nước và không khí của chúng ta lại bị ô nhiễm đến vậy. Mình còn được học về các phương pháp quan trắc, giảm thiểu, và xử lý các vấn đề nhức nhối đó. Những hoạt động ngoại khóa, các buổi thí nghiệm, thực tập hay đi thực tế,... cũng khiến cho ngành này trở nên thú vị hơn”, Thảo chia sẻ.
Nhóm bạn thân thời sinh viên của Thảo tại Bách Khoa.
Suốt thời gian đại học, cô giành được tổng cộng gần 10 học bổng các loại.
Hiện tại, cô đang là nghiên cứu sinh của dự án “Écodynamique des Contaminants Émergents dans le Fleuve Rouge, Vietnam” (tạm dịch: Hệ sinh thái của các chất ô nhiễm tại sông Hồng). Dự án nhằm đánh giá sự dịch chuyển của hạt vi nhựa, các chất gây ô nhiễm liên quan đến các loài nuôi trồng thủy sản tại khu sông Hồng, vịnh Bắc Bộ, cũng như đánh giá phát thải liên quan đến việc đốt chất thải nhựa ngoài trời. Trong mục tiêu xa hơn, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam.
Cô và các đồng nghiệp cùng dự án đi thực địa, lấy mẫu tại sông Hồng, tháng 11/2022.
Đây là công trình được thực hiện giữa các phòng thí nghiệm hiện đại của Việt Nam và Pháp. Đã hoàn thành phần công việc tại Việt Nam, hiện Thảo đang nóng lòng đến ngày sang Pháp để tiếp tục học tập, làm việc cũng như khám phá nhiều trải nghiệm mới mẻ tại châu Âu.
Làm việc mình thích là tự do, thích việc mình làm là hạnh phúc
Trước khi đi du học, nhìn lại thời sinh viên sôi nổi, Thảo nói: “Hành trình đó giống như cuộc chạy đua Marathon, những người chạy được tới đích thường không phải là người thừa thắng xông lên ngay từ đầu, cũng không phải là người nhìn trước ngó sau chỉ quan tâm tới đối thủ. Những người giành chiến thắng là người quan tâm tới bước chân, nhịp thở và tốc độ bước của mình”.
Cô tự mình rút ra 6 bài học hữu ích, muốn chia sẻ với những bạn trẻ đang và sắp bước vào cánh cổng trường đại học, để có thể “sống sót” qua quãng đời sinh viên nhiều “bão tố”:
Đặt mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch hoàn thành: Vào đầu học kỳ, Thảo luôn lên danh sách những môn sẽ học, tìm hiểu về các môn học đó bằng cách đọc review trên cổng thông tin sinh viên hoặc hỏi các anh chị khoá trước. Cô đặt mục tiêu sẽ gặt hái được gì trong từng môn học (kiến thức, điểm số), tính toán điểm giữa kỳ, cuối kỳ cần đạt được tối thiểu là bao nhiêu; tổng hợp những tài liệu chuyên ngành nào cần đọc. Mỗi dịp năm mới, cô đều viết ra 3-5 việc mà bản thân muốn hoàn thành trong năm đó để xác định rõ những ưu tiên qua từng thời điểm.
Tích cực tương tác với giảng viên: Thảo thú nhận rằng những ngày mới lên đại học cô khá nhát, bài tập nào khó thường tự tìm hiểu hoặc khó quá bỏ qua, coi như đã hiểu. Sau này cô mới nhận ra các giảng viên rất thích được hỏi, được nghe sinh viên phát biểu, phản biện và đóng góp ý kiến. Về sau cô dần cải thiện cố gắng đã trao đổi, tương tác nhiều hơn với thầy, cô, đặc biệt là về kiến thức chuyên ngành, thậm chí có được những kinh nghiệm và cơ hội việc làm từ đó.
Học tập và làm việc theo nhóm: Từng yêu thích việc học và làm một mình vì cảm thấy yên tĩnh và năng suất khá ổn, Thảo cho biết cảm thấy hiệu quả hơn khi có một nhóm bạn để học và làm cùng. Học nhóm khiến mỗi người đều phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu kỹ hơn và nhận được những câu hỏi đa chiều, giúp hiểu bài sâu hơn. Nhờ tinh thần học nghiêm túc, chơi hết mình, mọi người trong nhóm của Thảo đều có kết quả học tập tốt hơn, làm việc năng suất hơn và đặc biệt là có những kỷ niệm ăn chơi thời sinh viên đáng nhớ.
Đọc sách và viết blog: Mỗi năm, Thảo đọc ít nhất hai quyển sách - con số có thể là ít với nhiều người, nhưng cô chọn cách đọc chậm, đọc nhiều lần và ngẫm nghĩ, áp dụng những điều hay. Cô cũng có riêng một trang blog để chia sẻ về việc học, công việc và cuộc sống, ví dụ tổng kết một năm hay bí quyết giành học bổng.
Học tiếng Anh càng sớm càng tốt: Có những tháng ngày Thảo không hề chú tâm tới việc học tiếng Anh, dẫn đến kết quả vô cùng kém và khiến cô bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Điều này càng khiến tâm trạng cô mệt mỏi, chán nản và phải mất rất lâu để vượt qua. Tự nhận bản thân vẫn chưa thể gọi là giỏi tiếng Anh, nhưng Thảo cảm thấy hiện tại đã bớt kém hơn, tự tin hơn chính mình trong quá khứ.
FOMO và Peer-Pressure: FOMO (Fear Of Missing Out) - cảm giác sợ bị bỏ lỡ chính và Peer-Pressure - áp lực đồng trang lứa chính là những cảm giác đã ám ảnh Thảo một thời gian dài. Khi đó, cô luôn thấy sợ hãi nếu bị lỡ mất một cơ hội tốt, hay so sánh cuộc đời người khác rồi so sánh với chính mình. Để tránh xa những cảm xúc có phần tiêu cực này, cô tập trung nhiều hơn vào những gì bản thân làm được, chăm chú vào mục tiêu của riêng mình và kiên định bước trên con đường đã chọn. Những lúc thấy mình bắt đầu ghen tị vì bạn bè khoe đi du lịch, lương cao, thăng chức hay đạt thành tựu nào đó, Thảo quyết định đóng mạng xã hội để tâm trí được nghỉ ngơi.
Thảo tại phòng thí nghiệm nơi cô làm việc.
“Quá trình học đại học thật sự sẽ trôi qua rất nhanh. Nếu các bạn đạt kết quả tốt, đỗ vào ngôi trường mình yêu thích thì đừng nên ngủ quên trên chiến thắng, đừng nghỉ xả hơi quá lâu. Đó có thể là kết thúc đẹp của một hành trình, nhưng lại mở ra một hành trình mới khó khăn hơn rất nhiều. Còn nếu kết quả của không được tốt thì cũng không nên tự ti, 4-5 năm có thể làm thay đổi rất nhiều thứ. Làm việc mình thích là tự do, thích việc mình làm là hạnh phúc. Chúc các bạn sẽ có một hành trình đầy tự do và nhiều hạnh phúc”, Thảo nhắn nhủ.
Nguồn: [Link nguồn]
Mồ côi cha, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dù trúng tuyển đại học nhưng Thanh Huyền buộc phải quyết định tạm nghỉ để đi làm tích góp. Một năm sau, cô xuất sắc trở thành...