Chặt 40 cây bưởi da xanh do chính mình trồng nhưng vẫn phải... bồi thường
Do nguyên đơn không đưa giấy tờ đất đai để đi làm sổ đỏ theo thỏa thuận nên cụ ông đã chặt 40 cây bưởi da xanh do chính mình trồng để rồi sau đó phải bồi thường hàng chục triệu đồng.
Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản (40 cây bưởi da xanh) giữa nguyên đơn bà A, bị đơn ông T do có kháng cáo của ông T.
Cụ ông phải bồi thường 40 cây bưởi da xanh do chính tay mình trồng. Ảnh minh họa: NHẪN NAM
Theo đó, ông T kháng cáo xin được trả dần số tiền phải bồi thường cho nguyên đơn là mỗi tháng 500 ngàn đồng vì ông đã ngoài 70 tuổi, không có thu nhập gì.
Tòa hỏi ý kiến nguyên đơn thì bà này không đồng ý cho bị đơn trả dần mỗi tháng 500 ngàn đồng.
Tòa giải thích đây là khả năng thi hành án của bị đơn, sẽ được xem xét trong phần thi hành án. Sau đó, bị đơn đã đồng ý rút kháng cáo nên tòa đã đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Nội dung vụ án thể hiện, năm 2023, TAND quận Cái Răng, TP Cần Thơ có quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa bà A và ông T. Trong đó, ông T được quyền sử dụng phần đất có diện tích hơn 218 m2 loại đất cây lâu năm. Ông T có trách nhiệm giao trả lại cho bà A sử dụng phần đất có diện tích hơn 899 m2, loại đất cây lâu năm và đất trồng lúa. Đồng thời, bà A được sở hữu toàn bộ các cây trồng có trên diện tích đất trên, trong đó có 40 cây bưởi da xanh do ông T trồng trước đây.
Tuy nhiên, đầu tháng 10-2023, ông T chặt hết 40 cây bưởi da xanh (trồng khoảng 10 năm) tại phần đất trên. Do đó, bà A khởi kiện yêu cầu ông T phải bồi thường mỗi cây 4 triệu, tổng cộng khoảng 160 triệu đồng. Quá trình giải quyết vụ án, bà A yêu cầu ông T bồi thường 40 cây bưởi da xanh theo giá trị do nhà nước quy định.
Ngoài ra, bà A cho rằng, lý do bà không đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ông T đi làm giấy chứng nhận là do ông T tự cắm ranh, không có cơ quan chính quyền xuống, hơn nữa, nếu tách thửa như vị trí đã thỏa thuận thì bà không có đường đi ra.
Bị đơn, ông T thừa nhận hai bên có thỏa thuận như nêu trên và được tòa ra quyết định sự công nhận. Tuy nhiên, bà A không hợp tác để ông đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như nội dung quyết định công nhận sự thỏa thuận.
Do bà A là người vi phạm trước nên ông bực tức, đã chặt 40 cây bưởi da xanh. Hơn nữa, các cây bưởi da xanh này trước đây do ông trồng, bà A không hợp tác để ông đi làm thủ tục quyền sử dụng đất của ông nên ông chặt bỏ. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà A.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn đồng ý bồi thường cho nguyên đơn giá trị thiệt hại 40 cây bưởi da xanh theo giá nhà nước quy định. Bị đơn yêu cầu trả dần mỗi tháng 500 ngàn đồng nhưng nguyên đơn không đồng ý.
Xử sơ thẩm, TAND quận Cái Răng căn cứ vào quyết định công nhận sự thỏa thuận, cho rằng bà A được sở hữu 40 cây bưởi da xanh do ông T đã trồng trước đây. Ông T chặt 40 cây bưởi da xanh nêu trên, gây thiệt hại về tài sản hợp pháp của bà A nên ông T phải bồi thường cho bà này, theo quy định tại khoản 1, Điều 584 BLDS. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của bà A là có cơ sở.
Theo tòa, trong 40 cây bưởi da xanh loại A mà ông T đã chặt thì 8 cây vẫn còn sống, đang đâm chồi nhưng chưa có khả năng cho trái nên xếp loại C. Giá cây loại A là 1,957 triệu/cây; tổng 40 cây là hơn 78 triệu. Giá cây loại C là 666 ngàn đồng/cây, tổng 8 cây là hơn 5 triệu. Tổng cộng thiệt hại của bà A (lấy giá trị 40 cây loại A trừ đi giá trị 8 cây loại C) là gần 73 triệu.
Tòa sơ thẩm căn cứ theo Khoản 1, Điều 585 BLDS quy định thiệt hại cần phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Đối với khả năng thi hành án của bị đơn sẽ được xem xét trong giai đoạn thi hành án. Do đó, tòa buộc ông T phải bồi thường trị giá 40 cây bưởi da xanh cho bà A là gần 73 triệu, không chấp nhận yêu cầu trả dần mỗi tháng 500 ngàn đồng.
Quyết định của tòa án đã có hiệu lực thì các bên phải thi hành Về ý kiến ông T cho rằng bà A không hợp tác để đi làm giấy đất theo quyết định công nhận thỏa thuận nên ông có quyền chặt cây mình trồng, TAND quận Cái Răng cho rằng không có cơ sở, vì bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thì các bên phải có nghĩa vụ thi hành, được mang tính cưỡng chế, bắt buộc với các bên. Nếu một trong các bên có nghĩa vụ nhưng không tự nguyện thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án thì đương sự có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án, quyết định của tòa án. Đối với việc bà A cho rằng ông T tự cắm ranh, không có chính quyền xuống, nếu tách thửa như vị trí thỏa thuận thì phần đất của bà không đường ra, tòa cho rằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên và không trái pháp luật. Bà A đã thỏa thuận với ông T thì bà A phải có nghĩa vụ thi hành án theo quyết định công nhận sự thỏa thuận. Nếu bà A có tranh chấp về lối đi thì có quyền khởi kiện thành vụ kiện khác theo quy định pháp luật để được giải quyết. |
Cây dó bầu trên trăm tuổi, cao 17 mét phát trầm hương toàn thân rất hiếm thấy vừa được phát hiện trong khu vườn của 1 hộ dân ở Phú Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]
-07/02/2025 05:30 AM (GMT+7)