Xét xử hoa hậu Phương Nga: Khai gian có thể bị xử tù

Người làm chứng có thể bị xử về tội "Khai báo gian dối" hoặc "Từ chối khai báo" nếu cố tình khai báo gian dối hoặc từ chối, trốn tránh khai báo mà không có lý do chính đáng.

Người làm chứng cố tình vắng mặt không đến tòa theo giấy triệu tập sẽ bị áp giải. Ra lệnh dẫn giải là biện pháp nghiêm khắc nhất mà tòa án áp dụng đối với người làm chứng được quy định tại điều 192 trong Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003.

Có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp

Phiên tòa xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga "nóng" lên rất nhiều sau sự xuất hiện tại phiên tòa của một số người làm chứng. Lời khai của một số người làm chứng như Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung), Hồ Mai Phương (mẹ của Phương Nga); nhất là sự xuất hiện, khai báo của người "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương (bạn của Phương Nga) không chỉ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bản chất thật sự của vụ án này mà còn gây sự hoài nghi về tính minh bạch, đúng đắn trong hoạt động điều tra.

Xét xử hoa hậu Phương Nga: Khai gian có thể bị xử tù - 1

Dẫn giải bị cáo Trương Hồ Phương Nga về trại giam Ảnh: PHẠM DŨNG

Ngoài việc các luật sư dẫn ra các bản cung có dấu hiệu sao chép thì những bức thư từ trại giam được tuồn ra ngoài cho thấy sự việc hết sức nghiêm trọng. Đây không phải là sự sai sót đơn thuần mà có dấu hiệu tội phạm hình sự liên quan đến hoạt động tư pháp. Cả ông Lữ Minh Nghĩa và người "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương đều xác định những bức thư viết trên túi ni-lông gửi ra từ trại giam là có thật. Để xác định nội dung các bức thư này, thời gian, địa điểm, đối tượng trung gian giao nhận các bức thư, tòa án buộc phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác minh, trưng cầu giám định. Khả năng để tòa án tiếp tục xét xử và tuyên án khi cho rằng các bức thư này không bảo đảm tính chính xác, không liên quan đến vụ án là không cao. Bởi lẽ, vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm, đồng thời các lời khai, tài liệu mới lần đầu xuất hiện tại phiên tòa có giá trị nhất định, tòa án không thể bỏ qua. Kết quả giám định các bức thư này sẽ là những chứng cứ rất quan trọng trong việc xác định đối tượng xâm phạm hoạt động tư pháp.

Mặt khác, cả bà Hồ Mai Phương và người "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương đều khai báo tại tòa tình tiết liên quan đến việc "chạy án" với số tiền 50 triệu đồng. Mặc dù cách khai có khác nhau nhưng sự việc liên quan đến số tiền 50 triệu đồng được các bên xác nhận, cho thấy có dấu hiệu của việc đưa - nhận hối lộ. Ai nhận số tiền trên là câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng. Như vậy, qua việc xét hỏi công khai tại phiên tòa đã xuất hiện 2 sự kiện có thể dẫn đến sự khởi đầu cho những vụ án tiếp theo là đưa - nhận hối lộ và xâm phạm hoạt động tư pháp. Những lời khai này, tòa án không thể bỏ qua mà cần phải làm rõ đến tận cùng để trả lời trước công luận.

Ở chiều ngược lại, nếu các lời khai này qua xác minh, giám định xác định là không đúng sự thật, cố tình bịa đặt, cung cấp tài liệu giả mạo, gian dối nhằm chuyển hướng dư luận, nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan tố tụng thì những người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài hình sự theo điều 307 hoặc 308 Bộ Luật Hình sự (BLHS). Bởi lẽ, điều 55 BLTTHS quy định về nghĩa vụ người làm chứng: "Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 308 của BLHS; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 307 của BLHS".

Dù với chiều hướng nào thì những lời khai này cũng đặt HĐXX vào tình thế nan giải. Mọi quyết định của HĐXX lúc này ngoài sự thận trọng đặc biệt thì còn phải bảo đảm tính khách quan, công tâm.

Ưu ái không đúng luật?

Liên quan đến người "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương, nhiều ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội và các cơ quan báo chí "sôi sùng sục". Trước tiên là người làm chứng này không đến tòa nhưng lại xuất hiện ở một tờ báo để thanh minh lý do không có mặt. Tiếp đến, tòa áp dụng điều 192 BLTTHS 2003 để ra quyết định dẫn giải. Khi có mặt tại tòa, bà Nguyễn Mai Phương yêu cầu được ngồi ở phòng kín chứ không tham gia trong phòng xử án cùng với các nhân chứng khác vì để bảo vệ bí mật đời tư, tính mạng và sức khỏe. Yêu cầu của bà Nguyễn Mai Phương được HĐXX chấp nhận.

Việc để bà Nguyễn Mai Phương ngồi phòng kín trả lời các câu hỏi của HĐXX, luật sư đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng quyết định của HĐXX là đúng nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp. Vấn đề đặt ra là quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào?

Theo điểm a, khoản 3 điều 55 BLTTHS 2003, người làm chứng có quyền: "Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng". Như vậy, về nguyên tắc, người làm chứng có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khi triệu tập phải bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe, danh dự…

Theo khoản 3, điều 6 Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC, người làm chứng có thể được cách ly và hỏi kín nếu có yêu cầu được bảo vệ. Cụ thể, tùy từng vụ án, trước khi đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ như cấm ghi hình, ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa; không công bố họ tên, lai lịch của người được bảo vệ; cách ly người được bảo vệ và thực hiện việc hỏi kín đối với người được bảo vệ.

Còn tại khoản 1, điều 3 thông tư này quy định phạm vi được bảo vệ như sau: Người được bảo vệ được các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản khi có căn cứ về việc họ đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại được hiểu là đã bị xâm hại hoặc có sự đe dọa xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể hoặc căn cứ vào tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm và vai trò quan trọng của người làm chứng.

Như vậy, muốn được bảo vệ và được hỏi kín, bà Nguyễn Mai Phương phải chứng minh đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe… ở mức độ nguy hiểm đáng kể. Trong trường hợp cụ thể này, chưa thấy tòa công bố tình trạng bị xâm hại hoặc sẽ bị xâm hại của bà Nguyễn Mai Phương đến mức phải bảo vệ và phải hỏi ở phòng kín. Việc để bà Nguyễn Mai Phương trả lời ở phòng kín tạo ra một tiền lệ không tốt là có sự phân biệt giữa những người làm chứng trong cùng vụ án. Bởi vì, trong vụ án này, không chỉ có một mình bà Nguyễn Mai Phương là người làm chứng mà còn nhiều người khác. Họ tham gia phiên tòa và trả lời rất nhiều câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS, các luật sư đều ở phòng xử công khai. 

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Luật sư kiến nghị cho Phương Nga tại ngoại

Với những chứng cứ mới cung cấp và diễn biến phiên tòa luật sư cho rằng Phương Nga có dấu hiệu oan sai, kiến nghị tòa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Vụ án hoa hậu Phương Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN