Vụ Huyền Như: Lo ngại mất lòng tin vào ngân hàng

Ngày 16/1, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh tiếp tục có mặt trong phiên tòa xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Các luật sư bảo vệ cho các bị hại là cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng cho Như vay tiền tiếp tục xoáy vào trách nhiệm của Vietinbank. “Mất lòng tin là mất hết”.

Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng Nam Việt (Navibank) đưa ra lập luận, “đại án” là một bài học xương máu liên quan quyền lợi quan trọng và chính đáng của hàng triệu người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Tại thời điểm Navibank mang tiền đi gửi Vietinbank, không có quy định nào về việc không được phép mang tiền của ngân hàng này đi gửi ngân hàng khác. Nếu Vietinbank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì tất cả các bị cáo là nhân viên của Vietinbank đang bị xét xử oan sai về tội vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo luật sư này, có những nghịch lý không thể lý giải cả về đạo lý và pháp lý nếu Vietinbank không trả tiền cho khách hàng gửi tiền bằng những hợp đồng hợp pháp, bằng con dấu thật, chữ ký thật.

Cuối cùng, luật sư Đức đề nghị HĐXX đặc biệt quan tâm xem xét trách nhiệm dân sự của Vietinbank trong vụ án. Nếu Vietinbank, một ngân hàng thuộc loại lớn nhất Việt Nam, không trả tiền gửi cho khách hàng, thì “mất tiền bạc là mất nhiều, nhưng mất lòng tin thì mới là mất hết” - ông Đức nói.

Tất cả các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các Cty, ngân hàng và cá nhân còn lại đều đưa ra lập luận cho rằng Vietinbank phải trả tiền cho khách hàng, khi tiền đã vào Vietinbank và có bằng chứng là những sao kê… Luật sư đại diện bảo vệ Cty An Lộc nói: “Tôi khẳng định người bị hại là Vietinbank. Nếu Viện Kiểm sát cho rằng Vietinbank vô can trong vụ án này, thì tôi e rằng sẽ xảy ra sự đổ vỡ có hệ thống, vì người dân mất lòng tin vào ngân hàng, kéo theo đó những hệ lụy khó lường...”.

Luật sư Phạm Danh Tín nói, ngân hàng có chức năng nhận tiền gửi và cho vay, là nơi cất giữ tiền an toàn nhất cho người dân, cho tổ chức kinh tế, đây là thông lệ quốc tế… Ông Tín đề nghị HĐXX phán xét công minh tại phiên tòa này, để lòng tin người dân không mất đi mà còn tạo lòng tin cho các tổ chức nước ngoài đối với Việt Nam.

“Vietinbank hoàn toàn không biết Như lừa đảo”

Luật sư Nguyễn Thị Bắc, đại diện cho Vietinbank đưa ra những quan điểm phản bác lại. Theo bà Bắc, việc huy động vốn, chiếm đoạt tài sản đều do một tay Huyền Như thực hiện. Những thỏa thuận giao dịch bất hợp pháp giữa Như với các bị hại đều diễn ra ngoài trụ sở Vietinbank, ngân hàng này hoàn toàn không biết và không tham gia.

Về việc huy động tiền của VIB, luật sư Bắc cho rằng, VIB đã giao dịch cá nhân với bị cáo chứ không phải với Vietinbank nên đã bị Như lừa mất tài sản. Trong trường hợp huy động và chiếm đoạt tiền Cty Cổ phần Dầu khí Thái Bình Dương, cao ốc Zen Plaza và các cá nhân khác, Như đã làm hợp đồng ủy thác đầu tư giả của Vietinbank...

Giải thích cho việc huy động và chiếm đoạt tiền của 3 Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, luật sư Bắc đã quy trách nhiệm cho các bị hại. Vị luật sư này lập luận, 3 Cty này đã bị Như lừa ký và thực hiện hợp đồng giả.

Hai Cty Phúc Vinh và Thịnh Phát đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc đăng ký mở tài khoản là nộp hồ sơ đăng ký mở tài khoản tại trụ sở giao dịch để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu. Đồng thời, cả 3 Cty đã không thực hiện trách nhiệm của chủ tài khoản là theo dõi số dư trên tài khoản, để nhiều giao dịch giả qua tài khoản mà không báo với Vietinbank.

Cuối cùng, luật sư Bắc kết luận, trong các vụ việc này, bị cáo Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để giao dịch với 3 Cty trên, 3 Cty này đã ký kết và thực hiện việc chuyển tiền theo hợp đồng giả nên đã bị Như lừa.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Vinh (Tiền Phong)
"Siêu lừa" 4.000 tỷ Huỳnh Thị Huyền Như Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN