Xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng: Nhiều chiêu trò “rút ruột”

Quân khu 7 cho Phạm Công Danh thuê, sử dụng đất an ninh quốc phòng trong thời gian dài là việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng: Nhiều chiêu trò “rút ruột” - 1

Một số bị cáo trước vành móng ngựa - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngày 20-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bước vào ngày làm việc thứ hai. Cơ quan công tố công bố bản cáo trạng dài 123 trang, thể hiện hành vi phạm tội của các bị cáo.

Thuê đất của công ty do tự mình lập ra!

Theo cáo buộc, năm 2013, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng thuê hai mặt bằng, rút từ VNCB hơn 601 tỉ đồng. Hành vi của Phạm Công Danh và đồng bọn phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Danh phân công Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) và Lưu Trung Kiên (phó giám đốc) làm thủ tục thuê địa điểm 268 Tô Hiến Thành, quận 10, TP HCM (diện tích 8.000 m2) để Phan Thành Mai (Phó Tổng Giám đốc Thường trực VNCB) phê duyệt chi phí thuê 5,6 tỉ đồng/tháng, thời hạn 20 năm. Hợp đồng thuê ký với Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung).

Tương tự, Phạm Công Danh trực tiếp ký duyệt tờ trình về việc thuê mặt bằng 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10 (diện tích hơn 6.800 m2) của Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ Hương Việt (Công ty Hương Việt). Theo tờ trình, VNCB đặt cọc số tiền thuê trong 20 năm là gần 756 tỉ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, VNCB chuyển hơn 601 tỉ đồng đến 2 công ty trên. Sau đó, hai công ty này chuyển lại toàn bộ số tiền cho Danh. Thực chất, Công ty Trung Dung và Hương Việt do Danh lập ra, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì. VNCB cũng không thuê mặt bằng làm trụ sở. Danh dùng 601 tỉ đồng trả nợ lãi ngoài và lãi ngân hàng cho 6 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh khiến VNCB thiệt hại 581,6 tỉ đồng.

Đáng nói, hai mặt bằng trên là đất an ninh quốc phòng do Quân khu 7 (Bộ Quốc phòng) quản lý, cho Tập đoàn Thiên Thanh thuê từ năm 2002. Cơ quan điều tra nhận thấy việc làm của Quân khu 7 có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì sai phạm liên quan đến đơn vị, cá nhân quân đội nên cơ quan chức năng chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng để giải quyết theo thẩm quyền.

Công ty “ma” gây thiệt hại 2.000 tỉ đồng

Trong 2 năm (từ năm 2012 - 2014), Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) xây dựng nhiều hồ sơ kinh doanh nguyên vật liệu, phương án trả nợ khống; nâng giá nhiều bất động sản là tài sản bảo đảm trong lúc định giá để vay 5.000 tỉ đồng của VNCB (hiện mới tất toán 300 tỉ đồng).

Cụ thể, dưới bàn tay “phù phép” của Danh và đồng bọn, cuối năm 2012, VNCB cho 2 công ty vay 650 tỉ đồng; giữa năm 2013 có 2 công ty vay 650 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nhà Quốc Cường (thuộc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) vay 300 tỉ đồng. Đỉnh điểm, 10 công ty vay 3.750 tỉ đồng trong năm 2014.

Không chỉ vậy, Danh còn chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh chuyển khoản hoặc rút tiền mặt 4.700 tỉ đồng rồi dùng số tiền này trả nợ 2.600 tỉ đồng cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (trước đó, các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh vay BIDV 4.700 tỉ đồng); chuyển khoản 500 tỉ đồng cho nhóm bà Trần Ngọc Bích…

Với những việc làm vi phạm quy định về cho vay hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như trên, Phạm Công Danh và đồng bọn gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.

Hôm nay (21-7), phiên tòa bước vào phần xét hỏi 36 bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Luật sư đề nghị giải mật hồ sơ định giá tài sản

Diễn biến trước đó, chỉ 98/156 cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa, trong đó có nhiều ngân hàng.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX yêu cầu tất cả người có quyền và nghĩa vụ liên quan không được vắng mặt trong suốt thời gian xét xử; giải mật tất cả hồ sơ liên quan đến việc định giá tài sản. Theo luật sư Hoài, đóng dấu mật hồ sơ tố tụng là vi phạm nguyên tắc công bằng, công khai trong xét xử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ - Di Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN