5 cái Tết bám Sài Thành bán vé số của cặp đôi khuyết tật, cãi bố mẹ đến với nhau
Đã 5 năm trở thành vợ chồng và cũng chừng ấy năm 2 anh chị Lượng – Đào chưa về quê ăn Tết.
Anh Nguyễn Văn Lượng và chị Nguyễn Thị Thu Đào đều là những người có chung hoàn cảnh khó khăn.
Tết có lẽ là dịp hiếm hoi để các thành viên trong một gia đình được đoàn viên quây quần bên nhau, thế nhưng với cặp vợ chồng khuyết tật anh Nguyễn Văn Lượng (SN 1991, quê Đồng Tháp) và chị Nguyễn Thị Thu Đào (SN 1972, quê Bình Định) thì ngày Tết vẫn chỉ là một ngày bình thường như bao ngày, họ vẫn bám trụ ở Sài Gòn để đi bán vé số thay vì về quê đoàn tụ như nhiều người.
Đây cũng chính là cặp đôi được nhiều người biết đến bởi đã kiên cường vượt lên số phận, vượt qua tất cả những rào cản từ hai bên gia đình để tìm cho mình được một tình yêu chân thành và vô cùng ngọt ngào.
Mở đầu câu chuyện của mình, Thu Đào chia sẻ, anh Lượng sinh ra trong gia đình có 5 anh em, anh bị tuyến yên không phát triển nên bị lùn. Cha của anh mất khi mấy anh em còn nhỏ, một mình mẹ vất vả gồng gánh lo cho các con. Vì vậy anh quyết định vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh.
Còn về phía mình, Thu Đào cũng bị tuyến yên kém phát triển từ khi lọt lòng nên không thể phát triển chiều cao. Học hết lớp 12, chị thi rớt đại học, sau đó quyết tâm lên Sài Gòn để làm công nhân. Sức khoẻ không cho phép, chị buộc phải nghỉ làm đi bán vé số để kiếm tiền lo cho bản thân.
Anh Lượng anh bị tuyến yên không phát triển nên bị lùn.
Vào một buổi chiều năm 2014 anh Lượng đi bán vé số nhưng bị ế, chưa kể còn bị lạc từ Quận 11 qua tận Bến xe An Sương, vô tình trong lần lạc đường đó anh gặp được chị Đào, thấy có người thân hình giống mình anh như tìm được sự đồng cảm, mọi mệt mỏi trong người bỗng chốc tiêu tan, thậm chí anh còn quên luôn cả tập vé số đang bị ế kia.
Gặp chị Đào anh thấy con tim mình đập nhanh hơn, đã nhiều năm buôn ba nới phố thị để mưu sinh nhưng đây là lần đầu tiên anh có cảm giác rất lạ khi gặp một người con gái, lúc này anh dường như chỉ biết làm theo những gì con tim mách bảo, anh tiến lại gần và bắt chuyện với chị.
Cuộc đời đã đưa chị nên duyên với chị Thu Đào cũng có hoàn cảnh tương tự anh.
Thấy có người chung cảnh ngộ đến làm quen, nét mặt chị Đào tỏ ra phần khởi, rồi chị chủ động cho anh Lượng số điện thoại để liên hệ. Nhớ lại thời điểm lần đầu gặp anh, chị Đào nói: “Ngày gặp anh Lượng, mình mới vào Sài Gòn được một năm, đi làm công nhân bị người ta nói thân hình nhỏ bé thế thì làm được gì rồi họ kỳ thị trả lương ít. Tủi thân quá mình quay ra đi bán vé số, lúc đầu cũng sợ lắm vì bị người ta hù dọa, giật vé số, miết rồi mình cũng quen, giờ được gặp một người có chung hoàn cảnh nên vui lắm”.
Hiểu được cảm giác xa quê lại không có bầu bạn nên từ khi có được số điện thoại, anh Lượng gọi điện và hỏi thăm tới chị Đào nhiều hơn, đó là những câu chuyện vu vơ về nỗi nhớ gia đình, về những khó nhọc trong cuộc sống và cả những câu chuyện buồn vui mỗi ngày đi làm. Cứ như vậy, các tin nhắn và cuộc gọi dần trở nên nhiều hơn, tình cảm cũng lớn lên lúc nào không hay. Thấy chị Đào vẫn chưa thực sự mở lòng, anh Lượng chủ động rủ chị đi uống nước, đi dạo chơi, thể dục tại trung tâm anh đang hoạt động.
Cùng cảnh ngộ dễ cảm thương, anh chị đã sớm tìm được tiếng nói chung và hai con tim được hòa chung nhịp đập.
Sau hơn 6 tháng quen biết và nói chuyện, anh Lượng dẫn chị Đào đi công viên chơi rồi hỏi chị: “Em có muốn làm bạn gái anh không?”. Câu hỏi đã khiến chị bất ngờ và có phần bối rối, bản thân chị thừa nhận có quý mến anh nhưng lại không dám nghĩ đến việc có ngày anh lại tỏ tình với mình.
Vì ý thức được thân phận nên từ ngày lên Sài Gòn đi bán vé số, chị Đào chưa một lần nghĩ đến chuyện yêu đương, vì chị biết để tìm được người đồng cảm với mình không phải là đơn giản. Nghe lời đề nghị của anh, chị Đào thẹn thùng nói: “Anh cho tôi thời gian suy nghĩ”.
Để đến được với nhau, anh chị đã gặp không ít rào cản từ phía gia đình.
Thấy đối phương có “tín hiệu”, anh Lượng thấp thỏm chờ đợi ngày chị sẽ cho anh câu trả lời, hồi hộp tới mức ngày nào anh cũng nhắn tin, gọi điện thoại cho chị, vì không muốn mất đi một người con gái đáng thương lại dễ gần như chị Đào, trong các cuộc hội thoại của hai người anh Lượng chỉ dám nói nhẹ nhàng với chị: “Nếu không yêu thì làm bạn chứ đừng im lặng rồi không còn làm bạn với anh nữa, như thế cả hai sẽ đều rất buồn”.
Kể về hành trình chờ đợi cái gật đầu của đối phương, anh Lượng chia sẻ, ngày đó anh kiên nhẫn chờ chị suy nghĩ, nhưng cả một tuần vẫn chưa có câu trả lời, anh sốt ruột đứng ngồi không yên nên quyết định mời chị Đào đi uống nước. Những tưởng anh sẽ nhận được “tin vui” luôn nhưng vào quán nước, ngồi cả buổi, uống hết chầu nước để nói chuyện nhưng Đào vẫn im lặng, thuyết phục mãi rồi cuối cùng chị cũng đồng ý nhận lời làm bạn gái.
Khi chị Đào đồng ý, anh Lượng chuyển hẳn nhà trọ từ Quận 11 sang Quận Bình Tân để tiện chăm sóc người yêu. Nhiều lần điện thoại qua nghe tiếng chị mệt mỏi, không cần biết trời mưa hay đêm khuya, anh đều đạp xe hơn 4 cây số qua thăm chị, ngồi bắt chị ăn hết đồ ăn, uống thuốc.
Từ ngày trở thành người yêu của nhau, cả hai đều vượt qua tất cả những ánh mắt hiếu kỳ để cùng nhau trò chuyện, cùng nhau đi bán. Tối đến anh tranh thủ chở chị đi ăn tối, đưa về đến tận nhà trọ của chị rồi mới yên tâm đạp xe về.
Yêu nhau được một thời gian, cả hai đưa nhau về ra mắt gia đình, biết được hoàn cảnh của các con bố mẹ hai bên đều cật lực phản đối cùng một lý do hai người quá nhỏ bé, nếu sống chung thì khổ sẽ càng khổ hơn, rồi nếu sinh con cũng giống như hai người thì nỗi khổ sẽ nhân lên gấp bội.
Nghe ba mẹ nói thế, chị Đào khóc ròng, nhưng anh Lượng thì càng quyết tâm, anh an ủi chị “khổ thì khổ rồi, khổ thêm tí nữa có sao đâu”. Rồi anh Lượng bằng mọi giá thuyết phục hai bên gia đình và cả hai đều làm tất cả để chứng minh cho người lớn thấy được sự trưởng thành và khả năng có thể lo cho nhau.
Anh chị là một trong số 40 cặp cô dâu, chú rể tại lễ cưới tập thể dành cho người khuyết tật diễn ra tại TP HCM chiều ngày 20.10.2015.
Thương con nhưng gia đình hai bên vẫn phải tôn trọng quyết định cuối cùng của các con. Khi thuyết phục được gia đình, nhưng không có khả năng làm đám cưới, hai người tự dọn về chung sống với nhau, cùng nhau đi bán, cùng nhau chia sẻ mỗi khi đau ốm. Từ khi chị Đào về sống chung, anh Lượng luôn day dứt chưa thể lo cho vợ một cái đám cưới như bao người.
Và rồi ngày 20/10/2015 có lẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của hai người, người thầy trong trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật biết được thông tin một nhà hàng đang có kế hoạch tổ chức đám cưới cho những người khuyết tật. Nghe xong anh lập tức chạy đi đăng ký và thế là anh chị là một trong số 40 cặp cô dâu, chú rể tại lễ cưới tập thể dành cho người khuyết tật diễn ra tại TP HCM chiều ngày hôm đó.
Cuộc sống hôn nhân của cặp đôi Lượng – Đào cứ bình lặng trôi đi, gần cuối năm 2016, khi mang thai đến tuần 39 thì chị có dấu hiệu sinh em bé chị nhập viện để đón chào một “thiên thần nhỏ”, nhưng không may mắn, bé trai 3,1 kg không ở lại với bố mẹ được. Chỉ sau 6 tiếng lọt lòng, em bé đã tắt hơi thở vì quá yếu.
Cuối năm 2016, khi mang thai đến tuần 39 thì chị có dấu hiệu sinh em bé chị nhập viện để đón chào một “thiên thần nhỏ.
Thu Đào nghẹn ngào cho biết, lúc mang thai được 2 tháng, chị rất sốc khi bác sĩ khuyên bỏ đứa bé vì thai nhi bị dị tật và rất yếu. Thậm chí bác sĩ còn cho biết chỉ có 25% là bé sẽ sinh ra bình thường. Nhưng niềm khao khát được làm mẹ không cho phép chị bỏ đứa con của mình. Chị cố gắng vượt qua mọi khó khăn để con có thể chào đời, nhưng chưa kịp nhìn mặt thì đứa trẻ đã ra đi, chị ngậm ngùi nói: “Chỉ có ông xã mình là được nhìn mặt đứa bé, còn mình lúc đó vào phòng mổ, bác sĩ phải gây mê 6 tiếng đồng hồ sau mới tỉnh dậy. Lúc mẹ tỉnh dậy cũng là lúc con đã mất”.
Chứng kiến nỗi đau đớn của người vợ và sự ra đi của đứa con, anh Lượng vô cùng xót xa đã dặn lòng không cho vợ đẻ nữa vì sức khỏe không cho phép, anh rất sợ khi vợ mang thai, lo cho cả đứa trẻ sinh ra không được may mắn thì sẽ rất khổ cho con sau này.
“Hai vợ chồng mình đã khổ, nên mình rất sợ con sau này còn khổ hơn, mình không muốn vợ mang thai thêm lần nữa, sợ sau này không có con thì cuộc sống sẽ buồn tẻ, dở dang. Nhưng mình sẽ vẫn luôn yêu cô như ngày mà cả hai về chung một nhà” – anh Lượng nói.
Sau 5 năm chung sống, nói về quyết định của mình, cả hai anh chị đều cho rằng không hối hận vì những điều đã chọn lựa, anh chị đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại dẫu còn nhiều khó khăn, chỉ cần biết cách sống tích cực, sống có giá trị với những người mình yêu thương.
Thêm một mùa xuân nữa lại về, vậy là anh Lượng chị Đào đã ở bên nhau tròn 5 năm, cặp đôi đã cùng nhau đi qua bao góc phố con đường để bán vé số mưu sinh, sớm tối bên nhau những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Hai mảnh đời ghép lại tưởng chừng đã quá trọn vẹn nhưng tổ ấm nhỏ ấy vẫn còn khuyết một chỗ cho tiếng cười của bé thơ.
Giữa chốn Sài Thành đông đúc, anh chị vẫn bên nhau vượt qua tất cả để có được hạnh phúc.
Tâm sự về khát vọng này trong một dịp đầu năm mới, người phụ nữ kém may mắn vẫn mong ước được thực hiện thiên chức làm mẹ, muốn được chính tay bồng bế đứa con của mình. Và có lẽ đây cũng là điều ước duy nhất của vợ chồng chị hiện tại là có con để mái ấm rộn rã tiếng trẻ thơ giống như bao gia đình khác.
Chị Đào cho biết, từ ngày xuống thành phố đi làm và lấy chồng, chưa có Tết nào chị về quê đón năm mới cùng người thân, một phần cũng vì kinh tế khó khăn, lại ở xa nên những ngày người ta vui xuân chúc bên gia đình thì anh chị vẫn rong ruổi trên chiếc xe “đặc biệt” đi kiếm tiền, tự tìm cho mình niềm vui nho nhỏ trong những ngày xuân mới.
Bố mẹ chú rể (Hoàng Đạt 47 tuổi) mất sớm gia đình rất khó khăn, bản thân anh cũng bị tàn tật. Nhưng cô dâu (Thanh Thúy...
Nguồn: [Link nguồn]