Vụ bỏ thuốc sâu vào thức ăn học sinh ở Sơn La: Phạm tội chưa đạt sẽ bị xử lý ra sao?
Liên quan đến vụ vợ nguyên hiệu trưởng trường THPT ở Sơn La bỏ thuốc sâu vào thức ăn của học sinh, theo các chuyên gia pháp lý, dù hậu quả chưa xảy ra nghi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự.
Mới đây, Cơ quan CSĐT - CAH Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã tạm giữ hình sự đối với Hà Thị Thi, nhân viên bếp ăn của trường THPT Chu Văn Thịnh để điều tra về hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, Thi là vợ của nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn Thịnh, nay đã chuyển sang làm Phó Hiệu trưởng của một trường khác.
Do không còn được giao phụ trách bếp ăn và nhà trường cũng không nhập thực phẩm từ đơn vị cũ, Thi đã cho loại thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh. Rất may nhà bếp phát hiện kịp thời nên chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Được biết, trường THPT Chu Văn Thịnh có khoảng 400/1245 học sinh ăn bán trú. Hiện cơ quan chức năng huyện Mai Sơn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Trường THPT Chu Văn Thịnh ở huyện Mai Sơn, Sơn La - nơi xảy ra vụ việc
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 134 BLHS 2015 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Đối với người dưới 16 tuổi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm…
Phạm tội làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên… thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ cho người khác sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương cơ thể của người bị hại. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định thức ăn bị bỏ thuốc diệt côn trùng vào xem hàm lượng nó có thể gây tổn hại đến sức khỏe của học sinh đến đâu - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Do bị hành vi này bị phát hiện kịp thời (phạm tội chưa đạt) nên tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội…mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định mức hình phạt tương ứng.
Cũng theo luật sư Hồng Vân, về phạm tội chưa đạt, Điều 15 BLHS 2015 nêu rõ, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Có thể chia phạm tội chưa đạt thành 2 loại là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là việc một cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội của mình như vì một nguyên nhân nào đó mà hậu quả của việc phạm tội không xảy ra. Còn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là việc người phạm tội vì nguyên do nào đó chưa hoàn thành việc phạm tội của mình.
Trường hợp bỏ thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành do đối tượng đã thực hiện xong việc cho thuốc vào thức ăn.
Về việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, Điều 57 BLHS 2015 quy định, với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định - luật sư Hồng Vân nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]