Vụ đổi 100 USD: Ông Rê bị thiệt như thế nào?
Ba vấn đề liên quan đến tình trạng pháp lý của ông Nguyễn Cà Rê cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết thấu đáo.
Theo diễn biến vụ việc thì khả năng ông Nguyễn Cà Rê (người mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực bán) sẽ được miễn toàn bộ hoặc giảm một phần số tiền phạt 90 triệu đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Rê đang trở thành nạn nhân của những quy định pháp luật và cách áp dụng pháp luật chưa hợp lý. Do đó cần cách xử lý vụ việc thông minh và có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng.
Hôm nay sẽ trả lời báo chí
Sáng 29-10, UBND TP Cần Thơ đã có buổi họp (nội bộ) với các sở, ngành liên quan xoay quanh các vấn đề liên quan vụ đổi 100 USD. Cuộc họp do Chủ tịch UBND TP Võ Thành Thống chủ trì đến hơn 11 giờ mới kết thúc. Ngay sau đó Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với ông Thống để trao đổi những thông tin liên quan đến vụ việc.
Tuy nhiên, ông Thống cho biết đã giao cho giám đốc Sở TT&TT trả lời với báo chí các thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức vào hôm nay (30-10). Được biết chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã giao ngành chức năng nhanh chóng thẩm tra hoàn cảnh của ông Rê và sớm có đề xuất.
Chiều cùng ngày, Sở TT&TT TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các cơ quan báo, đài đóng trên địa bàn thông tin về việc cung cấp thông tin chính thức tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ vào hôm nay, 30-10.
Ông Nguyễn Cà Rê. Ảnh: H.DƯƠNG
Lỗi nhẹ nhưng mức phạt quá nặng
Trước hết, ông Rê bị xử phạt với số tiền quá cao so với mức độ vi phạm của mình và bị áp dụng biện pháp tịch thu tang vật (là số tiền 100 USD) chưa phù hợp.
Theo ông Huỳnh Minh Khánh (cán bộ TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang), thiệt thòi pháp lý này xuất phát từ việc khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) bất hợp lý khi gom chung hành vi vi phạm từ lớn đến nhỏ vào một mức phạt. Hậu quả là số tiền nộp phạt của ông Rê lên đến 90 triệu đồng (gần gấp 40 lần số tiền vi phạm), vượt quá khả năng nộp phạt đối với người có thu nhập thấp như ông.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM), mức phạt này là quá lớn và vô lý cho hành vi bán 100 USD, thật sự không gây nguy hại đặc biệt gì cho xã hội.
“Việc áp dụng hình thức tịch thu tờ 100 USD là quá nghiêm khắc và không cần thiết. Bởi Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì chỉ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sung vào ngân sách nhà nước đối với vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý. Theo diễn biến sự việc thì ông Rê có thể vô ý với hành vi vi phạm của mình do không biết việc bán USD tại tiệm vàng không có giấy phép thu mua ngoại tệ. Việc vi phạm của ông Rê cũng không thể coi là lỗi vi phạm nghiêm trọng vì ông chỉ đổi tờ 100 USD” - LS Hồng nói.
Vẫn bị coi là có tiền sự
Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng đang xét miễn hoặc giảm số tiền phạt cho ông Rê là động thái tốt nhưng chưa đúng quy định. Về mặt pháp lý của việc miễn, giảm tiền phạt cũng không giúp ông Rê có lợi hơn.
Theo ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), khoản 1 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên, không có khả năng thi hành quyết định có thể được xem xét miễn, giảm nếu đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của chính quyền hoặc cơ quan.
Như vậy, nếu không thỏa mãn các điều kiện khá nghiêm ngặt này thì theo quy định không có căn cứ nào để ông Rê có thể được miễn, giảm tiền phạt. Còn nếu không đủ điều kiện mà UBND TP Cần Thơ vẫn làm thì sẽ tạo tiền lệ không tốt trong việc miễn, giảm tiền nộp phạt cho người vi phạm. Nguy hiểm hơn, nó còn khiến cho các quy định của pháp luật về việc xử lý vi phạm hành chính bị vô hiệu hóa.
Ngoài ra, nếu được miễn, giảm tiền nộp phạt thì cũng không đưa người vi phạm trở về trạng thái ban đầu, nghĩa là quyết định xử phạt vẫn còn hiệu lực pháp luật và ông Rê vẫn bị coi là người có tiền sự. Đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng giải pháp này chưa phù hợp với quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Bộ trưởng Tư pháp: Phạt vụ đổi 100 USD là áp dụng luật máy móc Chiều 29-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD ở tiệm vàng bị phạt tới 90 triệu đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá vụ việc này cho thấy tình huống áp dụng pháp luật một cách máy móc. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để không lặp lại những bất cập trong một trường hợp tương tự thì cần phải sửa đổi Nghị định 96/2014 và vấn đề này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời. Cũng nêu quan điểm về vụ việc này bên hành lang Quốc hội, thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang có kế hoạch dự thảo sửa đổi Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, trong đó việc phân loại mức vi phạm để xử phạt cũng là một cách có thể xem xét. |
Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết việc ký quyết định khám xét hành chính nhà ở của ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng...