"Sói già khát máu" và cuộc truy bắt hơn 2000 ngày (P1): "Bóng ma" giữa rừng sâu

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2Kỳ mới nhất

Gát ra tay sát hại hai người đàn ông cùng bản ngay trong đêm tối. Thế nhưng, vụ giết người ấy mới chỉ là bắt đầu cho chuỗi ngày "say máu" của kẻ được mệnh danh là "sói già" giữa rừng sâu.

Ngang tàng

Cốc Mỳ (Bát Xát, Lào Cai) là xã biên giới, núi đồi hiểm trở. Từ lâu nay, mỗi ngày người dân nơi đây lên nương trồng lúa, vào rừng săn bắn, tạo nên nhịp sống bình yên đến kỳ lạ. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi vào một buổi chiều mấy chục năm về trước.

Người dân bản kể, vào một chiều mưa, phía chân đồi xuất hiện người đàn ông bế theo cậu bé trên tay đến tá túc. Kể từ đó, hai bố con lạ mặt ấy được mọi người cưu mang đã sinh sống, lập nghiệp ở mảnh đất này. Phàn A Gát (SN 1969) là thế hệ thứ 3 được sinh ra trong gia đình ấy.

Ngay từ nhỏ, Gát đã là kẻ bướng bỉnh. Gã có sự nhanh nhẹn như một con sóc rừng và sức khỏe hiếm trai làng nào bì kịp. Gát đam mê đi săn, chỉ mười mấy tuổi, Gát đã theo dân bản vào rừng với khẩu súng kíp trên tay.

Có người kể lại, Gát rất lỳ, gã có thể ngồi cả ngày dưới gốc cây như một pho tượng chỉ để đợi con mồi đi qua và hạ gục. Với khẩu súng kíp, Gát dường như chưa bao giờ thất bại sau mỗi cuộc vào rừng, chiến lợi phẩm của gã luôn là nhiều nhất. Thậm chí, Gát có thể bắn trúng con mồi mà không cần ngắm. Mỗi lần như vậy, gã lại ngửa mặt lên cười "khà khà".

Nhưng bản tính "máu lạnh" của Gát cũng dần bộc lộ từ những cuộc đi săn này. Một lần, cả nhóm dân bản vào rừng, trong lúc "vẩy súng" bắn một con gà, Gát vô tình làm bị thương một người dân. Trong khi những người khác xúm vào chữa trị, khiến nạn nhân về thì Gát vẫn tỉnh bơ, tiếp tục ở lại để "rình" bằng được con thú đã định. Từ đó, người dân Cốc Mỳ khi nhắc đến Gát đều tỏ ra "lảng tránh", sợ hãi.

Những ngọn núi cao là nơi Gát lần trốn suốt nhiều năm (ảnh minh họa)

Những ngọn núi cao là nơi Gát lần trốn suốt nhiều năm (ảnh minh họa)

Hai mạng người trong đêm

Cả bản đều tránh va chạm với Gát bởi ai cũng biết gã là kẻ côn đồ, sẵn sàng đánh người chẳng cần tính toán. Người nhà Gát kể, một lần Gát cãi nhau với vợ, anh trai vợ có đến can ngăn và nói mấy câu. Gát chẳng đáp lời, gã đứng dậy vớ con dao "bổ thẳng" vào mặt anh vợ. Rất may, người này tránh được, con dao cắm "phập" vào cột gỗ, tạo thành vết chém sâu hoắm.

Sự côn đồ của Gát trở thành "tiếng xấu" lan khắp vùng núi Tây Bắc, ai cũng dặn nhau, nếu có va chạm với gã, tốt nhất là nên nhịn. Thế nhưng, bản chất của Gát là kẻ "bất ổn", hắn luôn có cách hành xử khiến bất cứ ai cũng phải bất ngờ.

Một chiều tháng 11/2000, Gát được mẹ vợ nhờ đi xử lý "mâu thuẫn" trong việc con trâu bị bắn chết. Gát rủ em trai là Phàn A Minh cùng hai người bạn là Tẩn A Tón, Tần A Đon đi cùng. Cả 4 tìm đến nhà ông Tẩn Duẩn Hiển. Ông Hiển là người đã bắn chết con trâu khi nó phá lúa trên ruộng nhà ông. Biết "tiếng" của Gát, ông Hiển đã đề nghị được đền bù.

Được nhiều người nói vào, Gát chấp nhận lấy 350 nghìn đồng và một bữa "cơm no, rượu say". Trong bữa cơm, Gát và anh Tón có xảy ra cãi vã nhưng được can ngăn.

Ăn uống no say, Gát và nhóm người quay trở về. Trên đường đi, Gát và Tón lại to tiếng, thách thức nhau về việc chia tiền trâu. Đường núi tối đen như mực, đi được một đoạn, Gát bảo mọi người nghỉ chân bên chiếc chòi ven đường. Vào đến chòi, Gát vớ ngay cái điếu cày đánh mạnh vào đầu anh Tón. Biết anh trai "lên cơn", Minh bảo anh Tón chạy đi, nhưng anh này không chịu. Trong lúc căng thẳng lên cao, Gát lấy hòn đá đánh chết anh Tón và anh Đon. Đêm ấy, Minh ôm khẩu súng kíp luồn rừng về bản, còn Gát thì biến mất vào bóng tối mênh mông của đại ngàn. Bắt đầu cuộc sống như "con sói" giữa những tán cây trăm tuổi.

Bóng người trong rừng thẳm

Gát sống như một bóng ma, thoắt ẩn, thoắt hiện trong cánh rừng trải dài như bất tận. Gát biết từng gốc cây, từng hang núi, từng khe đá nơi này. Vì thế, hắn có thể ở bất cứ chỗ nào mà không bị phát hiện.

Trong rừng, Gát rất cẩn trọng và "cáo già", gã chẳng để lại bất cứ dấu vết nào ở nơi mình đã từng đi qua. Một vài người thi thoảng có thấy thấp thoáng phía xa xa, nơi những vạt đá tai mèo dựng đứng có bóng người, nhưng lại gần thì ngay cả dấu chân in trên cỏ cũng không còn nữa.

Gát (ảnh tư liệu)

Gát (ảnh tư liệu)

Gát nghi ngờ tất cả những ai đi lại trong khu rừng, gã nghĩ, những người đó là của công an, đóng giả để tìm bắt hắn. Gát đánh dấu những cây gỗ lớn và tự cho rằng không ai được phép động vào.

Một lần, Gát phát hiện có nhóm người đi vào rừng, những người này đã đốn hạ cây gỗ mà trước đó Gát đã đánh dấu. Gát không chấp nhận việc đó, gã luồn dưới những tán cây, trườn nhẹ như một con mèo hướng mũi súng kíp về nhóm thợ gỗ. Gát chẳng phải ngắm nhiều, gã bắn một phát về anh Chảo A Thắng khiến anh này chết tại chỗ. Gát lấy luôn khẩu súng kíp của nạn nhân rồi chỉ trong tích tắc, gã biến mất sau những thân cây cổ thụ, mặc cho phía sau tiếng súng truy đuổi của nhóm thợ "rền vang".

Kể từ phi vụ ấy, Gát nghi ngờ tất cả. Chỉ một tiếng động nhỏ trong khu rừng yên tĩnh cũng đủ đánh thức gã. Suốt nhiều năm trời, Gát vẫn điên cuồng gây ra bao tội lỗi cho dân bản mà chẳng ai phát hiện ra. Gã ngang nhiên về tận bản giết trâu để làm thức ăn. Quãng thời gian đó, người dân chẳng mấy ai dám bén mảng vào sâu trong rừng, vì họ sợ chạm mặt Gát thì "lành ít, dữ nhiều".

Gát giống như "cơn gió độc" quẩn quanh khắp các hang đá, đỉnh núi, reo rắc sự sợ hãi cho người dân.

Lúc này, mặc dù đã ra quyết định truy nã với Gát, nhưng Công an tỉnh Lào Cai vẫn chưa thể lần ra nơi gã sát nhân máu lạnh này trú thân. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Lào Cai "ăn rừng, ngủ núi", chịu cái lạnh thấu sương mỗi khi đêm về, nhưng bóng dáng Gát vẫn "biệt tích" .

(Còn nữa)

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2Kỳ mới nhất
Thi thể cán bộ ngân hàng ở vệ đường hé lộ thủ đoạn giết người lần đầu xuất hiện ở HN

Giữa buổi trưa thanh vắng, thi thể nạn nhân được người dân phát hiện nằm lẩn khuất trong đám cỏ dại ven đường, cách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Sơn ([Tên nguồn])
"Sói già khát máu" và cuộc truy bắt hơn 2.000 ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN