Xót xa cảnh 5 đứa trẻ côi cút sau án mạng chồng sát hại vợ
Mẹ mất, bố vướng vòng lao lý để lại 5 con thơ cho ông, bà nội già yếu lại bệnh tật chăm sóc khiến ai cũng phải rơi nước mắt.
Vợ chồng ông Minh cùng 4 cháu nhỏ, còn người con lớn của chị N. biết chuyện nên buồn bã, không muốn tiếp xúc với ai.
Từ người chồng hiền lành trở thành kẻ sát nhân
Vụ án mạng chồng ra tay sát hại vợ ngay tại nhà riêng ở xã Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội), khiến người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng, xót thương cho nạn nhân xấu số.
Nạn nhân trong vụ án này là chị T.T.N, người gây án là Đ.H.M, (chồng chị N.). Đau đớn hơn, khi 5 đứa trẻ, con của chị N. bỗng trở thành trẻ mồ côi, các cháu còn quá nhỏ để thấu hiểu nỗi đau mất mẹ, bố vướng vòng lao lý.
10 ngày sau khi xảy ra vụ án mạng, chúng tôi tìm về thôn Bài Nha, xã Cam Thượng. Ngôi nhà của chị N. sinh sống nằm sâu trong ngõ trở nên lạnh lẽo. Chốc chốc lại có người ra vào hỏi thăm, ai đến cũng phải rơi nước mắt bởi những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn vẫn vô tư vui đùa như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ôm bé trai 18 tháng tuổi, con út của chị N. vào lòng, ông Đặng Văn Minh (57 tuổi, bố chồng chị N.) đau đớn nói, sự việc xảy ra quá đột ngột khiến ai cũng bàng hoàng.
Ông Minh bế con út của chị N. mới 18 tháng tuổi.
Đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm, ông Minh kể, chiều 6/8, khi ông đang ở nhà riêng, cách nhà vợ chồng chị N. khoảng 500m thì hay tin anh M. ra tay sát hại vợ. Nghe tin, tay chân ông bủn rủn, chạy thẳng sang nhà con trai.
“khi tôi đến mọi việc đã xảy ra, con trai tôi mặt tái xanh bảo bố sang muộn rồi, con xin lỗi bố. Hoảng quá, tôi chỉ kịp nói mày làm thế này là giết bố, mẹ, sau đó cùng mọi người đưa con dâu đi viện”, ông Minh nói.
Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng chị N. mất máu quá nhiều nên đã tử vong. Ông Minh bảo, bản thân ông cũng không biết vì sao lại xảy ra sự việc đau lòng này.
Quá trình hai vợ chồng chị N. sinh sống chưa từng to tiếng với nhau hay có xích mích gì. Con trai ông là người hiền lành, con dâu ông là người tháo vát, biết lo lắng, vun đắp gia đình, chu toàn cuộc sống.
“Từ lúc thằng M. bị giam giữ, gia đình cũng chưa gặp được. Khi công an đưa đi, nó chỉ kịp gửi lời xin lỗi gia đình 2 bên nội, ngoại và bày tỏ nguyện vọng không muốn thuê luật sư bào chữa, nó muốn tự làm tự chịu”, ông Minh kể.
Các con chị N. thắp hương cho mẹ.
Trong ngôi nhà nhỏ vẫn nghi ngút khói hương và tiếng đài tụng kinh, niệm Phật. Đã mấy ngày nay, kể từ khi chị N. mất, anh M. bị bắt giữ, hằng ngày vợ chồng ông Minh vẫn thắp hương và tụng kinh đều đặn.
Nhắc đến con, ông Minh lại khóc ròng. Mấy đứa trẻ con thấy ông khóc thì ngơ ngác. Chúng cũng hiểu mẹ chúng mãi mãi không trở về, nhưng tâm hồn trẻ thơ chẳng nghĩ ngợi được nhiều như người lớn. Chúng chỉ buồn một chút rồi lại thoải mái vô tư nô đùa khiến lòng ông Minh càng đau đớn, quặn thắt.
Vừa lau nước mắt ông vừa kể, nhà ông có 2 người con, anh M. là con trai duy nhất, dưới còn có một em gái. Năm 2000 anh M. bị chùn xương cột sống, liệt mất hai chân sau vụ tai nạn ngã từ trên cây xuống nên phải dùng nạng, đi đâu phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, anh vẫn chăm chỉ làm nghề mộc để mưu sinh.
Đến năm 2003, anh M. và chị N. nên duyên vợ chồng, chị N. chấp nhận người chồng dù bệnh tật nhưng vẫn chịu khó tu chí, làm ăn. Cũng kể từ đó đến nay, hai vợ chồng chị N. sinh được 5 người con. Cháu lớn là Đ.T.T (15 tuổi), cháu thứ hai là Đ.D.N (13 tuổi), cháu thứ 3 là Đ.T.H.N (11 tuổi), cháu thứ 4 là Đ.K.C (6 tuổi) và cháu út là Đ.H.Đ (18 tháng tuổi).
Xót xa ông, bà nội già yếu nuôi 5 cháu mồ côi
Theo lời nhận xét của ông Minh, chị N. là một người con dâu ngoan ngoãn, lễ phép, rất chịu thương chịu khó. Hằng ngày, chị N. làm công nhân đi bốc gạch thuê, chiều về lại tranh thủ đồng áng, lợn gà, nhà cửa rồi lo cho con cái.
Dù vợ chồng chị N. làm quần quật cả ngày nhưng cuộc sống của gia đình cũng chẳng khá giả hơn là mấy. 5 đứa con lần lượt ra đời khiến kinh tế càng thêm túng bấn, khó khăn.
Lau vội những giọt nước mắt, ông Minh tâm sự, từ lúc xảy ra sự việc đau lòng, con lớn của chị N. (15 tuổi), đã hiểu được mọi việc nên rất buồn, chẳng nói chẳng rằng, còn 4 đứa nhỏ chưa thể hiểu hết được mọi chuyện.
“Thương con, thương cháu, nhất là thằng út nó mới được 18 tháng tuổi đã mất mẹ rồi. Tương lai của các cháu sau này sẽ ra sao, tôi không dám nghĩ tới”, ông Minh chia sẻ.
Ngôi nhà của vợ chồng chị N. được chính quyền xã hỗ trợ xây dựng.
Khu bếp nhà chị N.
Gian bếp xiêu vẹo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Bên trong khu bếp, trời mưa sẽ bị dột, không nấu ăn được.
Nói rồi, ông Minh chỉ tay vào bức tường bảo, ngôi nhà cấp 4 này vợ chồng chị N. được chính quyền hỗ trợ, xây theo diện hộ nghèo của xã nhưng vẫn đang dang dở, chưa hoàn thiện. Còn gian nhà cũ để làm bếp đun nấu, đến nay cũng ọp ẹp, mưa dột như ngoài sân, có thể đổ sập bấp cứ lúc nào.
“Con N. nó bảo cố gắng đi làm rồi tu sửa cái bếp đun nấu cho con cái đỡ khổ, vậy mà chưa làm được nó đã đi rồi”, ông Minh nói.
Khi hỏi về tương lai của 5 đứa trẻ, ông Minh thở dài, em gái M. đã lập gia đình, có 4 người con, công việc không ổn định nên khả năng cưu mang các cháu là rất khó.
Ông Minh bảo, đời ông không biết chữ đã khổ lắm rồi. Đời bố, mẹ chúng nó cũng chẳng được học hành tử tế nên chẳng thể nào có được công việc ổn định, cho nên dù khó khăn, vất vả, ông bà vẫn quyết tâm chăm lo cho cả 5 đứa học hành đến nơi đến chốn.
Gần 60 tuổi, ông Minh bị gù bẩm sinh, vợ ông lại bị bệnh tim, hằng tháng phải thuốc men chạy chữa, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy con lợn, con gà, giờ gánh thêm 5 người con của chị N. khiến cuộc sống càng khốn khó hơn. Đáng nói, hiện tại vợ chồng ông Minh cũng đang phải phụng dưỡng một mẹ già 94 tuổi, khiến kinh tế đã eo nay lại càng hẹp.
Điều ông Minh lo lắng nhất lúc này là khi sức khoẻ của ông bà ngày càng già yếu. Ông sợ giấc mơ cho bọn trẻ học hành tới nơi tới chốn của ông, bà sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thật.
Trao đổi với PV, ông Quách Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội), cho biết, hoàn cảnh vợ chồng chị N. ở địa phương thuộc hộ nghèo nhiều năm nay. Ở địa phương vợ chồng chị N. cũng chưa xảy ra điều tiếng gì.
“Chị N. là lao động chính trong gia đình để nuôi 5 người con, còn anh chồng làm mộc nhưng chân bị tai nạn nên thu nhập không nhiều”, ông Phong nói.
Chiếc xe 3 bánh của anh M.
Theo ông Phong, ông Minh (bố chồng chị N.) thuộc diện khuyết tật, hằng tháng cũng được hỗ trợ vài trăm nghìn, gia đình làm nông, hoàn cảnh cũng khó khăn.
“Thương nhất là 5 đứa trẻ, giờ ông bà nội già yếu phải chăm sóc. Khi xảy ra sự việc, chúng tôi cũng đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình”, ông Phong cho hay.
Người vợ đi làm xa và mới quay về nhà thăm chồng con được 3 ngày thì xảy ra án mạng.
Nguồn: [Link nguồn]