Vụ lùa chó qua cắn hàng xóm: Pitbull, Becgie có là... hung khí nguy hiểm?
Thực tế, chó được xem là công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp một người cố tình dùng những loại chó nguy hiểm như Pitbull, Becgie… để tấn công người khác gây thương tích hoặc tử vong.
Như PLO đã thông tin, ngày 12-7, công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đang điều tra vụ đánh nhau giữa những người hàng xóm tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Theo điều tra ban đầu, trưa 29-5, Đặng Văn Ngọc (36 tuổi, ngụ phường Thọ Quang) nhậu cùng Tâm (39 tuổi) tại nhà của Ngọc. Rượu vào lời ra, Tâm tình cờ biết trước đây giữa Ngọc và Trần Đình Thảo (46 tuổi, hàng xóm Ngọc) có xảy ra mâu thuẫn.
Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, ông Tâm gọi Thảo đến nhà Ngọc nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, lúc này, Ngọc, Tâm và Thảo tiếp tục xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Ngọc và Tâm xông vào dùng tay, chân đánh Thảo.
Thảo bỏ chạy về nhà mình, cầm cái xẻng qua quay lại nhà Ngọc để đánh trả thì bị Tâm giật được. Tâm dùng xẻng đánh vào đầu Thảo hai cái khiến Thảo ngã xuống đất, gây thương tích ở mắt trái. Tiếp đó, Tâm và Ngọc tiếp tục dùng xẻng đánh vào người Thảo gây thương tích vùng phía sau gáy.
Lúc này, Thảo quay về nhà, thả hai con chó (một Pitbull cao khoảng 70 cm, nặng khoảng 40 kg và một Becgie, cao khoảng 60 cm nặng khoảng 30 kg) ra ngoài. Thảo lùa hai con chó đều không được rọ mõm qua nhà Ngọc.
Con Pitbull xông vào cắn Ngọc gây thương tích. Tâm thấy vậy dùng cây đinh ba chĩa đâm vào người con chó. Sau đó, Thảo hô hoán cho con Pitbull không cắn Ngọc nữa. Nghe chủ la, con Pitbull nhả Ngọc ra. Thảo dẫn chó của mình về nhà. Ngọc bị thương tích ở mặt, tay và chân.
Trung tá Trần Văn Quang, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Sơn Trà cho biết, cơ quan này đang lấy lời khai, xác định thương tật các bên sau đó mới có bước xử lý tiếp theo về việc có hay không khởi tố vụ án.
“Việc hàng xóm xích mích sau đó đánh nhau gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa bàn nên chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật” - trung tá Quang cho hay.
Trao đổi với PV, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản có liên quan đều không định nghĩa chó là “hung khí” trong trường hợp một người sử dụng chó để kích động, tấn công người khác.
“Thực tế, chó được xem là công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp một người cố tình dùng những loại chó nguy hiểm như Pitbull, Becgie… để tấn công người khác gây thương tích hoặc tử vong. Hay như một người cố tình thả rắn độc… để tấn công người khác cũng tương tự.
Đối với vụ việc ở Đà Nẵng, cơ quan công an cần xác minh làm rõ động cơ, mục đích, lỗi của các bên cũng như giám định tỉ lệ thương tật, xác định hậu quả thực tế để xem xét có cần thiết khởi tố vụ án hay không.
Riêng việc cố tình thả chó nguy hiểm để cắn gây thương tích hoặc tử vong cho người khác thì tùy vào trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS), tội giết người (Điều 123 BLHS)…” – TS Anh Tuấn nêu quan điểm.
Vào tháng 5-2021, tại Long An đã từng xảy ra vụ việc chó Pitbull tấn công chủ, cắn chết người trong quán cà phê.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng xóm cự cãi rồi đánh nhau, một người bị đánh quay về nhà thả chó qua cắn người kia gây thương tích.