Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bé gái được vào tòa vài phút để gặp bố
Cô bé chưa tròn 5 tuổi háo hức đến Tòa để… hát quan họ cho bố nghe và được đặc cách cho vào gặp bố vài phút giữa phiên xử gây xúc động cho những người có mặt
Vừa bước từ trên xe thùng xuống sân TAND thành phố Hòa Bình, bị cáo Bùi Mạnh Quốc – sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh – trong tư thế bị còng tay, được hai chiến sỹ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa vội vào phòng xét xử. Chợt có tiếng gọi từ phía sau: “Anh Quốc ơi!”.
Bùi Mạnh Quốc ngoái lại chào người nhà sau khi vừa bước xuống từ xe thùng.
Đó là tiếng gọi của chị M - vợ của bị cáo Quốc. Bị cáo cố nhoài người nhìn lại phía có giọng nói thân thuộc và bắt gặp hình ảnh cô vợ trẻ sinh năm 1991 bế đứa con gái bé nhỏ chưa đầy 5 tuổi của mình.
Ngoài 2 người này còn có bà ngoại cháu bé, em trai và em vợ của Quốc. Họ cùng nhau bắt chuyến xe sớm từ thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho kịp dự phiên tòa sáng 08/01/2019 xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong vào năm 2017. Trong vụ án đó, Bùi Mạnh Quốc được xác định là bị cáo đầu vụ và bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” – một tội danh với khung hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-CA, trẻ dưới 16 tuổi không được phép vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa triệu tập. Do vậy, vợ bị cáo chỉ có thể bế bé T.A (con gái) quanh quẩn ở góc sân Tòa.
Đúng thời điểm Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa khoảng gần 1 tiếng để hội ý về việc tiếp tục xét xử hay hoãn phiên tòa (theo đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát và luật sư do bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt), có lẽ đã quan sát thấy bé T.A bên ngoài phòng xử, Bùi Mạnh Quốc nhờ bà Bùi Thị Thu Hằng – Kiểm sát viên chính giữ quyền công tố tại phiên tòa – giúp để chị M. được đưa con gái vào với bố.
Vị đại diện Viện Kiểm sát không nỡ từ chối lời đề nghị này. Theo quan sát của PV Infonet có mặt tại đó, bà Hằng đã 2 lần ra ngoài gọi điện thoại, rồi sốt sắng chạy lên tầng 2 tìm đến phòng làm việc của lãnh đạo TAND thành phố Hòa Bình với mong muốn lời đề nghị gặp con gái của Bùi Mạnh Quốc được chấp thuận.
Đó là một quyết định mang tính phá lệ, nhưng cũng đầy tình người. Sẽ không có gì ngạc nhiên về quyết định này nếu chứng kiến thời điểm đầu giờ sáng, khi phiên tòa chưa bắt đầu, một không khí hết sức thân mật trong phòng xử, khi người nhà nạn nhân dành cho các luật sư và nữ Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng những cái bắt tay và cái ôm thật chặt.
Bé T.A được người chú ruột (em trai Bùi Mạnh Quốc) bế trên tay sáng 08/01/2019.
Sau khi bé T.A được mẹ và bà ngoại đưa vào gặp bố, bất ngờ cháu bé khóc ré lên và ôm chặt lấy bà ngoại khi Bùi Mạnh Quốc muốn được bế con vào lòng.
Ngồi giữa hai cảnh sát hỗ trợ tư pháp, bị cáo Quốc nói điều gì đó với con gái, đồng thời cố với tay sang để được cầm tay con gái, nhưng mỗi lần như vậy cháu bé lại càng khóc to hơn.
Có lẽ việc phải xa bố khi mới chỉ 3 tuổi, hoặc cũng có thể trong một không gian quá đặc biệt đã khiến cháu bé sinh năm 2014 không cảm thấy thoải mái. Ngồi trước mặt chồng, M khóc cùng con. Ngay cả một số luật sư – những người thường xuyên phải chứng kiến nhiều tình huống tương tự - cũng không khỏi xúc động.
Cuộc gặp gỡ cha – con chỉ diễn ra trong khoảng 3 phút ngắn ngủi. Trước khi đưa con gái ra khỏi phòng xử án, M. dúi cho chồng một túi đồ, và đương nhiên việc này không được chấp thuận bởi lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp.
Bế bé T.A rời khỏi phòng xử án, bà ngoại cháu bé nói với PV Infonet, T.A là đứa bé ngoan và “rất khôn”. “Vì mẹ bán hàng nước ở công viên thường hay bị dẹp nên buổi tối ra chơi với mẹ, cháu thường chủ động chào rất to mỗi khi các ông dân phòng đi qua. Cháu bảo: “Phải chào to để các ông không đuổi mẹ”.
Cũng theo lời bà, cháu đã được ông ngoại dạy thuộc làu một số bài quan họ và rất háo hức đến Tòa để… hát quan họ cho bố nghe.
So với lần xét xử sơ thẩm lần 1 hồi tháng 5/2018 (bên trái), Bùi Mạnh Quốc trông gầy hơn rất nhiều.
Vợ chồng Bùi Mạnh Quốc – Dương Thị M kết hôn năm 2014, đến năm 2016 cùng nhau thành lập Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh.
Ngày 28/5/2017, Quốc là người trực tiếp sửa chữa hệ thống lọc RO số 2 tại đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình. Tại đây, Quốc tiến hành các thao tác thay thế vật liệu lọc, dùng hỗn hợp chất Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL) lau chùi 02 màng lọc cũ, thay 02 màng lọc mới và dùng hỗn hợp chất trên đổ vào các cột lọc, cho vận hành và sục rửa các cột lọc, sau đó bơm nước vào các cột lọc để sục đẩy các chất cặn bẩn và hóa chất ra ngoài.
Thực tế nước trong các cột lọc lúc này vẫn tồn dư lượng lớn các hóa chất mà Quốc sử dụng để sục rửa. Tiếp đó, Quốc mở van nối giữa các cột lọc với tank RO số 2, do đó, số hóa chất HF và HCL theo hệ thống nước hòa vào nước trong tank RO số 2.
Việc tồn dư hóa chất là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa xảy ra ngày hôm sau (29/5/2017) làm 7 người tử vong, sau đó số người tử vong tăng lên thành 9 người. Ý thức được hành vi gây nguy hại của mình, Bùi Mạnh Quốc cùng với bị cáo Trần Văn Sơn là 2/7 bị cáo trong vụ án đã chủ động bồi thường và hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong.
Ánh mắt luôn hướng về phía con gái khi Quốc được đưa ra xe về trại giam.
Ngoài việc bố mẹ chồng đi vay mượn để khắc phục hậu quả, chị M chia sẻ, một nhóm bạn học đại học của chồng đã quyên góp được 25 triệu đồng và trao cho gia đình để giúp vượt qua thời khắc khó khăn này.
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Quốc, còn có bị cáo Hoàng Công Lương bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình truy tố đối với tội danh “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999. Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Do bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm.