Vụ xiết nợ ở Sóc Trăng: Bà chủ vũ trường kháng cáo
Cho rằng không có vật chứng, chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại với các bị cáo khác mà cấp sơ thẩm đã buộc tội mình, bà chủ vũ trường đã kháng cáo kêu oan.
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho biết đã thụ lý kháng cáo của Mã Hóa Kim (40 tuổi) với các đồng phạm cùng ở tỉnh Sóc Trăng trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Cho vay lãi nặng. Nội dung kháng cáo Kim kêu oan, không thừa nhận cho vay nặng lãi và đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2010 đến tháng 5/2013, Kim cùng chồng là Lê Trung Hiếu (30 tuổi) cho 92 người vay tiền với lãi suất 30% mỗi tháng. Khi người vay không có tiền nộp lãi thì được nhập vào vốn rồi tính tiếp.
Với người vay nợ nhiều như bà Hứa Ngọc Mai ở TP Sóc Trăng thì vợ chồng Kim cùng nhân viên đến nhà liệt kê toàn bộ tài sản. Kim kêu người làm công lấy xe máy của bà Mai, yêu cầu bị hại sang tên căn nhà trên quốc lộ 1A cho Lê Hoàng Sĩ Đan (cháu chồng Kim) để lấy giấy tờ thế chấp ngân hàng vay 300 triệu đồng.
Còn Trầm Thị Ái Phương, khi không có khả năng trả đã bị Kim yêu cầu sang tên căn nhà ở TP Sóc Trăng cho Đan để thế chấp vay ngân hàng lấy tiền trả nợ. Từ đó, cấp phúc thẩm phạt Kim 17 năm tù về tội Cho vay nặng lãi và Chiếm đoạt tài sản.
10 bị cáo còn lại bị phạt từ 6 tháng đến 15 năm tù. Đối với chồng Kim là Lê Trung Hiếu và 2 đồng phạm Nguyễn Văn Sóc, Ngô Thị Kiều Oanh đã bỏ trốn, đang bị truy nã.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn buộc Kim nộp sung công quỹ Nhà nước hơn 4 tỷ đồng được cho là thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng.
Vũ trường 168 ở ngã ba Trà Men, TP.Sóc Trăng đóng cửa hơn một năm trước sau khi Kim cùng các đồng phạm bị bắt.
Ngoài kháng cáo kêu oan của Kim và các đồng phạm, ngày 28/8, luật sư Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Hưng Thịnh Phát tại TP.HCM (bào chữa cho Kim và Đan) gửi đến Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bản kiến nghị liên quan đến vụ án. Theo ông Hưng cấp sơ thẩm ở Sóc Trăng đã vi phạm tố tụng khi cho kiểm sát viên Phan Thanh Tùng tham gia phiên tòa.
Luật sư cho rằng trong vụ án này ông Tùng tham gia với tư cách kiểm sát viên là không vô tư vì gia đình ông này có quan hệ làm ăn với bị cáo Kim. Tại phiên xử sơ thẩm, Kim đã yêu cầu thay đổi ông Tùng nhưng không được HĐXX chấp nhận.
Về tội cho vay nặng lãi, luật sư Hưng nêu chưa đủ chứng cứ kết tội bị cáo Kim vì trong phần nhận xét của bản án sơ thẩm có ghi: "Xét thấy, mặc dù việc cho vay không có biên nhận, không thể hiện vốn vay, lãi suất bao nhiêu nhưng theo lời khai của các bị cáo khác trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của các bị hại…" Như vậy, trong vụ án này HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác và của bị hại, còn chứng cứ là vật chứng thì không có.
Khách sạn Vinh Phong cạnh vũ trường 168 của gia đình Kim đã đóng cửa.
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, các bị hại khai để vay được tiền đã cầm cố chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu nên yêu cầu được nhận lại giấy tờ này. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không thể hiện thu giữ bất kỳ chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu nào như bị hại trình bày.
Bị hại còn khai khi nhận tiền vay thì không phải nhận từ bị cáo Kim mà nhận từ các bị cáo khác. Các bị cáo khác khai chỉ biết đi thu tiền và có khi tự mình cho vay. Như vậy, cần phải làm rõ tiền gốc cho vay là của ai và không có chứng cứ là vật chứng để chứng minh tiền gốc là của người nào.
Đối với tội Cưỡng đoạt tài sản, Sĩ Đan kháng cáo kêu oan. Theo thanh niên này, hợp đồng chuyển nhượng tài sản là căn nhà gắn liền với đất của bà Mai được hai bên giao dịch tại Phòng công chứng Ba Xuyên. Đan đưa Mai 420 triệu đồng trước mặt công chứng viên thì không thể nói bà Mai bị ép buộc và hoàn toàn không trái với đạo đức. Với bà Ái Phương, khi chuyển nhượng có yêu cầu Sĩ Đan viết cam kết với nội dung việc chuyển nhượng này chỉ nhằm đứng tên hộ để vay vốn ngân hàng, khi nào xong thì sang tên trở lại.