Vụ sát hại bé 6 tuổi: Nghi can có tiền sử tâm thần thì xử lý thế nào?
Nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu nghi can sát hại bé trai 6 tuổi bị tâm thần hoặc hạn chế năng lực, hành vi khi gây án thì sẽ xử lý thế nào?
Đối tượng Hoàng Nhất Giang (ảnh nhỏ) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu khi gây án chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Ngày 28.11, Công an quận Tân Phú, TP.HCM đang tạm giữ Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, bảo vệ tổ dân phố 2, phường 5, quận 11) để làm rõ hành vi giết bé Phong (6 tuổi, tên đã được thay đổi, trú quận Tân Phú).
Sau khi bị bắt giữ, Giang khai với cảnh sát, trước đây, đối tượng rất thích chơi với bé Phong. Nhưng khoảng 1 tuần trước đó, Giang thường xuyên bị hoang tưởng khi nghe cháu bé chửi mình là “Đồ ăn cắp, đồ độc ác….”. Ám ảnh vì “tiếng chửi”, Giang hậm hực và muốn sát hại bé Phong để bé không thể chửi được mình.
Chiều 26.11, Giang nằm ngủ tại chốt trực và tiếp tục nghe tiếng chửi. Lúc thức giấc, Giang thấy bé Phong đi đến tiệp tạp hóa nên lấy con dao chạy đến sát hại bé Phong.
Vụ án trên khiến dư luận bức xúc, đau lòng khi nạn nhân tử vong còn quá nhỏ tuổi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Giang có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu Giang mắc bệnh tâm thần hoặc hạn chế nhận thức, hành vi thì sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cho biết: Theo quy định, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định nghi phạm gây án có dấu hiệu bất ổn về tâm lý thì cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra cho bị can đi giám định tâm thần để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.
“Theo thông tin điều tra ban đầu được báo chí phản ánh, Giang có biểu hiện phạm tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em.
Tuy nhiên, trong trường hợp Giang có biểu hiện bất ổn về tâm lý, có tiền sử mắc bệnh tâm thần hoặc là đối tượng tâm thần đang được theo dõi, cấp thuốc thì cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra cho Giang đi giám định tâm thần và trưng cầu giám định theo Luật Tố tụng Hình sự để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.
Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của nghi phạm”, luật sư Hà Huy Phong cho biết.
Luật sư Phong cho biết, Bộ luật hình sự hiện hành quy định rõ về tình trạng “không có năng lực trách nhiệm hình sự”.
Cụ thể: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp, người phạm tội khi thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng bị tâm thần, hoặc mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Để giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng phải xác định được, thời điểm phạm tội, nghi phạm có mất năng lực trách nhiệm hình sự hay không?
Trường hợp sát hại cháu bé 6 tuổi, nếu thời điểm gây án Giang bị tâm thần, hoặc mất hoàn toàn khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi thì anh ta không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, nếu khi gây án, Giang vẫn còn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hoặc chỉ hạn chế các khả năng này thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây ra”, luật sư Phong cho biết.
Người thân của bé trai 6 tuổi nghi bị bảo vệ dân phố ở Sài Gòn sát hại đau đớn, bàng hoàng và không tin con, cháu mình...