Không phải cứ chăm chỉ hết mình, tăng ca quần quật là sẽ được sếp chú ý, sếp thương. Thực tế không màu hồng như bạn nghĩ vậy đâu, tốt hơn hết là nên tránh xa một số tính cách và thói quen, như vậy công việc của bạn mới thăng tiến tốt được.
T
rong môi trường công sở, dù là người mới hay người cũ, bất kỳ ai cũng muốn "được lòng" sếp. Chẳng ai dại gì mà khiến sếp khó chịu với mình, để rồi công việc bị "đì'', khiến cho lương bổng bao năm vẫn vậy.
Nhiều người thắc mắc tại sao bản thân mặc dù rất chăm chỉ, nhưng chẳng bao giờ được sếp ưu ái hay khen ngợi. Họ đâu biết rằng có một số thói quen và tính cách trở thành "cái gai" trong mắt sếp, khiến cho mọi công lao cố gắng đều đổ sông đổ biển. Tốt nhất bạn cần phải tránh rơi vào những kiểu nhân viên sau, nếu không con đường thăng tiến của bạn sẽ mãi giậm chân tại chỗ.
1. Người luôn thích chứng tỏ bản thân một cách phô trương
Đối với những người này, họ luôn giống như một con nhím cứ thích xù lông chứng tỏ ta đây "nguy hiểm" ra sao. Không quan trọng đó là lãnh đạo hay đồng nghiệp, người này luôn bày tỏ ý kiến riêng, chẳng bao giờ chịu lắng nghe người khác nói.
Khi các sếp họp bàn giao và phân công công việc, họ luôn vắng mặt và luôn là người sau cùng nhận nhiệm vụ. Họ không bao giờ coi trọng những ý tưởng hay đề xuất của cấp trên, lúc nào cũng thích vạch lá tìm sâu và cố đưa ra những ý kiến phản đối. Ban đầu, sếp có thể coi đó là những lời đóng góp ý kiến, nhưng dần dần họ hiểu rằng kiểu nhân viên này chỉ đang thích chứng tỏ bản thân mình.
Kiểu nhân viên này như "ruồi" ở nơi làm việc, hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhà nước hay tổ chức công cộng.
2. Người thường chống lại sếp
Những người thường thích chống lại cấp trên thường là người có năng lực, cá tính mạnh, giàu ý tưởng sáng tạo, hay đưa ra các ý tưởng độc đáo khác biệt với sếp trong công việc. Vì thế, họ sẽ luôn tin vào bản thân và đấu tranh đến cùng để bảo vệ ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng mọi thứ đều có giới hạn nhất định. Nếu một vài lần thì sẽ không sao, nhưng quá nhiều lần chống đối sẽ chỉ khiến sếp khó chịu. Nói một cách thẳng rằng là, nếu bạn thường phản bác lại ý kiến của sếp trước mặt nhiều đồng nghiệp, điều này chứng tỏ EQ của bạn rất thấp. Mọi ý kiến đều có thể trao đổi một cách riêng tư để tránh làm đôi bên cảm thấy bị mất mặt.
3. Người làm việc kém hiệu quả
Ở nơi làm việc, điều cấm kỵ nhất là những nhân viên có tính cách chần chừ, ù lì, chậm chạm và không hoàn thành công việc đúng hạn. Những người này là sẽ kéo tụt hiệu suất làm việc của toàn đội, thậm chí làm cho toàn bộ dự án đứng yên để chờ họ làm xong phần việc được phân công.
Đây là kiểu người không chỉ khiến sếp ghét mà còn làm đồng nghiệp bực mình. Vì thế, chúng ta phải luôn chú ý hoàn thành nhiệm vụ được giao, đừng để bản thân làm ảnh hưởng đến công việc của người khác.
Có rất nhiều cách để cải thiện thói quen làm việc chậm chạp này. Ví dụ, trước khi bắt tay vào làm việc, bạn cần phải lập ra kế hoạch cụ thể, phân chia công việc ra từng giai đoạn kèm theo thời gian cố định, nhất định phải làm xong trong khoảng thời gian này. Sau khi làm xong việc, bạn cần suy nghĩ lại xem thử mình đã chậm chạp ở chỗ nào, xem vấn đề ở đâu, khi đó bạn sẽ phần nào cải thiện được hiệu quả công việc trong lần tới.
4. Người có EQ thấp
Những người có EQ thấp thường hay làm những điều ngớ ngẩn, không biết cách duy trì các mối quan hệ ở nơi làm việc và để bản thân kiệt sức trong công việc mà không hiểu tại sao. Đây thực sự là điều đáng báo động.
Họ không chịu "động não" suy nghĩ, thay vào đó cứ chăm chỉ làm theo những cách "xưa như trái đất". Thay vì tìm ra cách làm tốt nhất, họ lại ôm đồm làm tất tần tật mọi thứ, mông lung chẳng tập trung vào đâu. Kết quả là công việc chẳng đi tới đâu, tốn thời gian mà năng lực cũng không được cải thiện.
Hãy lưu ý rằng, bạn sẽ không thể tăng lương nếu chỉ làm xong đúng phần việc của mình, kéo rê thời gian và làm đúng nguyên tắc của công ty đưa ra. Có một thực tế rằng sếp chỉ tăng lương nếu bạn làm xong việc theo một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất và có thể đảm nhiệm thêm nhiều công việc khác cùng một lúc. Nếu muốn đi xa hơn trong công việc, chúng ta không nên chống lại ý muốn của các sếp, thay vào đó là âm thầm hoàn thành xong một cách tốt nhất có thể.
5. Người không hiểu quy tắc nơi làm việc
Hiện tượng sếp đổ lỗi cho cấp dưới khi xảy ra sai sót không phải là hiếm ở nơi làm việc. Tất nhiên là cấp dưới sẽ không thích điều này, nhưng thân phận kẻ làm thuê người làm chủ trong nhiều trường hợp chỉ biết nín nhịn mà sửa đổi.
Tuy nhiên có một số nhân viên lại quá thẳng thắn, họ không chịu nhận lỗi về mình mà khăng khăng cho rằng sếp là người sai. Đây là kiểu người không hiểu các quy tắc nơi làm việc. Họ không ý thức được sếp là người trả lương cho mình, cho mình một công việc để làm. Họ chỉ quan tâm đến bản thân, không quan tâm đến sĩ diện của sếp, vì thế sếp tự nhiên sẽ ngày càng ghét những người nhân viên như thế này.