Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan

Khởi tố, truy tố nhưng không buộc tội được, cơ quan tố tụng bèn đình chỉ với lý do “chuyển biến tình hình” để né bồi thường oan.

Người bị oan trong vụ này là anh Trần Hoàng Minh ở ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, Cần Giờ, TP.HCM. Anh Minh bị khởi tố, bắt giam và quy buộc tội trộm cắp. Sau đó, Minh được đình chỉ điều tra nhưng thay vì xác định anh vô tội, cơ quan tố tụng huyện Cần Giờ lại viện dẫn “do chuyển biến tình hình” để đình chỉ nhằm né bồi thường oan.

Đi mua phụ tùng vác theo cây cạy lốp

Ngày 29-9-2013, nhà ông Nguyễn Văn Hoàng (ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, Cần Giờ) bị mất trộm laptop (trị giá 6,8 triệu đồng). Cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Giờ tiến hành điều tra theo đơn trình báo. Cơ quan công an nghi vấn anh Minh là nghi phạm.

Ngày 2-10-2013, anh Minh bị bắt tạm giam khi đang lúi húi sửa xe tại xưởng sửa chữa ô tô do anh làm chủ. Tại cơ quan điều tra (CQĐT), lời khai của anh Minh liên tục thay đổi, nay nhận, mai không, rồi lại nhận. Sau khi thực nghiệm hiện trường xong, Minh liên tục kêu oan (lúc này không có luật sư tham gia). Hơn hai tháng sau, Minh được cho tại ngoại.

Cáo trạng ngày 9-12-2013 của VKSND huyện Cần Giờ (TP.HCM) truy tố anh Minh tội trộm cắp tài sản (nhưng không tìm thấy chiếc laptop tang vật). Theo VKS, sáng 29-9-2013, khách đến tiệm sửa xe ô tô của Minh để sửa bộ phận giảm xóc (thay lá nhíp và các cục cao su giảm xóc). Khoảng 9 giờ 30, sau khi tháo xong nhíp xe, Minh nói với khách là hết cao su giảm xóc, phải đi mua.

Minh chở người em họ (tên Đạt, sinh năm 1998) đi cùng. Trên đường đi, Minh đã tranh thủ ghé vào nhà ông Hoàng (cách chỗ sửa xe của Minh chừng hai cây số) trộm laptop. Minh kêu Đạt cảnh giới, còn mình vòng ra phía sau nhà, leo qua hàng rào, dùng thanh kim loại (dụng cụ nạy lốp ô tô) để cạy cửa sổ và khung sắt. Lẻn được vào nhà, Minh lấy một laptop hiệu Toshiba cùng bộ sạc bỏ vào ba lô rồi về.

Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan - 1

   Anh Trần Hoàng Minh đang trình bày với PV. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Hành vi trộm không còn nguy hiểm cho xã hội (!?)

TAND huyện Cần Giờ từng đưa vụ án ra xét xử vào ngày 18-3-2014. Tại tòa, Minh giữ lời kêu oan và đưa ra các chứng cứ ngoại phạm. Nhân chứng xác nhận thời gian gặp Minh tại xưởng sửa xe trùng với thời gian mà Minh bị cáo buộc trộm.

Tòa hỏi em Đạt (có người giám hộ) về thời gian xảy ra vụ án. Đạt khẳng định bữa đó đi mua linh kiện, còn Minh thì sửa xe cho khách. “Vậy sao con khai là anh Minh chở con đi trộm?” - tòa hỏi. “Con bị mấy chú đánh đau quá, rồi mấy chú hướng dẫn con khai” - Đạt trả lời.

Mẹ của em Đạt cũng trình bày tại tòa rằng bà không hề hay biết con bị công an gọi đến làm việc, không được chứng kiến lấy lời khai. Đồng thời bà cũng nộp cho tòa hồ sơ giấy tờ thể hiện Đạt bị những vết thương ở đầu và lưng.

Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đến ngày 30-12-2014 thì VKSND huyện đình chỉ vụ án vì “xét thấy trong quá trình truy tố, hành vi phạm tội của Minh không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (theo khoản 1 Điều 25 BLHS).

Ngày 14-4-2015 Minh khiếu nại thì được VKSND huyện Cần Giờ trả lời là đã hết thời hiệu. Từ đó đến nay, Minh nhiều lần khiếu nại đến VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM.

Chứng cứ ngoại phạm rõ ràng

Hồ sơ vụ án thể hiện: Các lời khai không nhận tội của Minh thống nhất đến từng chi tiết ngoại phạm. Theo đó: Từ 8 giờ sáng, Minh đã tất bật sửa các loại xe cho khách đã gửi trước đó hoặc mới mang đến. Quá trình sửa, Minh kêu Đạt qua Nhà Bè mua 12 cục cao su nhíp và sáu cục cao su giảm xóc để thay.

Lúc đó, tại tiệm có nhiều người gồm vợ chồng Minh, anh Võ Minh Tấn và một tài xế xe buýt mang xe đến sửa. Trong khi chờ phụ tùng về thì Minh ở nhà sửa xe cho anh Tấn. Sau khi xong thì anh Tấn cho một người khách đang chờ sửa xe trong tiệm quá giang đi ăn cơm (vì xe anh này chưa sửa xong). Sau đó có một người là thanh tra xây dựng xã đến chơi, uống nước. Người khách sửa xe ăn cơm xong quay về. Rồi Đạt mang linh kiện về. Minh gắn nhíp xe vào, có Đạt phụ. Từ đó đến tối Minh còn sửa thêm nhiều xe. Cuối ngày thì ở nhà, không có đi đâu.

Nhân chứng Võ Minh Tấn và em Đạt đều khai sự ngoại phạm của Minh giống như những gì Minh khai.

Trong khi đó, các lời khai nhận tội lại liên tục có sự khác biệt. Về mục đích phạm tội, lúc thì Minh khai lấy trộm về bán để tiêu xài, lúc thì lấy trộm về để chơi game. Về nguyên nhân phạm tội, lúc thì Minh khai khi uống cà phê gần đó có quan sát thấy phía sau có thể đột nhập được nên chở theo Đạt để trộm, lúc thì khai tình cờ đi ngang thấy đóng cửa nên nảy sinh ý định…

Vật dụng dùng để nạy cửa đột nhập thu giữ tại tiệm sửa xe của Minh là dụng cụ dùng để nạy lốp ô tô. Thực nghiệm hiện trường cho thấy không thể dùng cái này để nạy cửa nhà ông Hoàng được. Ngoài ra, thực nghiệm hiện trường cũng cho thấy Minh không thể chui qua cánh cửa sổ. Mất khoảng một tiếng mà Minh vẫn chưa diễn hết các hành vi.

Chuyển biến là chuyển biến cái gì?

Trong đơn kêu oan, Minh yêu cầu cơ quan chức năng điều tra các dấu hiệu dùng nhục hình xảy ra tại CSĐT và hành vi thiếu trách nhiệm đối với hai người đứng đầu CQĐT và VKS huyện này. Minh nêu: “Tôi bị đánh nên buộc phải nhận tội…”.

Có lẽ không quá khó để nhận ra Minh bị oan trong vụ này. Nhưng vì sao Minh không được đình chỉ với lý do không phạm tội mà lại viện dẫn điều luật là “do chuyển biến của tình hình”? Trong vụ này, chẳng có tình hình nào chuyển biến cả, ngoại trừ tình hình không thể nào kết tội được Minh, vì sự thật Minh không có hành vi trộm cắp.

Ngày 14-10, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ VKSND TP.HCM để làm rõ có phải việc đình chỉ như vậy là để né bồi thường oan hay không. Ông Trần Kiến Xương - Chánh Văn phòng VKSND TP.HCM, người phát ngôn của viện này - cho biết sẽ yêu cầu VKSND huyện Cần Giờ báo cáo, sẽ có câu trả lời trong thời gian sớm nhất, đảm bảo việc xử lý, giải quyết khách quan, đúng pháp luật.

Thế nào là chuyển biến tình hình?

Khái niệm “chuyển biến của tình hình” phải được xác định là yếu tố khách quan đối với vụ án chứ không phải do cơ quan tố tụng hoặc người phạm tội đặt ra.

“Chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” được hiểu là do chính sách xử lý về pháp luật hình sự có thay đổi theo hướng hành vi sai trái đã bị khởi tố, điều tra, truy tố không còn đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc không còn quy định là tội phạm. Ví dụ trước đây hành vi trộm cắp mà trị giá tài sản từ 500.000 đồng trở lên thì đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng với quy định mới của pháp luật hình sự hiện nay, trị giá tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu không có yếu tố này thì không thể đình chỉ vụ án trộm cắp vì chuyển biến của tình hình, hành vi không còn nguy hiểm…

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Lúc ấy Minh đang sửa xe cho tôi

Tôi nhớ hôm đó trời mưa lớn. Khoảng 8 giờ, tôi đến lấy xe gửi sửa từ trước. Khi đó, anh Minh đang sửa xe cho một người khách khác. Do gấp nên tôi nhờ anh Minh ưu tiên làm xe tôi trước. Gần hai tiếng, anh Minh miệt mài sửa xe cho tôi. Đến gần 10 giờ thì xong, tôi lấy xe về thì anh Minh quay lại sửa chiếc xe kia. Trời vẫn còn mưa lớn. Tòa mời tôi cũng khai vậy.

Nhân chứng VÕ MINH TẤN, khách sửa xe tại thời điểm Minh bị cáo buộc trộm laptop

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Loan (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN