Vụ án oan làm đổi luật nước Mỹ (Kỳ 3)
Cuộc đời đầy tội phạm của nghi can khiến CS "mặc định" kết quả điều tra?
Tóm tắt cuộc đời phạm tội
Khi Ernest Miranda đi với cảnh sát về trụ sở, đây không phải là lần đầu tiên người này bị bắt. Ngay từ hồi đang học phổ thông, Ernest đã gặp nhiều khó khăn ở Mesa, Arizona sau khi mẹ của hắn qua đời và cha tái hôn. Ernest và cha tính tình không hòa hợp với nhau và cậu bé cũng giữ khoảng cách với cha cũng như với mẹ kế. Ngay từ khi học lớp 8, Ernest liên tục trốn học và đã phạm luật hình sự lần đầu tiên. Sau đó, cậu học trò mồ côi mẹ bị bắt vì tội ăn cắp, kết án một năm giam giữ ở trường cải tạo thiếu niên.
Năm 1956, một tháng sau khi rời khỏi trường cải tạo thiếu niên Arizona, Ernest đi bộ về nhà trong đêm. Tình cờ, hắn nhìn thấy một người phụ nữ đang khỏa thân nằm trong phòng khách của nhà để xem tivi. Đối với cậu nhóc ngỗ nghịch và hay phạm lỗi, đặc biệt vừa rời khỏi trường cải tạo như Ernest, đây là một “lời mời” khó bỏ qua. Cậu nhóc mở chiếc cửa không khóa và vào nhà, cố gắng quan hệ với người phụ nữ đó nhưng không được. Tuy nhiên, cậu nhóc vẫn nằm trên giường với người phụ nữ đó cho tới khi người chồng về nhà và gọi cảnh sát. Ernest Miranda bị bắt lại và chịu thêm một năm “tù giam” nữa.
Ernest thấy rằng cần thay đổi môi trường sống mới có thể “cải tà quy chính” được nên sau khi được “ra tù”, cậu nhóc phiêu dạt về Tây Los Angeles. Tuy nhiên, cuộc sống không gia đình và người thân đã khiến anh chàng bị bắt lại trong vòng vài tháng sau vì bị nghi liên quan tới vụ cướp có vũ trang và cưỡng hiếp phụ nữ. Ernest bị tạm giam hai tháng để cảnh sát điều tra về vụ cướp, hiếp, chính quyền thấy rằng người dân California sẽ tốt hơn nếu không có Ernest Miranda nên hắn bị kết án 18 năm, trả lại trường cải tạo Arizona.
Với hồ sơ phạm tội nhiều như thế, lại thêm yếu tố không nghề nghiệp, không gia đình, Ernest chỉ còn có con đường duy nhất mà không phải phạm tội, đó là gia nhập quân đội.
Nhưng cũng thật không may, sau 15 tháng phục vụ trong quân đội, Ernest phải buộc gặp gỡ bác sỹ tâm lý và lại bị sa thải một cách nhục nhã.
Ernest lại phải chịu cảnh lang thang, phiêu bạt quanh khu vực phía Nam một vài tháng, dành một khoảng thời gian ngắn... trong nhà tù bang Texas vì vô gia cư, bị bắt ở Nashville vì lái xe ăn cắp. Vì không phải là thủ phạm trộm cắp mà chỉ là sử dụng đồ ăn cắp, Ernest bị phạt tù 1 năm 1 ngày trong hệ thống nhà tù liên bang, từ nhà tù ở Chillicothe, Ohio tới Lompoc, bang California.
Ra tù, con người khốn khổ ấy tiếp tục tồn tại với một vài công việc bình thường như khuân vác hàng xuất khẩu trong một nhà máy sản xuất hàng hóa ở Phoenix trong vòng 2 năm. Viên quản đốc rất hài lòng và nói với chính quyền địa phương rằng Ernest là một trong những công nhân chăm chỉ nhất ở đây. Mọi việc tưởng như dần ổn định thì Ernest lại bị bắt vì là nghi can liên quan tới vụ hiếp dâm Patrice McGees.
“Anh có quyền giữ im lặng”
Sĩ quan cảnh sát Carroll Cooley và Wilfred Young cùng nhau tới trước cửa nhà nơi Ernest Miranda đang sống cùng người vợ không đăng ký của mình. 2 người có chung một cậu bé còn người vợ có 1 cô con gái riêng với người chồng mà cô này không thể ly dị. Khi cảnh sát tới, Ernest đang ngủ trên giường sau một giờ làm việc vất vả tại nhà máy nơi anh đang làm việc.
Cô vợ hờ, Twila Hoffman, hơi ngạc nhiên về cuộc viếng thăm bất ngờ của cảnh sát nhưng vẫn nhẹ nhàng đánh thức chồng dậy.
Cooley yêu cầu Ernest Miranda đi cùng mình để trả lời những nghi vấn anh này cướp, hiếp Patrice McGee.
“Chúng tôi không muốn nói chuyện trước mặt vợ của anh ta”, Cooley sau này cho biết.
Đây là một trong những nghệ thuật của cảnh sát. Họ không bao giờ thẩm vấn nghi can tại một nơi quen thuộc của người bị cáo buộc. Thẩm vấn là một cuộc chiến căng thẳng về tâm lý và trí tuệ giữa bị can và người cảnh sát. Và dĩ nhiên, cảnh sát bao giờ cũng chiếm lợi thế vì họ có kinh nghiệm và được chọn lựa địa điểm mình muốn. Chính vì điều này mà Cooley muốn đưa Ernest ra ngoài thẩm vấn.
Nếu thẩm vấn tại văn phòng của cảnh sát, nghi can sẽ bị thân cô thế cô và điều tra viên sẽ có được mọi lợi thế. Họ sẽ dễ dàng điều khiển được mọi việc theo tư duy chủ quan của mình mà không bị phạm luật.
Tại thời điểm bị mời về đồn cảnh sát, Ernest không hề biết điều gì đang diễn ra. “Tôi không biết là tôi có quyền gì, và có được lựa chọn hay không. Tôi vào xe của họ và hỏi điều gì đang diễn ra. Họ chỉ nói rằng: Anh có quyền giữ im lặng”, Ernest Miranda sau này cho biết.
Các điều tra viên sẽ thẩm vấn Ernest như thế nào? Liệu họ có chủ quan nghĩ rằng vì có tiền sử phạm tội quá nhiều mà Ernest có thêm một tội nữa cũng là hợp lý hay không? Mời các bạn đón đọc Vụ án oan làm đổi luật nước Mỹ (Kỳ 4) vào SÁNG SỚM ngày 24/3/2013.