5 điều dâu mới cần nhớ trong lần đầu ăn Tết ở nhà chồng
Dưới đây là những điều giúp dâu mới tự tin, chu đáo hơn khi lần đầu ăn Tết ở nhà chồng.
1. Chuyện quà Tết
Nếu bạn làm việc xa nhà và gần Tết mới về đón năm mới cùng bố mẹ chồng thì hãy chuẩn bị quà cáp thật chu đáo. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị đầy đủ quà cho từng thành viên như: bố mẹ, anh chị em chồng. Quà ở đây có thể là những món đồ phù hợp với từng người như: Cái áo dành cho mẹ chồng, đôi giày cho bố chồng và cái khăn hay lọ nước hoa cho chị, em chồng… Chắc chắn mọi người đều cảm động và biết rằng bạn luôn nghĩ đến họ.
Lần đầu tiên về làm dâu, bạn nên chuẩn bị quà cho từng người trong gia đình (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp vợ chồng trẻ mới cưới còn nhiều khó khăn thì nên chọn quà Tết chung cho cả gia đình chồng. Chú ý là dù mua nhiều hay ít, đồ đắt hay rẻ thì cũng phải đủ lễ thắp hương gồm: 1 hộp bánh, 1 gói kẹo, 1 chai rượu, 1 bao thuốc, 1 hộp (gói) chè, 1 gói mứt. Cần chọn những loại bánh kẹo đảm bảo chất lượng. Nhìn vào giỏ quà Tết, mẹ chồng cũng có thể đoán biết con dâu mình có chu đáo và hiểu biết hay không.
Bạn cũng có thể mua quà Tết là những thực phẩm Tết nổi tiếng của các vùng và đảm bảo chất lượng như: Rượu, lạp xưởng, giò,… Như vậy, bạn không chỉ giúp mọi người có cơ hội thưởng thức món ngon ngày Tết mà còn khiến mình "nhẹ" gánh hơn trong việc suy nghĩ, chuẩn bị bữa cơm cho ngày đoàn viên.
Lì xì
Ngày Tết chắc chắn không thể thiếu lì xì để mừng tuổi gia đình, người thân. Với cô dâu mới về, chuyện này càng được mọi người để ý. Vì vậy, hãy dành thời gian chọn mua vỏ bao lì xì phù hợp với từng đối tượng.
Với mỗi mẫu vỏ bao lì xì khác nhau nên chuẩn bị mức tiền mừng khác để không bị nhầm lẫn. Tiền mừng bố mẹ chồng bao giờ cũng phải chuẩn bị chu đáo nhất. Và tất nhiên, khi mừng tuổi thì bạn không được bỏ qua những câu chúc Tết chân tình, ý nghĩa.
3. Đi chợ sắm Tết
Đây là công việc mà các nàng dâu mới hay sợ hãi nhất vì không hiểu Tết nhà chồng thường phải chuẩn bị những thứ gì. Bạn đừng ngại ngần hỏi mẹ chồng về phong tục Tết ở nhà chồng, những thứ cần phải mua cho dịp Tết, chắc chắn mẹ chồng sẽ không ngại chỉ dạy bạn đâu.
Bạn có thể thuyết phục mẹ chồng cùng đi chợ. Trong quá trình đi sẽ hỏi mẹ cần phải mua những gì và nên mua ở đâu. Hãy quan sát cách mẹ chồng chọn mua đồ rồi học tập. Vậy là vừa có thêm thời gian mẹ con gần gũi lại có thêm được kinh nghiệm mua sắm Tết quê chồng.
4. Dọn dẹp nhà cửa
Chuẩn bị đón Tết không thể thiếu công việc dọn dẹp nhà cửa, con dâu mới muốn lấy lòng nhà chồng thì công việc này càng phải chăm chỉ hơn. Hãy bắt đầu bằng việc lau chùi nhà cửa, đồ đạc rồi mới đến trang trí nhà. Việc này tốt nhất bạn nên "lôi kéo" cả ông xã cùng làm sẽ đỡ vất vả hơn.
Hãy đưa ra những ý tưởng trang trí nhà thật đẹp để qua đó ngầm cho mọi người biết khiếu thẩm mỹ và sự khéo tay của bạn. Đơn giản nhất là từ việc cắm một lo hoa tươi hay trang trí những bức tranh, quả bóng ngộ ngĩnh lên tường...
5. Mâm cơm ngày Tết
Dù ở nhà bạn có thể chưa bao giờ phải chuẩn bị mâm cơm thắp hương thì khi về nhà chồng cũng phải làm. Hãy nhờ mẹ chồng chỉ cho bạn cách làm các món ăn và cách bày biện đồ cúng theo truyền thống nhà chồng.
Khi mẹ chồng thắp hương thì con dâu cũng nên theo dõi xem cách mẹ làm thế nào để học hỏi.
Con dâu mới về nhà chồng còn nhiều bỡ ngỡ nên chỉ cần có thái độ cầu thị và biết cách "nhờ" thì mẹ chồng sẽ không ngần ngại giúp đỡ. Vì thế, các cô dâu mới không nên quá lo lắng cho lần đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng.