Vụ bán đất 21 tỉ, khai 460 triệu: Làm rõ vai trò của bên mua và công chứng
Cơ quan điều tra cho biết sẽ điều tra làm rõ vai trò của các bên trong vụ kê khai giá thấp hơn thực tế nhằm mục đích trốn thuế xảy ra tại Quảng Nam.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, mới đây Cơ quan CSĐT Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Lê Văn Thành (44 tuổi, ngụ khối phố Hà Trung, phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) để điều tra về hành vi trốn thuế.
Khai giá thấp để trốn thuế
Theo điều tra, năm 2019, Lê Văn Thành đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất rộng 4.500 m2 ở thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cho cặp vợ chồng ở TP.HCM.
Cơ quan CSĐT tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với bị can Lê Văn Thành. Ảnh: CA
Hợp đồng mua bán thửa đất này thể hiện giá trị chuyển nhượng 460 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thăng Bình đã chứng minh số tiền giao dịch thực tế lên đến 21 tỉ đồng.
Công an xác định việc kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế rất nhiều lần của Thành với mục đích là làm giảm thuế thu nhập cá nhân đáng lẽ phải đóng (hơn 410 triệu đồng), lệ phí trước bạ phải nộp (hơn 100 triệu đồng). Từ đó, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 510 triệu đồng.
Đại úy Phạm Văn Đào, Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Thăng Bình, cho hay hành vi của bị can Thành vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 200 BLHS năm 2015 (tội trốn thuế).
“Quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ có phương án truy thu thuế, những tài sản cần thiết của bị can Thành đã bị phong tỏa nhằm phục vụ thi hành án.”
Đại úy Phạm Văn Đào
Theo Đại úy Đào, hành vi trốn thuế trong giao dịch mua bán bất động sản xảy ra nhiều ngoài xã hội nhưng đến mức truy tố rất ít. Riêng vụ việc này, bị can Thành làm hợp đồng kê khai nộp thuế quá thấp so với giá trị thực tế, số tiền gian lận thuế rất lớn.
“Hiện nay, cơ quan điều tra (CQĐT) đang tiếp tục mở rộng vụ án. Vụ án này cũng liên quan đến nhiều người gồm bên mua, bên bán hay văn phòng công chứng (VPCC). CQĐT đã làm việc với các bên nhưng chưa đủ cơ sở, mới chỉ khởi tố bị can Thành” - Đại úy Đào nói.
Trách nhiệm của văn phòng công chứng tới đâu?
Cũng theo Đại úy Đào, CQĐT sẽ tiếp tục làm việc với các bên để có tài liệu phản ánh đúng bản chất hoạt động của VPCC tại thời điểm công chứng hợp đồng.
“Giá trị 460 triệu đồng của thửa đất là bên bán và bên mua đưa ra hay VPCC hướng dẫn? Trường hợp hai bên bán - mua thống nhất với nhau, đề nghị VPCC lập thì không có cơ sở xử lý. Tuy nhiên, VPCC có lợi ích, hướng dẫn hoặc soạn hợp đồng thì sẽ xem xét trách nhiệm của họ” - Đại úy Đào nói về hướng xử lý các bên liên quan.
Ngoài ra, CQĐT cũng sẽ xác định trách nhiệm, lợi ích của bên mua, từ đó mới có cơ sở xử lý, truy thu thuế (nếu có). Cho dù bên mua không có lợi ích nhưng bên mua biết hành vi, mục đích ký hợp đồng thấp hơn giá trị thực tế để giảm thuế thì bên mua phải có trách nhiệm. “Trách nhiệm đến đâu, cơ quan sẽ chứng minh trong giai đoạn 2 của vụ án” - Đại úy Đào nói.
Trao đổi thêm với PV, Thượng tá Trần Thế Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình, cho hay việc mua bán tài sản, đặc biệt là bất động sản, bên bán và bên mua thỏa thuận lập hợp đồng có giá trị thấp hơn giá trị giao dịch thực tế để giảm thuế xảy ra rất nhiều.
“Thực tế vấn đề trốn thuế khi mua bán, giao dịch bất động sản tràn lan. Đây là bài học cảnh tỉnh cá nhân, tổ chức giao dịch phải tuân thủ quy định, tránh để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật. Đề nghị người dân, doanh nghiệp khi giao dịch các loại tài sản, đặc biệt là đất đai phải thực hiện đúng quy định pháp luật” - Thượng tá Dũng khuyến cáo.
Cũng theo Thượng tá Dũng, bước thẩm định giá trị tài sản khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế chưa chặt chẽ. Trách nhiệm của cơ quan thuế, VPCC chưa được ràng buộc. “Cơ quan thuế thừa biết mảnh đất này có giá trị rất cao, không phải 460 triệu đồng. Hay VPCC biết giá trị thực tế của thửa đất này là hàng tỉ đồng… nhưng họ không có quyền thẩm định tài sản dẫn đến thất thu thuế” - Thượng tá Dũng chia sẻ.
Nhiều rủi ro khi khai giá mua bán thấp hơn thực tế Việc hai bên chuyển nhượng khai giá trên hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá thực tế giao dịch là một trong những hành vi trốn thuế được quy định tại khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019. Hành vi này sẽ đến những rủi ro mà cả người mua và người bán đều có thể gặp phải. Hợp đồng công chứng ghi giá thấp hơn thực tế nên trường hợp phát sinh tranh chấp phải kiện ra tòa, nếu như không có thỏa thuận nào khác thì rất khó cho bên bán nhà đất đòi đúng giá trị thực tế. Ngược lại, người mua nhà cũng rất khó chứng minh số tiền thực tế mà họ đã trả, nhất là khi không lập thành văn bản hoặc giao tiền mặt. Cạnh đó, hai bên còn phải đối diện với những trách nhiệm pháp lý về hành vi trốn thuế. Mức độ nhẹ sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 125/2020. Mức độ nặng hơn, người có hành vi trốn thuế có thể bị xử lý về tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS năm 2015 (như bị can Thành) vì đã sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp. Tùy số tiền trốn thuế mà người có hành vi trốn thuế có thể bị phạt đến bảy năm tù. Vì vậy, lời khuyên cho các bên là ngay khi tham gia các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải ghi đúng với giá trị thực tế chuyển nhượng để tránh những rủi ro không đáng có. Luật sư Lê Doãn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM (CHÂU YẾN ghi) |
Nguồn: [Link nguồn]
Nhận chuyển nhượng 11 bất động sản với Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) nhưng chủ doanh nghiệp không kê khai, trốn thuế gần 21 tỷ đồng.