Vụ shipper bị mất cả xe lẫn hàng, ai sẽ đền hàng bị mất?
Để đảm bảo kịp thời quyền lợi của khách hàng, trong trường hợp này, công ty mà nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với 80 đơn hàng bị mất.
Thông tin ban đầu, vào khoảng 11 giờ trưa ngày 21-4, anh Huỳnh Văn Sơn (34 tuổi, shipper) dừng xe máy trước một quán cơm ở đường Hàng Tre (Phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức). Trên xe có chở theo thùng hàng với khoảng hơn 80 đơn chuẩn bị giao cho khách.
Ngay sau đó, hai thanh niên đi xe máy tiếp cận và lấy đi xe máy cùng với thùng hàng của anh Sơn. Tổng số đơn hàng là hơn 11 triệu đồng.
Anh Sơn cùng người dân truy hô, đuổi theo nhưng không kịp. Sự việc sau đó đã được trình báo công an phường Long Thạnh Mỹ.
Sự việc không may xảy ra cho nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng khiến nhiều người thấy vừa thương và lo lắng. Cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng thắc mắc, với số hàng bị mất (hơn 80 đơn hàng chuẩn bị giao) thì ai sẽ có trách nhiệm bồi thường số hàng trên?
Shipper bị mất cả xe lẫn hàng trong 12 giây. Ảnh cắt từ clip
Trao đổi với PV, LS Đào Thu Huyền, Đoàn LS TP.HCM cho biết:
Về sự việc nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng như báo chí đã đưa tin, pháp luật có những quy định liên quan đến việc xác định trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp này như sau:
Theo quy định tại Điều 597 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra:
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại nêu trên thì việc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào nhiều yếu tố nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời theo quy định tại khoản 1 Điều 585 BLDS 2015 quy định về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường.
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do đó, khi người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì dù người đó có lỗi hay không có lỗi, pháp nhân vẫn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Bởi vì nếu buộc người của pháp nhân bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại sẽ không đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời ngay khi thiệt hại xảy ra.
Như vậy, để đảm bảo kịp thời quyền lợi của khách hàng, trong trường hợp này, công ty mà nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với 80 đơn hàng bị mất.
Cạnh đó, khi làm công việc shipper thì người này phải biết rằng trách nhiệm của mình là phải đảm bảo giữ gìn hàng hóa mà công ty đã giao và đảm bảo việc giao hàng hóa đến tay khách hàng.
Việc mất hàng hóa là 1 trong những rủi ro mà nam shipper này phải nhận biết được khi để xe máy cùng hàng hóa bên ngoài nên đây sẽ không được xem là sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được để loại trừ trách nhiệm.
Do đó, theo quy định tại Điều 597 BLDS 2015 và khoản 2 Điều 129 Bộ luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người lao động khi làm mất tài sản do người sử dụng lao động giao, nam shipper có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động của công ty; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 130 BLLĐ 2019 về xử lý bồi thường thiệt hại thì việc công ty xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động để đưa ra mức bồi thường hợp lý.
Nguồn: [Link nguồn]
2 thanh niên tiếp cận xe máy của shipper và lấy cả xe lẫn hàng trong 12 giây.