Xác người bên bờ suối và cuộc "giải mã" ly kỳ
Sáng 10-7-2020, người dân thôn Bản Làng, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh phát hiện anh Lý Văn Trung nằm chết bên bờ suối cạn. Khi tội ác được phanh phui, một bí mật động trời khác đã khiến dư luận không khỏi sửng sốt, rùng mình.
Gần 1 năm qua đi, những câu chuyện bên lề về quá trình điều tra ấy mới được những người lính Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với PV ANTG…
Cái chết bất thường bên bờ suối
Hiện trường vụ án ở bên khe suối Pát Nát, trên đường lên rẫy của gia đình anh Lý Văn Trung, thời điểm xảy ra án mạng vào sáng sớm nên không có bất kỳ nhân chứng nào. Nạn nhân bị đánh bằng 2 loại hung khí, gồm vật tày và sắc nhọn, với những vết đập, chém chí mạng vào nhiều bộ phận trên cơ thể, cho thấy thủ phạm đã gây án với ác tính rất cao. Một điều nữa khiến chúng tôi chú ý, đó là chiếc xe máy chở bao mạ cùng số tiền hơn 40 triệu đồng nạn nhân mang theo không bị mất.
Đối tượng Tô Thị Xin, kẻ chủ mưu cùng người tình giết chồng
Mở rộng khám nghiệm hiện trường, phát hiện ở sau một bụi cây gần đó có vòng hương chống muỗi cháy gần hết. Chi tiết này hết sức quan trọng, cho phép nhận định có khả năng hung thủ đã mai phục tại địa điểm này nhiều giờ trước khi nạn nhân xuất hiện. Kẻ nào cất công rình rập, rồi ra đòn quyết liệt như vậy, trong khi động cơ cướp tài sản đã bị loại trừ? Giả thuyết về tính chất vụ án là giết người do mâu thuẫn, thù tức là có tính thuyết phục hơn cả. Với nhận định này, Ban chuyên án đặt ra nhiều phán đoán về diện hung thủ để tổ chức kiểm tra.
Hành trình lần theo dấu vết
Nạn nhân trong vụ án này là người hiền lành, chịu khó, suốt ngày cặm cụi với đàn dê hay nương rẫy, sống khép kín, ít khi giao lưu, quan hệ với người trong làng bản. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, có một mâu thuẫn "nổi" được lực lượng phá án quan tâm, đó là trước đây đã xảy ra một vụ tranh chấp đồi rừng giữa anh Trung và một người cùng bản.
Kẻ thủ ác Đặng Văn Thủ thực nghiệm điều tra
Mặc dù sự việc đã được giải quyết, nhưng cũng không thể loại trừ hệ luỵ của nó, đó là những tức tối, thù hận vẫn âm ỉ trong lòng người. Vì thế anh này được đưa vào diện "nghiên cứu" để kiểm tra việc sử dụng thời gian, nhưng cũng không thấy có gì khả nghi. Bên cạnh đó, việc rà soát theo "diện" được triển khai song song. Tất cả những người vắng mặt đột suất, hay có biểu hiện bất thường trong hơn 40 nóc nhà của thôn Bản Làng đều được soát xét thận trọng...
Trong lúc hướng truy theo mâu thuẫn bên ngoài dần "cạn tin", thì xuất hiện những nghi vấn về chính người vợ của nạn nhân là Tô Thị Xin (SN 1984). Trong đám tang anh Trung, chị ta có những biểu hiện hờ hững rất đáng ngờ. Được biết anh Trung bệnh tật đau yếu nên không có con, vợ chồng họ phải xin 2 cháu nhỏ về nuôi. Trước thời điểm vụ án xảy ra khoảng 1 tháng, có một hôm gia đình Xin xảy ra cãi vã căng thẳng, anh Trung trong lúc tức giận đã đập vỡ điện thoại của vợ.
Chi tiết này khiến lực lượng phá án đặc biệt quan tâm, vì cho thấy khả năng Xin có quan hệ "ngoài luồng". Rất có thể anh Trung phát hiện ra tin nhắn tình tứ nào đó gửi đến điện thoại của vợ nên mới dẫn tới cuộc xô xát ấy. Nếu như vậy, rất có thể kẻ thủ ác là "người thứ ba" trong quan hệ vợ chồng họ. Khi xác minh các mối quan hệ của Xin, trinh sát phát hiện ra người đàn bà này đã từng "cặp bồ" với 3 người đàn ông khác, có lúc đồng thời "yêu" cả 2 anh. Lúc này có hai câu hỏi được đặt ra với các điều tra viên. Thứ nhất, ai có thể biết hôm đó nạn nhân sẽ vào rẫy gieo mạ và đi qua đoạn suối Pát Nát vào khung giờ đó để mai phục, chặn đánh? Thứ hai, theo quy luật Xin luôn đi cùng chồng mỗi khi vào nương rẫy làm việc, nhưng tại sao hôm đó lại không đi cùng? Nếu đúng là Xin có liên quan trực tiếp đến vụ án, sẽ giải đáp được tất cả các câu hỏi này.
Trinh sát khéo léo tiếp cận, kiểm tra máy điện thoại của cháu LNQ, con nuôi của Xin, thì thấy có 1 cuộc gọi đi vào 1 số máy lạ. Điều đáng ngờ là cuộc gọi này được thực hiện vài phút sau khi anh Trung đi ra khỏi nhà vào lúc 5h30 sáng hôm đó. Đây chính là "lãy chốt" mở toang cánh cửa bí mật của vụ án.
Trung tá Vũ Trường Thi - Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (bên phải).
Phải chăng Xin dùng máy của con nuôi để gọi báo tin cho thủ phạm biết nạn nhân đang trên đường vào rẫy? Các mũi trinh sát khẩn trương truy tìm người đứng tên thuê bao điện thoại nói trên, nhưng đó lại là một thầy giáo ở Bình Liêu. Khi Trung tá Vũ Trường Thi, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp cận người này, thì một cuộc gọi tới số máy bí hiểm kia được thực hiện. Kết quả xác định anh ta không sử dụng thuê bao đó, dù đăng ký mang tên mình.
Quá trình xác minh đã tìm ra người đang dùng số máy nghi vấn là Đặng Văn Thủ (SN 1991, trú tại thôn Nặm Tút, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), cách nhà Xin vài chục km.
Đại tá Nguyễn Đức Quý - Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Quảng Ninh
Xác minh về Thủ, được biết người này có quen biết Xin trong những lần chị ta đi chợ huyện, có thời điểm Thủ về xã Vô Ngại làm nghề đốt than, có qua lại nhà Xin khiến dư luận "xì xầm". Sau khi vụ án xảy ra, Thủ đột nhiên vắng mặt tại nơi cư trú. Ban chuyên án quyết định mời toàn bộ gia đình Thủ và thị Xin lên đấu tranh.
Trước những chứng cứ và lập luận của điều tra viên, Xin đã khai sau khi "yêu" Thủ, chị ta đã bỏ các người tình trước đây để lao vào vòng tay gã trai kém mình 7 tuổi. Say đắm trong mối tình vụng trộm, hai kẻ gian phu dâm phụ đã nhiều lần bàn tính việc giết hại anh Trung bằng nhiều cách như đầu độc, gây tai nạn… để được tự do về ở với nhau, nhưng tất cả đều không thành. Sau khi được Xin cho biết về lịch làm việc trong rẫy của chồng, đêm mùng 9-7, Thủ cắt rừng đi bộ khoảng 20 km đến phục kích tại suối Pát Nát, chờ anh Trung đi làm rẫy qua đó để tấn công, giết hại.
Cùng với lời khai của Xin, chị gái tên này cũng thừa nhận được Thủ nhắn tin nói đã đánh chết người và đang trốn về Đông Triều. Căn cứ bắt Thủ đã có, lực lượng phá án đã huy động hàng trăm cảnh sát tổ chức chốt chặn trên các tuyến giao thông ra vào huyện Đông Triều, tiến hành lùng sục trên vùng rừng núi rộng lớn vì dân báo tin có kẻ khả nghi từ rừng xuống xin nước.
Để loại trừ khả năng Thủ trốn sang Trung Quốc, bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cũng được huy động phối hợp kiểm soát, chốt chặn đường biên giới. Cùng lúc đó, khu vực nhà Xin được giám sát chặt chẽ để đón lõng nếu Thủ bất ngờ quay trở lại. Đúng dự đoán, sau 2 ngày lẩn trốn ở Đông Triều, Thủ luồn rừng trở về nhà người tình thì bị bắt.
Chia sẻ của những người đánh án
Trung tá Vũ Trường Thi cho biết, nếu như hoạt động truy xét hung thủ gây trọng án ở đô thị có phần thuận lợi trong việc thu thập thông tin tội phạm, vì thường có lời khai nhân chứng, dữ liệu camera ghi hình của nhà dân và tại nơi công cộng…, thì "tác nghiệp" trên rẻo cao không có những thứ đó. Chưa kể rất "vướng" ở rào cản ngôn ngữ, sự hiểu biết của người miền xuôi về phong tục tập quán của đồng bào, cùng những mối quan hệ âm u, chằng chịt về dòng tộc, tín ngưỡng.
Hiện trường các vụ án mạng chưa rõ thủ phạm lại thường ở trong rừng, trên núi, nên hầu như không có nhân chứng. Địa hình rộng lớn, phức tạp khiến việc tìm kiếm, thu giữ dấu vết, vật chứng càng thêm khó khăn. Đó là những trở ngại khách quan mà anh cùng đồng đội đã gặp phải trong quá trình truy xét vụ án này. Tuy nhiên, từ những dấu vết khá ít ỏi còn lại ở hiện trường, với óc xét đoán nhạy bén, họ đã có một giả thuyết điều tra đúng đắn và điều này đã dẫn các anh tìm đến đúng thủ phạm chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Còn Đại tá Nguyễn Đức Quý, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh, kể rằng cuộc điều tra vụ án này đã để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc về phương pháp và chiến thuật điều tra trọng án xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong hoạt động điều tra trọng án, mỗi cái chết là một bài toán. Đó là một sự kiện pháp lý hình sự đã xảy ra trong quá khứ. Và để làm rõ tội ác cùng kẻ gây ra nó, chỉ có thể dùng phương pháp chứng minh, thông qua hệ thống chứng cứ thu được trong quá trình điều tra.
Chính vì vậy, việc xây dựng giả thuyết điều tra về tính chất vụ án, diện hung thủ… có vai trò đặc biệt quan trọng để định hướng cho toàn bộ hoạt động điều tra. Nhận định đúng thì cuộc truy xét có kết quả, tìm được thủ phạm và làm rõ tội phạm. Còn phán đoán sai, hoạt động điều tra sẽ đi vào ngõ cụt hay câu dầm bế tắc. Mà khâu xây dựng giả thuyết lại phải dựa trên những dữ kiện của "đầu bài" - tức các dấu vết, vật chứng tồn tại ở hiện trường vụ án.
"Người giỏi điều tra phải biết phân tích một cách lôgic giá trị chứng minh của từng dấu vết, đồng thời giỏi quy nạp những "thứ" rời rạc vào một chỉnh thể thống nhất để đánh giá, nhận định. Trong cuộc điều tra này, chúng tôi đã đúng ngay từ đầu, khi nhận định chính xác về tính chất vụ án để có hướng điều tra sát hợp", Đại tá Quý cho biết.
Đọc những dòng nhật ký của cô bé lớp 3, con của bị cáo Dũng chúng tôi đã rơi nước mắt. Mẹ bỏ đi, bố vào tù, tương...
Nguồn: [Link nguồn]