Vụ Trịnh Sướng: VKS nói về dung môi chưa pha nhưng vẫn tính là xăng giả
Theo đại diện VKS, đó là quá trình thực hiện, đang thực hiện và tiếp tục thực hiện, chứ đó không phải chuẩn bị phạm tội.
Chiều 22-12, HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phiên xét xử Trịnh Sướng và 38 bị cáo khác trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả).
Sau khi người bào chữa cho bị cáo Sướng nói rằng việc cáo buộc bị cáo Trịnh Sướng đã sản xuất, bán ra thị trường số lượng hơn 188 triệu lít xăng giả là không có căn cứ, đồng thời cho rằng số lượng dung môi chưa pha xăng không nên tính vào số lượng xăng giả để quy buộc đối với bị cáo, đại diện VKS đã có tranh luận lại nội dung này.
Theo đại diện VKS, đó là một quá trình thực hiện, đang thực hiện và tiếp tục thực hiện, chứ đó không phải là đang chuẩn bị phạm tội. Quá trình phạm tội của Trịnh Sướng đã bắt đầu từ năm 2017, ngoài ra bị cáo Quan, Dũng cũng bắt đầu từ năm 2017 đã thực hiện hành vi tội phạm. Đối với bị cáo Loan, Hùng, Việt cũng bắt đầu thực hiện từ năm 2018, 2019.
Như vậy, đây là cả một quá trình thực hiện tội phạm xuyên suốt và lâu dài, chứ không phải mới bắt đầu thực hiện, chuẩn bị thực hiện.
Đại diện VKS phát biểu tranh luận.
Đối với nội dung nhiều luật sư cho rằng chỉ căn cứ vào lời khai duy nhất để buộc tội bị cáo, VKS nói rằng phải chỉ căn cứ vào lời khai của một bị cáo mà xem xét tổng thể vụ án, xem xét đánh giá toàn bộ chứng cứ một cách toàn diện... Cho nên, số liệu dùng để cáo buộc bị cáo không phải là suy đoán, mà dựa trên tài liệu cụ thể được ghi nhận trong quá trình điều tra…
Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng nói rằng, mức án mà VKS đã đề nghị đã thể hiện tính nhân văn, sự khoan hồng của pháp luật.
Trịnh Sướng tại toà.
Đối với vấn đề xăng giả, VKS nói rằng, các thương nhân đầu mối mới được sản xuất xăng, xăng A95 mà các đầu mối sản xuất bán ra thị trường thì đã được đăng ký các tiêu chuẩn về chất lượng theo quy định. Các bị cáo trong vụ án này mua xăng đó về pha trộn dung môi, hoá chất và thêm chất tạo màu để tạo thành hỗn hợp xăng giả bán ra thị trường…
Các bị cáo chỉ quan tâm đến chỉ số ron, octane, tuy nhiên theo quy chuẩn về xăng ở Việt Nam thì còn rất nhiều chỉ số khác… Hơn nữa, theo quy định về chất phụ gia để pha xăng phải được đăng ký theo quy định. Trong vụ án này, các bị cáo đem xăng từ thương nhân đầu mối về pha trộn với dung môi, chất phụ gia rất thủ công… thì đó là xăng giả.
Đối với quan điểm tranh luận của người bào chữa cho Trịnh Sướng cho rằng áp dụng tỉ lệ pha để tạo ra số lượng hàng giả là bất công với bị cáo, VKS cho rằng đối với các nhóm khác trong vụ án cũng pha trộn xăng theo tỉ lệ khác nhau, nhưng cơ quan chức năng đã thu giữ được hoá đơn đầu ra bao gồm dung môi và xăng nền, do đó không cần tính tỉ lệ nữa…
Luật sư đề nghị làm rõ số lượng xăng giả Trịnh Sướng đã sản xuất, bán ra thị trường.
”Đối với các công ty của Trịnh Sướng, chúng tôi không thể bóc tách được hoá đơn nào là bị cáo sử dụng để bán xăng chính hãng, hoá đơn nào là để bán xăng pha trộn. Do đó không thể căn cứ vào hoá đơn đầu ra. Hơn nữa việc tiêu thụ xăng giả pha trộn trong nhóm Trịnh Sướng, thì việc xuất bán chủ yếu là xuất bán qua hệ thống hơn 100 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống của công ty bị cáo. Do đó, việc tính như vậy là có công bằng, có phần có lợi cho bị cáo…” - đại diện VKS nói.
Phiên toà chiều 22-12 kết thúc muộn, sáng 23-12 sẽ tiếp tục phần tranh luận trong…
Nguồn: [Link nguồn]
Bị cáo Trịnh Sướng không đồng ý với cáo buộc của VKS về việc sản xuất, bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng...