Vụ án hiếm gặp nhất lịch sử: Nỗi oan sinh con ra nhưng không phải mẹ ruột

Một người mẹ trẻ không những phải đấu tranh với tòa án để giữ lại những đứa bé mà cô mang nặng đẻ đau mà thậm chí còn suýt ngồi tù vì theo xét nghiệm chúng không phải là con ruột cô.

Các chuyên gia cho biết, con người có thể thay đổi họ tên, thay đổi màu tóc, màu mắt hoặc phẫu thuật thẩm mỹ một số đặc điểm nhận dạng khác. Tuy nhiên, có duy nhất một thứ không thể thay đổi được, đó chính là mẫu ADN của họ. Đó là lý do vô số sự thật tưởng chừng không bao giờ có thể làm sáng tỏ nhưng cuối cùng cũng đã được giải quyết. Loạt bài “Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN” sẽ phần nào hé lộ những câu chuyện kỳ lạ ấy.

Vụ án hiếm gặp nhất lịch sử: Nỗi oan sinh con ra nhưng không phải mẹ ruột - 1

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy Lydia Fairchild và các con cô không có quan hệ huyết thống.

Vụ lừa đảo kỳ lạ

Sau khi sinh đứa thứ 3, Lydia Fairchild (26 tuổi) bị thất nghiệp. Do không đủ điều kiện kinh tế nuôi con, cô phải viết đơn xin trợ cấp hằng tháng của chính phủ tại địa phương cư trú là bang Washington (Mỹ).

Quy trình xin trợ cấp là tất cả các thành viên cần được xét nghiệm ADN để xác nhận huyết thống - một thủ tục tương đối đơn giản. Fairchild ung dung chờ kết quả, và rồi nhận được lệnh triệu tập của sở, với lời nhắn "ngay lập tức".

Tưởng như sẽ nhận được tin vui, nhưng không. Tại văn phòng, Fairchild bỗng trở thành nghi phạm cho một vụ lừa đảo thực sự vô lý, vì kết quả xét nghiệm cho thấy chồng cô - Jamie Townsend là cha của 3 đứa trẻ nhưng cô không phải mẹ ruột của các con mình, dù là người sinh ra chúng.

Nhân viên tòa án gọi cô đến hỏi một cách đầy ngờ vực: “Cô là ai? Cô đang âm mưu gì với bọn trẻ?” Ngạc nhiên, Lydia trả lời, “Chúng là con tôi mà, sao lại có chuyện âm mưu gì ở đây?”. Người đó đáp lại lạnh lùng: “Chúng không phải là con cô. Chúng tôi đã xét nghiệm ADN. ADN của cô và bọn trẻ không giống nhau”.

Kết quả, Fairchild không những bị từ chối trợ cấp chính phủ, mà còn đứng trước nguy cơ phải ngồi tù. Cô bị nghi ngờ đã dàn xếp cùng Townsend để gian lận tiền trợ cấp, thậm chí còn có thể bị tước quyền nuôi con vĩnh viễn.

Mọi chuyện sau đó được đưa ra xét xử. Nhằm đảm bảo không có nhầm lẫn gì, Fairchild lại được xét nghiệm ADN thêm một lần nữa. Kết quả vẫn vậy, những đứa trẻ không phải con cô.

Fairchild hoảng loạn thực sự. Rõ ràng cô là mẹ của 3 đứa trẻ, đã mang thai và sinh nở bình thường. Tất cả những người thân trong gia đình, hàng xóm và bác sĩ đỡ đẻ cho cô đều biết và đều sẵn lòng làm chứng trước tòa. Nhưng tất cả những cái đó đều vô nghĩa khi chứng cứ rõ ràng nhất là kết quả ADN lại đang chống lại cô. Cô cũng chẳng thể tự biện minh vì bản thân cũng chẳng hiểu được chuyện gì đang xảy ra.

Vụ án y khoa hiếm gặp

Vụ án hiếm gặp nhất lịch sử: Nỗi oan sinh con ra nhưng không phải mẹ ruột - 2

Lydia Fairchild bên các con của mình.

Lydia thuê luật sư biện hộ cho mình nhưng không ai nhận. Vì họ biết chắc, họ không thể thắng, kết quả AND đã cho biết điều đó. Sau cùng, Luật sư Alan Tindell “dũng cảm” nhận lời, bởi theo linh cảm ông tin Lydia không phải là kẻ bắt cóc chúng, mà cô chính là mẹ đẻ.

Một tia hy vọng lóe lên khi Alan Tindell tìm thấy một bài viết trên tạp chí  New England Journal of Medicine, có nói đến một trường hợp ở Boston tương tự như của Lydia. Đó là trường hợp của bà Karen Keegan, một bà mẹ 52 tuổi có hai con trai.

Xét nghiệm trước ca ghép thận của Karen cho thấy ADN của bà và bọn trẻ không giống nhau. Bác sĩ ở đó, mặc dù biết chắc chắn rằng không hề có sự giả mạo nào nhưng cũng không thể giải thích nổi điều gì đã diễn ra.

Karen Keegan thực chất đã gặp một vấn đề khá hiếm trong y học gọi là chimerism. Đó là trường hợp hai cá thể song sinh tồn tại trong một cơ thể. Nguyên nhân là do có hai trứng cùng được thụ tinh, nhưng khi ở trong tử cung, đáng lẽ phải phát triển thành hai trẻ song sinh thì chúng lại “hòa lẫn” vào nhau và trở thành một bào thai hoàn hảo duy nhất, nhưng có hai mã di truyền khác nhau - hai chuỗi ADN khác nhau.

Nói một cách khác, Karen là 2 người trong 1 cơ thể và điều đó không thể quan sát bằng mắt thường mà chỉ có thể phát hiện nếu xét nghiệm vật chất di truyền. Đó là lý do ADN trên khắp cơ thể bà lại khác với ADN của các con, nhưng ADN ở tuyến giáp lại giống.

Câu chuyện của Karen đã khiến Lydia có cơ sở thuyết phục quan tòa cho cô thêm thời gian. Luật sư Alan Tindell sau đó đã đệ đơn lên tòa xin hoãn xét xử và được chấp nhận.

Cuối cùng, sau hàng loạt xét nghiệm, bác sĩ kết luận rằng Lydia cũng là một trường hợp chimerism. Trên toàn thế giới chỉ có khoảng 30 trường hợp như vậy được ghi nhận. Hồ sơ vụ án được khép lại với một kết thúc có hậu: Lydia được công nhận là mẹ đẻ của các con cô và được nhận trợ cấp hằng tháng.

Và thời gian sau đó, khi trực tiếp đến quan sát cô sinh đứa con thứ 4 rồi thực hiện xét nghiệm huyết thống, bồi thẩm đoàn mới chính thức "chào thua" khi đứa trẻ sinh ra vẫn không phải con sinh học của Fairchild.

Câu chuyện của Lydia được lưu rất kỹ lưỡng trong hồ sơ xử án của tòa án tiểu bang Washington. Họ xem đây là “một vụ án y khoa” cực kỳ hiếm gặp.

---------------------

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của loạt bài tiếp theo của loạt bài Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN vào 4h ngày 29/7/2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Anh (Theo Family Court Injustice, ABC News) ([Tên nguồn])
Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN