Vụ ‘chia tay đòi tiền’: VKS kháng nghị theo hướng bác yêu cầu đòi tiền
VKS kháng nghị vụ “chia tay đòi tiền”, cho rằng nguyên đơn không chứng minh được mình cho bị đơn mượn tiền nên khởi kiện đòi tiền của ông này là không có cơ sở.
Mới đây, VKSND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ “chia tay đòi tiền” theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
VKS kháng nghị vụ "chia tay đòi tiền" theo hướng bác yêu cầu của nguyên đơn. Ảnh minh họa AI
Theo kháng nghị, VKS cho rằng các tài liệu mà ông T, bà H cung cấp không có nội dung nào xác định bà H mượn tiền, cũng không có nội dung nào thể hiện bà H xác định bà có nghĩa vụ trả tiền khi ông T cần lấy lại; ông T cũng không chuyển khoản nhầm cho bà H. Như vậy, ông T chưa có đủ chứng cứ để chứng minh đã cho bà H mượn tiền.
Bà H đã chứng minh được giữa bà và ông T có quan hệ tình cảm từ trước thể hiện trong nội dung chuyển khoản từ tài khoản khác của ông T cho bà, tin nhắn Zalo; Ông T không có ý kiến về tài liệu do bà H cung cấp.
Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án còn thể hiện, giữa hai người có nhắn tin qua Zalo, tin nhắn có nội dung ông T chọn xe ô tô hiệu gì và gửi hình ảnh xe ô tô, giá xe cho bà xem để chọn…
Theo VKS, thời gian ông T chuyển khoản cho bà H và thời gian bà H chuyển khoản cho hãng xe để đặt cọc mua xe, thanh toán tiền xe và các chi phí khác là trùng khớp với nhau, chính nhân viên của hãng xe cũng xác định việc này…
Cũng theo VKS, ông T đưa ra yêu cầu đòi lại tiền cho mượn thì có nghĩa vụ chứng minh đúng là có việc mượn tiền. Tuy nhiên ông này không chứng minh được số tiền chuyển khoản cho bà H là tiền cho bà mượn và bà này có nghĩa vụ trả lại nên khởi kiện của ông là không có căn cứ.
Trước đó, như PLO đã đưa tin, TAND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vừa xét xử sơ thẩm vụ án trên giữa nguyên đơn ông T và bị đơn bà H.
Ông T cho rằng do có mối quan hệ bạn bè nên bà H có hỏi mượn ông T số tiền 2,995 tỉ, để phụ giúp việc kinh doanh của gia đình, khi nào ông T cần lấy lại thì điện thoại bà sẽ trả. Từ đó, ông đã chuyển khoản nhiều lần cho bà này mượn 2,995 tỉ. Sau đó, ông gọi điện nhiều lần yêu cầu bà H trả tiền nhưng bà mới chỉ trả ông được 495 triệu. Do không liên lạc được với bà H nên ông khởi kiện đòi bà trả số tiền còn lại 2,5 tỉ.
Ngoài ra ông yêu cầu giữ nguyên biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ đối với tài sản của bà H là xe ô tô nhãn hiệu BMW để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Bà H thì cho rằng giữa hai người có quan hệ tình cảm, ông T tặng xe cho bà nên đã chuyển khoản để đặt cọc và trả tiền mua xe, ngoài ra còn cho bà tiền tiêu xài. Bà H cho rằng, việc ông T cho rằng có quan hệ bạn bè với bà là không đúng. Bà không vay mượn tiền của ông nên không đồng ý với yêu cầu của ông.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Phong Điền nhận định, việc bà H thừa nhận có nhận của ông T số tiền 2,995 tỉ là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 BLTTDS. Tòa cho rằng ông T là chủ sở hữu với số tiền 2,995 tỉ đã chuyển giao cho bà H thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định pháp luật. Nội dung giao dịch không thể hiện tặng cho hay cho bà H mượn nên ông T đòi lại tài sản là có căn cứ…
Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 2,5 tỉ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong vụ "chia tay đòi tiền", phía nguyên đơn cho rằng chuyển tiền cho bị đơn vay, trong khi bị đơn cho rằng cả hai có mối quan hệ tình cảm và việc chuyển tiền là cho cho tặng, chu cấp.