Vụ nhảy lầu tử vong tại TAND tỉnh: Tòa tuyên y án sao bị cáo vẫn được tự do?
Bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) nhảy lầu tử vong ngay tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh sau khi tòa tuyên án vào chiều 29/5, đang làm dậy sóng xã hội. Không ít người băn khoăn vì sao tòa phúc thẩm đã tuyên y án nhưng ông Phước vẫn được tự do bên ngoài nên mới xảy ra sự việc đau lòng?
PV đã đặt những câu hỏi xoay quanh vấn đề này với luật sư Lê Bá Thường, Đoàn luật sư TP.HCM. Luật sư Thường chia sẻ: "Đây là một vụ án phức tạp, rất khó để xác định bị cáo có oan hay không, do cần phải xem xét rõ hồ sơ vụ án có phản ánh đúng sự thật khách quan hay không. Tuy nhiên, việc ông Phước nhảy lầu tử vong tại trụ sở tòa án tỉnh là một sự việc đau lòng. Chứng tỏ nó có gì đó oan khuất khiến bị cáo không cam tâm và dẫn đến hành động tự tử".
Tại sao ông Phước vẫn được tự do đi lại trong suốt quá trình khởi tố và xét xử vụ án?
- Ngày 9/5/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đồng Xoài đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Hữu Phước để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ngày 29/3/2018, tòa sơ thẩm TAND TP Đồng Xoài tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội danh trên. Ngày 29/05/2020 tại phiên phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt ông Phước y án sơ thẩm 3 năm tù giam.
Thông thường, khi cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố một người thì sẽ tạm giam, tạm giữ người đó để giúp quá trình điều tra, xét xử được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, ông Phước vẫn được tự do đi lại trong suốt quá trình khởi tố và xét xử vụ án là do cơ quan cảnh sát điều tra TP.Đồng Xoài đã cho ông Lương Hữu Phước tại ngoại.
Các điều kiện được tại ngoại:
Điều kiện cần: Khi mức độ của hành vi phạm tội chưa đến mức phải tạm giam như quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự 2015 (TTHS 2015). Vậy khi bị can có nơi cư trú rõ ràng, xác định được lý lịch, tội phạm ít nghiêm trọng và việc cho người này tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể xét cho họ được tại ngoại.
Điều kiện đủ: Đặt tiền bảo đảm và bảo lãnh là 2 biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Để bị can được bảo lãnh thì người đứng ra bảo lãnh có thể là người thân thích hoặc là tổ chức, cơ quan của bị can đang làm việc.
Theo đó, người thân phải có ít nhất 2 người và phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 121 Bộ luật TTHS 2015: Là người đủ 18 tuổi trở lên; Có nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Có thu nhập ổn định, đủ điều kiện quản lý người được bảo lãnh; Có giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập...
Đặt tiền để bảo đảm: Theo Điều 122 Bộ luật TTHS 2015 nêu rõ, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can mà người này hoặc người thân thích của họ có thể đặt tiền để bảo đảm.
Bị cáo Lương Hữu Phước - Ảnh: CTV
Khi bản án phúc thẩm đã được tuyên thì ông Phước là phạm nhân, mà là phạm nhân thì phải chịu sự quản giáo của công an. Nhưng tại sao ông Phước vẫn được tự do về nhà, lên Facebook nói ý định tự tử, vậy công tác quản lý phạm nhân trong vụ việc này có vấn đề gì không?
- Theo quy định của luật tố tụng hình sự thì bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tòa tuyên án (khoản 2 Điều 355 Bộ luật TTHS 2015). Và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền…(khoản 2 Điều 262 Bộ luật TTHS 2015). Đồng thời quy định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án trong trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo dõi vụ án sẽ thấy rằng ông Lương Hữu Phước nhiều lần kêu bị oan. Ông Phước cho rằng cái chết của ông Quý không phải do lỗi của mình và yêu cầu tòa tuyên mình vô tội. Nhưng qua hai vòng tố tụng, đến phiên tòa phúc thẩm tòa vẫn kết án ông 3 năm tù.
Có thể ông Phước quyết lấy cái chết để thể hiện tâm nguyện của mình mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ sự việc. Phản ứng tiêu cực của ông Phước nhảy lầu tự tử ở tòa án để phản đối về kết quả bản án làm cho dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều. Trong thực tế, có nhiều vụ án phải sau nhiều năm mới được minh oan như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn…
Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội (khoản 2 Điều 329 Bộ luật TTHS 2015). Nhưng do ông Phước đang được tại ngoại và hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không ra quyết định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án phúc thẩm để chấp hành hình phạt nên ông Phước vẫn được tự do đi về nhà và buổi chiều mới xảy ra sự việc đau lòng như thế.
Dòng tâm tư của ông Phước trên Facebook trước khi nhảy lầu tự tử vào ngày 29/5. Ảnh: CTV
Nếu Tòa án Tối cao xét xử giám đốc thẩm lại làm thay đổi kết quả vụ án thì các cơ quan điều tra và tố tụng sẽ như thế nào?
- Đây là một vụ án phức tạp, rất khó để xác định bị cáo có oan hay không, do cần phải xem xét rõ hồ sơ vụ án có phản ánh đúng sự thật khách quan hay không. Như chúng ta được biết là lời nhận tội của bị cáo sẽ không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội bị cáo mà nó còn phải phù hợp với các chứng cứ khác trong quá trình điều tra, xét xử. Nếu trong trường hợp tòa án tối cao xem xét xác định lại làm thay đổi kết quả của bản án là có sai phạm, bị hủy bỏ thì chúng ta tin rằng cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật, cũng như có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Ông Lương Hữu Phước đã nhảy lầu tử vong tại TAND tỉnh sau khi bị tuyên 3 năm tù. Ông Phước và nạn nhân Trần Hữu Quý...
Nguồn: [Link nguồn]