Xử lý 2 đối tượng chuyển cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng của Bộ Công an

Sự kiện: Tin pháp luật

Do các đối tượng nhắn tin, gọi điện đòi nợ quá nhiều, hai đối tượng đã sử dụng dịch vụ chuyển cuộc gọi các số máy lạ đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an sai quy định.

Ngày 6/3, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ quan chức năng vừa xác minh, làm rõ 2 trường hợp có hành vi chuyển cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an sai quy định.

Theo đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an huyện Sơn Động, Công an huyện Việt Yên tiến hành làm việc với Hoàng Tuấn H. (SN 1989, trú tại xã Thanh Luận, huyện Sơn Động, Bắc Giang) và Nguyễn Đức Y. (SN 1990, trú tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Bắc Giang) để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.

Cụ thể, khoảng cuối tháng 12/2022, do cần tiền chi tiêu cá nhân nên Hoàng Tuấn H. đã vay tiền qua một số app trên điện thoại di động. Tuy nhiên, quá trình vay tiền, do chậm muộn chưa trả, Hoàng Tuấn H. cùng người nhà, bạn bè bị các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ (sim rác) nhắn tin, gọi điện đòi nợ.

Thậm chí, Hoàng Tuấn H. còn bị các đối tượng đòi nợ ghép ảnh vào các thông báo đòi nợ gửi cho bạn bè, người thân. Khoảng tháng 2/2023, các đối tượng lạ liên tục gọi điện đòi nợ với tần suất nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và uy tín của mình nên Hoàng Tuấn H. đã tìm kiếm trên không gian mạng về cách khắc phục.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng vi phạm

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng vi phạm

Quá trình tìm kiếm, Hoàng Tuấn H. thấy thông tin bài viết về việc chuyển hướng cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an nên H. nảy sinh ý định sẽ chuyển hướng mọi cuộc gọi từ số lạ đến số của Bộ Công an để không bị làm phiền.

Thực hiện ý định trên, trên điện thoại của mình, Hoàng Tuấn H. thao tác bấm theo hướng dẫn trên mạng để chuyển cuộc gọi của các số máy lạ gọi vào số của mình đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiếp nhận, xử lý tin phản ánh qua đường dây điện thoại nóng của Bộ Công an.

Còn đối với Nguyễn Đức Y., Cơ quan Công an cũng đã xác minh, làm rõ: Khoảng tháng 11/2022, thông qua một app cho vay tiền, Y. đăng ký vay 5 triệu đồng.

Sau khi nhận được tiền, mặc dù đã trả hết nhưng đến khoảng cuối tháng 1/2023, Y. liên tục bị các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ (sim rác) nhắn tin, gọi điện đòi nợ.

Do các đối tượng nhắn tin, gọi điện quá nhiều, Y. đã sử dụng dịch vụ chuyển cuộc gọi của các số máy lạ gọi vào số điện thoại của Y. đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiếp nhận, xử lý tin phản ánh qua đường dây điện thoại nóng.

Căn cứ quy định của pháp luật, hành vi của Hoàng Tuấn H. và Nguyễn Đức Y. là hành vi “Thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật”, quy định tại Điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Hiện vụ việc đang được xử lý theo thẩm quyền.

Trung tá Hà Đức Thân – Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, các đối tượng vay tiền từ các app và công ty tài chính khi đến thời hạn trả nợ đã chuyển chức năng chuyển cuộc gọi về số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an, làm ảnh hưởng đến ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận và xử lý các tin báo của quần chúng nhân dân. Việc chuyển cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an là hành vi vi phạm “Thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật", mức phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng.

Để đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, thông suốt của đường dây nóng Bộ Công an, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không được gọi điện quấy rối, trêu đùa, nháy máy, chuyển cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an nói chung và các đường dây nóng khác nói riêng.

Thời gian tới, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm này.

Phải làm gì khi vay tiền qua app, dù trả hết nợ nhưng vẫn bị ”khủng bố” đòi tiền?

Gọi điện thoại đến "Đường dây nóng" ANTĐ, nhiều bạn đọc phản ánh do thủ tục nhanh chóng, tiện lợi nên nhiều người đã vay tiền qua app. Tuy vậy, dù trả hết nợ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN