Vụ Huyền Như: "Nhiều luật sư bỏ qua lỗi của thân chủ"
"Trong 46 luật sư trong quá trình tranh tụng đều bỏ qua và không hề nêu lên lỗi của chính thân chủ của mình, mà hầu hết chỉ quy buộc hết trách nhiệm về Vietinbank là chưa đúng" - VKS đã nhận xét trong phần tranh luận.
Trong phần đối đáp của VKS chiều 21/1, VKS cho rằng, trước đó, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã thực hiện hàng trăm giao dịch với khách hàng, nhưng những khách hàng này không bị rủi ro. VKS lý giải bởi vì họ đã thực hiện đúng quy trình nên họ không bị mất tiền. Đối với Công ty Phương Đông và các đơn vị, cá nhân khác bị thiệt hại là vì họ quá tin tưởng Huyền Như và cũng một phần tham lãi suất nên Công ty Phương Đông không trực tiếp đến ngân hàng mà chỉ giao dịch qua Huyền Như nên bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và, phía lãnh đạo Công ty Phương Đông cũng không cần tìm hiểu xem những thông tin về lãi suất do Huyền Như đưa ra có thật hay không. VKS còn khẳng định đó là lỗi lớn nhất của công ty này dẫn tới bị Huyền Như chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như
VKS đối đáp, trước đó Giám đốc Công ty Phương Đông là ông Hạnh có đăng ký dịch vụ SMS, mặc dù ông này phát hiện được tiền đã bị chuyển khỏi tài khoản của Công ty Phương Đông mà vẫn tiếp tục ký với Huyền Như 7 lệnh chi giả để Huyền Như thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền. VKS cũng đã có kiến nghị đến cơ quan trung ương về hành vi làm trái của Giám đốc Công ty Phương Đông. Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi Công ty Phương Đông cũng đã khẳng định bị Huyền Như chiếm đoạt tài sản và buộc Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường.
Tranh luận với luật sư Nguyễn Viết Vạn Xuân (bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc), VKS cho rằng, về phía Công ty An Lộc hợp đồng chỉ mới một bên ký. Trong khi giám đốc công ty này chưa ký mà đã chuyển tiền cho Huyền Như và bị Huyền Như chiếm đoạt, VKS cho rằng hợp đồng này chưa có hiệu lực nên không có cơ sở chấp nhận việc Vietinbank bồi thường, mà quy lỗi về phía Công ty An Lộc. Ngoài ra, Công ty An Lộc còn có lỗi lớn là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 02, tức là có lãi ngoài hợp đồng.
Đối đáp lời tranh luận của luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ cho Ngân hàng Navibank), VKS khẳng định, Navibank có vi phạm trần lãi suất nên bị Huyền Như dẫn dụ và dẫn tới hậu quả mở tài khoản chuyển tiền, phó thác cho Huyền Như và chịu sự rủi ro về mình. Chính sự tin tưởng vào Huyền Như và bị lừa đảo dẫn đến hậu quả đơn vị này bị thiệt hại số tiền 200 tỷ đồng.
VKS cũng nhắc lại lời luật sư Đức là hiện nay, có nhiều ngân hàng có nhiều giao dịch theo thỏa thuận. VKS khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong thời kỳ đổi mới, nhiều ngân hàng đã thực hiện chứ không riêng gì Vietinbank. Nhưng ít nhất, chủ sở hữu phải kiểm tra tính hợp pháp và tư cách người đến giao dịch với mình. VKS chứng minh, Navibank phó thác tài sản cho Huyền Như, bằng chứng là bản hợp đồng ghi rõ: “Bên A đồng ý cho bên B trích số tiền từ tài khoản của bên A, chuyển sang tài sản tiết kiệm và có trả lãi sau”, chứng tỏ ngân hàng này mở tài khoản chuyển tiền và để cho Huyền Như thực hiện việc chiếm đoạt.
VKS lý giải, Vietinbank không hề có chủ trương hay động tác nào liên hệ với Navibank và cũng không cử Huyền Như thực hiện các giao dịch này mà ý thức và hành vi chiếm đoạt xuất phát từ Huyền Như.
VKS tiếp tục đối đáp, Vietinbank chỉ chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của nhân viên nếu Vietinbank khi đó cử nhân viên mình làm nhiệm vụ này. Còn trong vụ án, Vietinbank không cử Huyền Như đi huy động tiền với lãi suất ngoài hợp đồng và việc làm của Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối đó là hành vi lừa đảo, không phải lỗi của Vietinbank. Do đó, về trách nhiệm dân sự, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm trong bản luận tội là Vietinbank không có trách nhiệm phải bồi thường và Vietinbank không có lỗi. Bởi lỗi lớn và lỗi chính thuộc về Navibank và các đơn vị, cá nhân khác. Trước đó, luật sư Đức cũng cho rằng, lệnh chi giả của Vietinbank, VKS khẳng định lệnh chi trên là do Huyền Như làm giả chứ không phải là lệnh giả của Vietinbank.
Liên quan đến tội danh của bị cáo Phạm Anh Tuấn bị quy tội cố ý làm trái quy định, được VKS đối đáp, Công ty Thái Bình Dương không có chức năng dùng vốn nhà nước cấp để gửi ngân hàng lấy lãi. Vốn nhà nước cấp cho công ty này là đóng tàu chứ không cấp cho bị cáo đem gửi ngân hàng. Nếu Công ty Thái Bình Dương chưa cần vốn sử dụng thì phải trả lại cho Nhà nước chứ không được phép dùng trái mục đích.
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Anh Tuấn dùng số tiền trên sai mục đích và có vụ lợi (121 tỷ đồng). Việc cáo trạng truy tố bị cáo là hoàn toàn có căn cứ. VKS khẳng định Phạm Anh Tuấn hoàn toàn không giao dịch với Vietinbank mà là giao dịch với Huyền Như và thực hiện chuyển tiền về cho Công ty Hoàng Khải (công ty của Huyền Như). Và, khi nhận lãi và vốn cũng nhận từ Công ty Hoàng Khải. VKS khẳng định, phía Công ty Thái Bình Dương không có bất kỳ giao dịch nào với Vietinbank. Do đó, Vietinbank không có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại của công ty này.