Xem video kiếm tiền, một phụ nữ bị lừa tiền, bôi xấu trên mạng

Tham gia xem video kiếm tiền và biết mình bị lừa, chị B nhắn lên nhóm chung để cảnh báo cho những người khác thì bị các đối tượng ghép hình ảnh, thông tin “đi khách” kèm theo số điện thoại cá nhân.

Ngày 6/11, chia sẻ với Tiền Phong, chị T.H.B (35 tuổi, ngụ quận 8) cho biết, chị bị các đối tượng lừa gần 10 triệu đồng từ việc xem video kiếm tiền qua mạng, tương tự như trường hợp của chị T.T.N (45 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) mà Tiền Phong đã thông tin.

Bị bôi xấu khi vạch trần trò lừa đảo

Theo chị B, ngày 14/7, một người gọi điện thoại đến thông báo chị nhận được phần quà may mắn từ chương trình tri ân khách hàng. Sau đó, chị B được mời tham gia chương trình xem video nhận tiền hoa hồng thông qua ứng dụng Telegram.

Người chơi bỏ giữa chừng sẽ không được nhận được tiền gốc và 30% hoa hồng. Ảnh: Hoàng Thuận.

Người chơi bỏ giữa chừng sẽ không được nhận được tiền gốc và 30% hoa hồng. Ảnh: Hoàng Thuận.

Người chơi chỉ cần xem video và chụp hình gửi báo cáo thì sẽ nhận được tiền hoa hồng thông qua việc chuyển khoản. Chị B tham gia và nhận được hơn 1,4 triệu đồng. Tiếp đến, chị B được những người này mời tham gia làm nhiệm vụ đăng ký đơn hàng để hưởng 30% hoa hồng, tiền lì xì từ 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng, 2 triệu đồng.

Cụ thể, có 3 đơn hàng trị giá từ 6,8 triệu đồng, 8,8 triệu đồng, 12,8 triệu đồng, tương ứng với số tiền hoa hồng lần lượt là 2,04 triệu đồng, 2,640 triệu và 3,840 triệu đồng.

Theo chị B, nhóm của chị gồm 4 người tham gia chơi và do một tài khoản có tên C.E.O Xuân Thành quản lý, giao nhiệm vụ. Tất cả người chơi trong nhóm chọn nhiệm vụ giống nhau mới có thể thực hiện. Sau khi chọn đơn hàng, người chơi chuyển tiền vào số tài khoản tên To Thi Kim Huong do C.E.O Xuân Thành cung cấp và chụp hình báo cáo để hoàn thành nhiệm vụ.

Thấy việc xem video kiếm được tiền, chị B làm theo hướng dẫn, chuyển khoản 6,8 triệu đồng vào số tài khoản trên. Tổng tiền chị B được nhận là 8,840 triệu đồng và 500 nghìn đồng tiền lì xì. Tuy nhiên, C.E.O Xuân Thành không thực hiện thanh toán mà gửi đường link Tiki, yêu cầu chị B nhấp vào liên kết, chọn mua túi đeo trong giỏ hàng, chụp ảnh báo cáo để nâng cấp thành viên.

Các thành viên phải chọn nhiệm vụ giống nhau mới được nhận tiền hoa hồng. Ảnh: Hoàng Thuận.

Các thành viên phải chọn nhiệm vụ giống nhau mới được nhận tiền hoa hồng. Ảnh: Hoàng Thuận.

Chị B làm theo và được người này hướng dẫn chọn quà tặng từ nhà tài trợ là một trong 9 sản phẩm điện tử, kèm theo đó là 300 nghìn tiền lì xì; đồng thời xin số điện thoại, địa chỉ của chị B để công ty gửi quà.

Lúc này, chị B chọn tivi thì được CEO Xuân Thành yêu cầu làm nhiệm vụ đăng ký đơn hàng trị giá gần 50 triệu đồng. Do số tiền quá cao, chị B nói không có khả năng và xin rút lại tiền thì người này nói không hoàn tiền nếu bỏ ngang.

Chị B kể sự việc với người thân thì mới biết bị lừa đảo nên nhắn tin lên nhóm chung chữ “lừa đảo” để cảnh báo những người khác. Ngay lập tức, chị B bị cho ra khỏi nhóm. Theo chị B, chị bị các đối tượng lừa gần 10 triệu đồng.

Điều đáng nói, chị B còn bị C.E.O Xuân Thành ghép hình ảnh cá nhân, số điện thoại với thông tin bôi nhọ danh dự lên mạng. Biết không thể lấy lại số tiền đã mất nên chị B đã không trình báo cơ quan công an.

Có đòi được tiền khi đã chuyển khoản?

Luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, các hành vi dùng thủ đoạn gian dối để tạo sự tin tưởng khiến nạn nhân chuyển khoản và sau đó chiếm đoạt tiền là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, số tiền chiếm đoạt tài sản mà có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong sự việc bà N bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng, luật sư Thủy cho rằng, cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ vai trò chủ nhân của 6 tài khoản ngân hàng mà bà N đã chuyển khoản để xem có sự phối hợp, hỗ trợ đồng phạm của các chủ tài khoản này hay không.

Các đối tượng dẫn dụ nạn nhân từ việc xem video kiếm tiền đến chuyển khoản số tiền lớn. Ảnh: Hoàng Thuận.

Các đối tượng dẫn dụ nạn nhân từ việc xem video kiếm tiền đến chuyển khoản số tiền lớn. Ảnh: Hoàng Thuận.

“Nếu bị đánh cắp thông tin ngân hàng hoặc các đối tượng lừa đảo giả mạo thông tin cá nhân lập tài khoản nhằm phục vụ cho hành vi lừa đảo thì chủ các tài khoản này không bị liên đới trách nhiệm”, bà Thủy cho hay.

Theo luật sư Thủy, cơ quan công an có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để lần ra người phạm tội từ thông tin tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, có không ít vụ lừa đảo, đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng mạo danh, đi thuê mở tài khoản hoặc mua bán tài khoản nên khó khăn trong việc xác minh, điều tra.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn luật sư TPHCM), thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng rất tinh vi, tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng đều là thuê của người khác mở hoặc mua lại từ người khác nên việc truy tìm, xác minh người phạm tội cũng ít nhiều gặp khó khăn.

Trường hợp xác định được các chủ 6 tài khoản ngân hàng này là trong đường dây của nhóm lừa đảo thì các đối tượng thực hiện hành vi phạm pháp sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm.

Nếu chủ các tài khoản này bán cho các đối tượng lừa đảo thì tùy theo tính chất, mức độ cũng có thể xem xét là gián tiếp, tiếp tay cho hoạt động phạm tội và có thể phải đối mặt với việc bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Dù tài khoản ngân hàng của chính các đối tượng lừa đảo hay tài khoản không chính chủ, được mua, thuê của các cá nhân/tổ chức khác thì đây là một trong những căn cứ, đầu mối để cơ quan chức năng điều tra, truy tìm, xác minh tội phạm, sớm xác định được thủ phạm”, luật sư Tín cho hay.

Chị B nói không có khả năng tham gia thì được thông báo sẽ không hoàn trả tiền gốc. Ảnh: Hoàng Thuận.

Chị B nói không có khả năng tham gia thì được thông báo sẽ không hoàn trả tiền gốc. Ảnh: Hoàng Thuận.

Ông Tín cho rằng, người dân không thể tự lấy lại số tiền đã chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo nên cần thu thập số điện thoại, nội dung tin nhắn, thông tin tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp, đồng thời trình báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để vào cuộc điều tra, xác minh, giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bà Thủy cũng cho biết, bà thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời chào các hình thức nhận quà, hoặc đầu tư tài chính quốc tế, làm thêm online thu nhập cao, đây cũng là các hình thức lừa đảo rất phổ biến.

“Kẻ xấu nhắm vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để thực hiện hành vi dụ dỗ, lừa đảo. Người dân cần cập nhật các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... để không bị mất tiền”, bà Thủy khuyến cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

“Chuyên gia tăng like“ lừa khách hàng chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng

Chiều 4/11, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Công an thị xã Hoà Thành bắt giữ Hà Nguyên Khang (SN 2001, ngụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thuận ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN