Vụ VN Pharma: Tôi tin tưởng Cục quản lý Dược cấp phép
Hôm nay (19-10) TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ án buôn lậu, làm giả giấy tờ, con dấu tài liệu tại công ty Cổ phần VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng - tổng giám đốc công ty cùng đồng phạm. Dự kiến phiên xử diễn ra trong hai ngày.
Chủ tọa phiên toà là thẩm phán Phạm Công Mười, hai thẩm phán hợp thành HĐXX phúc thẩm là ông Tô Chánh Trung và bà Phạm Thị Duyên.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM là hai KSV cao cấp Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Gia Viễn. Về phía luật sư có 9 người tham gia vào chữa bào chữa.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP VN Pharma tại phiên phúc thẩm sáng nay (19/10)
Hai vấn đề quan trọng trong vụ án dư luận quan tâm suốt thời gian qua là: kết quả giám định thuốc xác định "không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người", thuốc kém chất lượng nhưng không rõ có là thuốc giả hay không. Trong khi đây là một trong những căn cứ quan trọng xác định tội danh đối với các bị cáo. Và trách nhiệm của các cá nhân trong Cục Quản lý dược Bộ Y tế có liên quan trong việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc.
Ngày 25-8, TAND TP.HCM tuyên án bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù (bằng đề nghị của VKS) về tội buôn lậu.
Bản án sơ thẩm còn kiến nghị xem xét trách nhiệm của những người liên quan đến vụ này.
Theo đó bị cáo Cường kháng cáo kêu oan đầu tiên và nộp thêm tiền thu lợi bất chính đã hưởng. Còn bị cáo Hùng kháng cáo trong đơn nêu đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản chất vụ án nhưng cuối Hùng xin giảm án.
Cùng tội buôn lậu, Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bị cấp sơ thẩm phạt năm năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bốn năm tù, Phan Cẩm Loan (cán bộ VN Pharma) ba năm sáu tháng tù, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) ba năm tù cũng có kháng cáo xin giảm án hoặc cho hưởng án treo.
Ba bị cáo bị phạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chỉ có 1 bị cáo kháng cáo kêu oan.
VKS Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Quyết định trên phân tích nhiều nội dung mà bản án sơ thẩm đã không làm rõ được về vấn đề tội danh, về kết luận giám định của Bộ Y tế về thuốc chữa ung thư, về việc bản án có dấu hiệu bỏ lọt người lọt tội, về trách nhiệm của Cục Quản lý Dược....
Các bị cáo tại tòa
8h15: HĐXX bắt đầu vào phòng xử án. Chủ tọa thông báo: Theo kế hoạch phiên xử kéo dài hai ngày tuy nhiên có thể kéo dài nhiều ngày hơn tuỳ theo tình hình
Một số người liên quan được triệu tập hiện vắng mặt chưa rõ lý do.
Đại diện VKS đề nghị: theo quy định, vắng mặt luật sư không có lý do chính đáng thì vẫn xét xử. Đối với những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vắng mặt không lý do thì toà vẫn tiến hành xét xử và vụ án diễn ra dài ngày nên đề nghị tiếp tục triệu tập.
HĐXX đồng tình với ý kiến trên và hiện đã chuyển sang phần thẩm vấn lý lịch của các bị cáo.
Ông Phạm Văn Thông-là người phụ trách mảng Quản lý chất lượng thuốc và biên soạn hồ sơ đăng ký thuốc của nhiều công ty dược, trong đó có phần việc soạn hồ sơ thuốc nhập khẩu.
Ông Phạm Văn Thông (1954 tại Hải Dương) là người phụ trách mảng Quản lý chất lượng thuốc và biên soạn hồ sơ đăng ký thuốc của nhiều công ty dược, trong đó có phần việc soạn hồ sơ thuốc nhập khẩu. Trước đó ông Thông có đơn cứu xét gửi TAND cấp cao tại TP.HCM và viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xem xét một số nội dung vụ án. Ông Thông cho rằng mình bị oan. Nếu các cơ quan tố tụng vẫn cho rằng ông có tội thì ông xin được thi hành án sớm vì vụ án kéo dài khiến ông quá mệt mỏi.
Quang cảnh phiên tòa
8h40: Toà chuyển sang làm thủ tục với các luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Luật sư của bị cáo Hùng không có ý kiến gì với phần thủ tục toà tiến hành với thân chủ mình. Nhưng luật sư này đề nghị HĐXX giải thích thêm phần thủ tục đối với bị cáo Thông & Duy (không mời luật sư) nhưng bị kháng nghị nặng tội hơn.
Luật sư của bị cáo Cường đề nghị HĐXX hỏi rõ bị cáo về việc có hai LS một là do toà chỉ định và 1 là được mời. Bị cáo Cường xác định chỉ cần LS bản thân mời
Một luật sư đề nghị được cung cấp chứng cứ mới, tuy nhiên toà cho rằng đây đang là phần thủ tục lát nữa đến phần xét xử LS sẽ trình bày.
Kết thúc phần thủ tục, HĐXX phúc thẩm đang tóm tắt lại nội dung bản án sơ thẩm...
9h40: HĐXX công bố xong bản án sơ thẩm bắt đầu phần thẩm vấn.
Bị cáo Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) xác nhận kháng cáo kêu oan, cho rằng hành vi của bị cáo là không phạm tội. Bị cáo là tin tưởng vào đối tác bán thuốc, đối tác đã sang VN làm việc hết sức chuyên nghiệp
Bị cáo không chuyên môn về thuốc mà chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu
Toà đang hỏi bị cáo về việc LS đề nghị cung cấp chứng cứ mới
Theo bị cáo, chứng cứ mới liên quan đến đối tác là làm việc hết sức khách quan, bị cáo chỉ là người môi giới
Các chứng từ thuốc và giấy tờ đều do bên đối tác bán thuốc chuyển cho bị cáo
HĐXX: Trong quá trình thương thảo thuốc giữa hai bị cáo Hùng - Cường có biết thuốc thế nào không?
Cường trả lời thuốc của Canada do đối tác cung cấp. Cường khẳng định không gian dối trong mua bán. Bị cáo không nghĩ con dấu đối tác đưa là con dấu giả.
Chủ tọa đề nghị VKS lưu ý các vấn đề bị cáo Cường khai về các giấy tờ, con dấu đối tác cung cấp.
Tới lượt bị cáo Hùng xác định kháng cáo giảm án vì ăn năn hối cải. Mức án sơ thẩm tuyên là cao với bản thân mình.
Chủ tọa: Thỏa thuận mua bán thuốc giữa bị cáo và Cường thế nào?
Bị cáo Hùng: Trong ý thức là mua thuốc tốt Canada và mua bán ngay thẳng.
Chủ tọa: Vậy tại sao lại chỉ đạo cấp dưới làm giả hợp đồng mua bán thuốc với đối tác Hong Kong? Mua bán ngay thẳng sao phải làm việc này? Tại sao chính ngạch như thế lại nâng khống giá trị hợp đồng?
Đáp lại Hùng khai những việc làm trên nhằm tăng lợi nhuận công ty và linh hoạt cho quá trình mua bán hàng.
Chủ tọa: Việc chỉ đạo thuê dược sĩ viết hồ sơ thuốc thế nào? Và tại sao lại phải làm giả hợp đồng mua bán với đối tác Hong Kong? Số tiền nâng khống giá trị thuốc chi thế nào?
Bị cáo Hùng: 75 tỉ đồng. Mục đích chi cho công tác bán hàng, tiếp thị Hùng cho rằng không có khoản chi hoa hồng cho bác sĩ.
Bị cáo Hùng đang trả lời thẩm vấn của HĐXX
Bị cáo có quan hệ thế nào với Nguyễn Quang Huy thế nào? (Theo cơ quan điều tra, Hùng đưa 10.000 USD để thông quan).
Hùng cho rằng không phải, số tiền trên là chuyển cho Huy nhờ mua quà tặng cho đối tác nước ngoài khi 2 người này qua Việt Nam.
10h30: Tòa hỏi bị cáo Lê Thị Thu Phương, kế toán công ty VN Pharma (tòa sơ thẩm phạt 3 năm tù về tội buôn lậu).
Bị cáo này cho rằng mình bị oan, chỉ làm công ăn lương và không hề biết về nghiệp vụ dược. Bị cáo xác nhận có sai trong nghiệp vụ kế toán, nhưng không đồng phạm trong việc buôn lậu. Đến lúc điều tra mới biết hàng hoá thế nào. Bị cáo Phương xác định không hề tham gia việc mua bán thuốc này
Trả lời về việc ai là người chỉ đạo bị cáo hợp thức hoá giấy tờ chứng từ và việc được cung cấp hai tài khoản nước ngoài nhằm mục đích gì, bị cáo Phương khai việc đó là nhằm nâng giá và chuyển tiền
Bị cáo Phan Thị Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma, bị tòa sơ thẩm phạt 3 năm 6 tháng tù về tội buôn lậu), kháng cáo xin giảm hình phạt cho hưởng án treo, nay đổi sang kêu oan. Tương tự như bị cáo Phương, bị cáo Loan cũng cho rằng mình là người làm công ăn lương, chỉ thực hiện nghiệp vụ chứ không có quyết định gì, chỉ làm theo chỉ đạo. Chỉ biết thuốc mua của Canada giấy phép do Cục Dược BYT cấp đàng hoàng.
"Bị cáo không biết thứ gì, không tham gia việc gì và tin chắc hợp đồng là mua bán thật", bị cáo Loan khai.
Tòa xét hỏi bị cáo Bùi Ngọc Duy. Bị cáo này khẳng định mình không tham gia làm hồ sơ giả cho H-Capita. Duy cũng phủ nhận việc thuê dược sĩ Thông. Theo Duy dược sĩ Phan Trung Thiện mới là người đứng ra thuê.
Bùi Ngọc Duy khẳng định bản án sơ thẩm xác định Duy là người thuê Thông làm hồ sơ là không đúng. Theo Duy, từ tháng 6-7/2014, bị cáo không làm hồ sơ về thuốc nữa. Trước đó khá lâu, khi làm nhân viên phòng quản lý phát triển, bị cáo được Nguyễn Minh Hùng thuê viết hồ sơ thuốc của Helix với mục đích của việc này là xây dựng hồ sơ thuốc theo tiêu chuẩn để phù hợp với quy định nhập khẩu thuốc của Việt Nam.
10h50: HĐXX mời VKS tham gia xét hỏi.
Bị cáo đầu tiên VKS thẩm vấn là Phạm Văn Thông (dược sĩ). Tháng 11-2013 bị cáo về công ty VN Pharma làm việc.
Bị cáo Thông cho biết dược sĩ Thiện là người thuê rồi giới thiệu Thông với Nguyễn Minh Hùng.
Bị cáo Thông cho rằng công thức H-Capita từ nước ngoài đưa về đã có sẵn. Trước đó, bị cáo đã nghiên cứu về loại thuốc này 1 năm do đó khi viết hồ sơ kỹ thuật cho H-Capita, bị cáo thấy có nhiều điểm không đúng.
“Tôi có yêu cầu xem lại chứ không yêu cầu sửa”, bị cáo Thông nói. Bị cáo Thông khai thường xuyên làm việc này, không chỉ cho thuốc H-Capita mà còn nhiều loại thuốc khác. Với H-Capita, Thông thoả thuận giá cả trước, sau đó, Nguyễn Minh Hùng gọi điện đồng ý thì Thông mới viết. Phạm Văn Thông phủ nhận việc gợi ý cho bị cáo Hùng để viết hồ sơ thuốc.
Đáng chú ý, phần xét hỏi giữa đại diện VKSND cấp cao với bị cáo Phạm Văn Thông diễn ra khá căng thẳng. HĐXX liên tục nhắc nhở bị cáo trả lời thẳng vào vấn đề...
11h15: Mặc dù tòa có thư triệu tập nhưng đại diện Bộ Công Thương và Bộ Y tế hiện vẫn chưa có mặt.
Bị cáo Bùi Ngọc Duy trả lời thẩm vấn VKS.
Theo VKS, bị cáo là 1 trong 3 người ký biên bản bàn giao 12 con dấu trong đó có con dấu của đối tác nước ngoài.
-Ai là người chỉ đạo bị cáo mang con dấu rời khỏi công ty VN Pharma?
Bị cáo Duy nói không ai chỉ đạo
-Con dấu hiện đang ở đâu? Duy cho rằng đã mất
VKS nhấn mạnh "mất hay bỏ?"
Theo VKS, có tài liệu chứng minh khác và VKS chắc rằng bị cáo này có ký giả hồ sơ trong khi bị cáophủ nhận việc này.
11h30: HĐXX nghỉ, tiếp tục làm việc lúc 14h chiều.
Ngày 25-8, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyênphạt: Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng 12 năm tù về tội Buôn lậu. Bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) 4 năm tù; Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng Công ty Cổ phần VN Pharma) 3 năm tù cùng tội danh trên. Với tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) 2 năm tù treo, Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù, Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) 1 năm 6 tháng tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) 2 năm tù treo. |
Liên tục cập nhật.
Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật...