3 sai lầm chị em dễ mắc trong chuyện tiền bạc gia đình, muốn giàu có cần tránh xa
Shelly-Ann Eweka là giám đốc cấp cao về chiến lược tài chính tại TIAA. Theo bà, có 3 sai lầm tiền bạc lớn nhất mà nhiều chị em mắc phải khi kết hôn và việc tránh được những điều này sẽ giúp các chị em kiểm soát tiền bạc của mình tốt hơn, trở nên ngày càng giàu có.
Sai lầm 1: Không nói về tiền bạc đủ sớm
Có thể bạn không muốn đề cập đến chuyện tiền bạc ngay trong những buổi hẹn hò đầu tiên, song khi hai người đã có những bước tiến xa hơn, nhất định đây là điều cần sớm được đề cập.
“Khi hai bạn thấy mình thực sự thuộc về nhau và muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài, việc thảo luận về vấn đề tài chính nên được thực hiện càng sớm càng tốt”, Eweka nói. “Nửa kia của bạn sẽ có tác động, ảnh hưởng đến cách thức và thời điểm bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Trên thực tế, mục tiêu tài chính của bạn có thể thay đổi vì mối quan hệ tình cảm đó”.
Cũng theo vị giám đốc này, các chủ đề mà bạn nên đem ra thảo luận với người ấy bao gồm điểm tín dụng, nợ, mong muốn về tài sản, mục tiêu và ước mơ. Việc chia sẻ để đối phương hiểu về bạn cũng như bạn hiểu về họ là điều rất quan trọng. Việc ngại chia sẻ, coi tiền bạc như chuyện gì đó quá nhạy cảm, không nên đề cập đến sẽ là một sai lầm.
Sai lầm 2: Không trao đổi cởi mở về cách chi tiêu
Trên thực tế, tiền bạc được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc tranh cãi, xích mích của các cặp vợ chồng. Theo bà Eweka, những sai lầm xảy ra là do hai bên thiếu sự chia sẻ lẫn nhau.
“Điều quan trọng là bạn và người ấy phải giao tiếp, chia sẻ với nhau, cùng bàn bạc và đưa ra những quyết định về cách xử lý các chi phí, cách chi tiêu trong gia đình. Chuyện phân chia chi phí ra sao, thế nào là phù hợp sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, không có công thức nào là đúng hoàn toàn với mọi trường hợp.
Nếu cả hai bạn đều đi làm và có nguồn thu nhập, bạn có thể chia đều chi phí hoặc chia theo tỷ lệ cân đối với thu nhập. Cách để vợ chồng bạn có thể đưa ra được phương án tốt nhất cho chuyện tiền nong chi tiêu trong gia đình là chia sẻ thoải mái với nhau. Một điều quan trọng nữa là đôi bên đều cần biết rằng những thỏa thuận này có thể sẽ thay đổi theo thời gian khi có những biến động như ai đó được tăng lương hay mất việc, nhà có thêm thành viên…”, bà chia sẻ.
Trong những buổi thảo luận về tiền bạc này, cả hai đều cần có thái độ cởi mở và tích cực với việc thỏa hiệp. Sự thật là bạn không thể yêu cầu đối tác của mình làm những điều mà chính bản thân bạn cũng không sẵn sàng làm.
“Sẽ không công bằng nếu như bạn yêu cầu chồng mình không được mua vé xem đá bóng nữa trong khi bạn lại không cho thấy được mình đang có những đóng góp thế nào cho việc duy trì ngân sách. Một trong những cách tiết kiệm thiết thực và hiệu quả nhất chính là cả hai hãy cùng mang cơm đi làm và tự chuẩn bị đồ uống của mình thay vì “đốt” tiền cho cà phê, trà sữa đắt tiền mỗi ngày”, Eweka nói.
Sai lầm 3: Giữ bí mật về quá khứ tài chính của bạn
Những sai lầm từng mắc trong quá khứ như mua sắm bốc đồng, thói quen mua hàng không bao giờ lên kế hoạch trước hay thậm chí là việc từng nợ nần tháng này qua tháng khác có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ khi chia sẻ. Tuy nhiên việc giữ kín những vấn đề này với nửa kia của mình sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.
“Giao tiếp và trách nhiệm giải trình chính là chìa khóa để đôi bên duy trì mối quan hệ hợp tác tài chính lành mạnh. Điều quan trọng là phải chủ động. Nếu bạn có khoản nợ hay điểm tín dụng thấp, hãy nói với nửa kia của bạn. Sẽ không hay khi một ngày đối tác của bạn phát hiện bạn vẫn luôn có những bí mật giấu kín", Eweka nói.
Cách chia sẻ chuyện tiền bạc với bạn đời
Nhiều người có xu hướng tránh nói về vấn đề tiền bạc bởi họ cho rằng điều đó có thể gây ra các tình huống khó xử, không thoải mái, làm mất đi sự lãng mạn của mối quan hệ tình cảm. Điều quan trọng ở đây là hãy đảm bảo sự phù hợp. Những cuộc trò chuyện về tiền bạc có thể diễn ra suôn sẻ nếu có kế hoạch phù hợp.
Theo lời khuyên của Eweka, hai bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện khi cả hai đều trong trạng thái bình tĩnh. Câu chuyện có thể bị đẩy lên căng thẳng hơn khi cả hai vừa nhận hóa đơn thẻ tín dụng lớn. Nếu cuộc trò chuyện đó để đánh giá lại cách chi tiêu, hãy đảm bảo cả hai cần cởi mở và có thái độ tích cực.
“Hãy tập trung cuộc trò chuyện vào những gì cả hai có thể làm thay vì những gì không thể. Về lâu dài, các khoản cắt giảm chi tiêu như hạn chế ăn hàng, tự chuẩn bị đồ uống có thể thất bại nếu hai bạn không có những cam kết, hướng về cùng một mục tiêu.
Bạn muốn những năm nghỉ hưu có được cuộc sống thoải mái, không phải dựa dẫm ai hay lo nghĩ về tiền bạc? Nếu vợ chồng bạn hiểu rõ về mục tiêu mình đang hướng tới, nhiều khả năng bạn sẽ gắn bó với kế hoạch trong dài hạn hơn. Chiến lược này cũng hữu ích khi bạn theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn. Nếu cả hai đều muốn có một kỳ nghỉ dài ngày tự thưởng cho mình, hãy ngồi xuống và lên kế hoạch để cùng nhau tiết kiệm. Đừng chỉ nói về những gì bạn không thể làm, hãy tập trung vào làm cách nào để bạn có thể đạt được điều đó cùng nhau", Eweka chia sẻ.
Trong trường hợp bạn không chắc chắn làm thế nào để vợ chồng mình có thể đạt được các mục tiêu tài chính, hãy tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Đó có thể là các chuyên gia; cha mẹ hay bạn bè hoặc bất cứ người nào mà bạn tin tưởng.
Bạn có thể đang đi đúng hướng, ngay cả khi bạn chưa hoàn thành mục tiêu tài chính của mình. 9 đặc điểm dưới đây là...
Nguồn: [Link nguồn]