Vụ bán con ở Trà Vinh: Nên cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho người mẹ

Sự kiện: Tin pháp luật

Với hoàn cảnh của người mẹ, của những đứa trẻ nếu cả cha và mẹ đi tù, trong giới hạn thẩm quyền xét xử phúc thẩm, HĐXX hoàn toàn có thể xem xét để có bản án phúc thẩm thấu tình đạt lý.

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có thông tin tới bạn đọc vụ án “hai vợ chồng bán con ở Trà Vinh”, về hành vi, về hoàn cảnh phạm tội…

Cặp vợ chồng (hờ) Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn và Thạch Thị Kim Nhung (cùng ngụ huyện Châu Thành, Trà Vinh) bị tòa tuyên phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Thông tin từ TAND tỉnh Trà Vinh cho biết tòa đã nhận được đơn kêu oan của Nhung, còn Tuấn không có kháng cáo.

Có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ khác

Nêu ý kiến về vụ việc, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho biết tòa cấp sơ thẩm khi quyết định hình phạt đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm g (phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra), điểm s (người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải) để quyết định mức án dưới khung hình phạt mà VKS đã truy tố (VKS truy tố khung 12-20 năm).

Tuy nhiên, theo thông tin báo cung cấp, hoàn cảnh của bị cáo Nhung hết sức đặc biệt. Nhung là người dân tộc Khmer, học đến lớp 8 đã phải lên TP.HCM làm thuê. Bị cáo này sinh con trai đầu khi chỉ mới 16 tuổi, rồi vào các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt từng đứa con khác chào đời. Nhung và Tuấn thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

Nếu vợ chồng Nhung đi tù, cuộc sống của hai người già (cha mẹ Nhung) và ba đứa trẻ chỉ phụ thuộc vào tiền bán vé số của ông ngoại tật nguyền.

Pháp luật luôn nghiêm khắc đối với những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng cũng có chính sách khoan hồng để tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội được trở về với gia đình, có cuộc sống mới.

Do đó, trong trường hợp này, HĐXX phúc thẩm có thể xem xét lại bản án sơ thẩm một cách toàn diện để tuyên mức án nhẹ hơn, vừa đủ sức răn đe nhưng cũng giúp cho chính những đứa trẻ có thể có một tương lai tươi sáng hơn.

Còn theo luật sư Trần Vân Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu bị cáo Nhung kháng cáo mà không có tình tiết giảm nhẹ gì mới thì e rằng khó xem xét. Tuy nhiên, tòa có thể xem xét thêm về yếu tố Nhung là người dân tộc, hiểu biết xã hội, nhận thức pháp luật hạn chế.

Bởi theo Điều 51 BLHS 2015, ngoài các tình tiết giảm nhẹ đã được quy định cụ thể thì HĐXX cũng có quyền quyết định áp dụng một tình tiết giảm nhẹ khác (nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án).

Ông ngoại bị tật bán vé số nuôi cả gia đình. Ảnh: HD

Ông ngoại bị tật bán vé số nuôi cả gia đình. Ảnh: HD

Nhiều yếu tố cần xem xét

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho biết với quyền hạn, chức năng của mình, cấp phúc thẩm sẽ xem xét, làm rõ nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó có việc làm rõ ý thức chủ quan của cha mẹ đứa trẻ (có ý thức bán con hay không); làm rõ lời khai của người mua (Nguyễn Hữu Dương), bởi lời khai này đóng vai trò hết sức quan trọng để xác định cha mẹ đứa trẻ có bán con hay không.

Nếu cha mẹ đứa trẻ chỉ mong giao cho người hiếm muộn để con có cuộc sống tốt hơn, còn 18 triệu đồng là số tiền Dương hỗ trợ cho cha mẹ đứa trẻ trang trải cuộc sống khó khăn thì sao?

Ngoài ra, với nhận thức còn hạn chế của vợ chồng Nhung, liệu họ có đủ hiểu biết các quy định về cho con vì mục đích nhân đạo để từ đó làm thủ tục nhận nuôi con nuôi vì mục đích nhân đạo hay không...

Đặc biệt, điều mà hầu như ai cũng trăn trở là hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ. Nếu cha mẹ chúng đi tù với mức án 13 năm và 10 năm (ngoài ra, người cha còn bị điều tra về hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi) thì số phận của những đứa trẻ này sẽ như thế nào? Trong khi đó, Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được quyền sống, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển...

“HĐXX có thể xem xét thêm yếu tố về trình độ học vấn của bị cáo và cả trách nhiệm của chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật như thế nào để những gia đình dân tộc thiểu số nhận thức đúng về việc cho con hay chưa. Hay chính quyền địa phương đã có những chính sách giúp đỡ những gia đình dân tộc có hoàn cảnh rất khó khăn như cha mẹ đứa trẻ không?

Để từ đó có một bản án thấu tình đạt lý hơn” - nguyên thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Thị Kim Vinh nói.•

Kháng cáo kêu oan vẫn có thể được xem xét giảm nhẹ

Trả lời PV, Nhung cho biết đã gửi đơn kháng cáo nhưng cũng không biết mình kháng cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ, chỉ ký theo đơn mà luật sư đưa. Đây cũng là chi tiết cho thấy nhận thức còn hạn chế của bị cáo này.

Liên quan đến việc Nhung kháng cáo kêu oan chứ không phải xin giảm nhẹ (theo xác nhận của tòa án), với nguyên tắc có lợi cho bị cáo, HĐXX phúc thẩm hoàn toàn có quyền cân nhắc giảm án cho nữ bị cáo này khi có đủ căn cứ, như bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm chưa áp dụng…

Trong thực tiễn xét xử vẫn có những trường hợp HĐXX phúc thẩm giảm án cho bị cáo kháng cáo kêu oan.

Ngày 15/1, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thạch Thị Kim Nhung (SN 2002) 10 năm tù và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (SN 1995, cùng ngụ xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành) 13 năm tù cùng về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YẾN CHÂU - HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN