VKS rút kinh nghiệm cách giải quyết 1 vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 96 tỉ đồng
Bị cáo khai đã trả nợ và tiêu xài hết số tiền chiếm đoạt nhưng cơ quan điều tra không làm rõ bị cáo trả nợ cho ai, xài vào việc gì để có biện pháp thu hồi tài sản cho bị hại.
Vừa qua (25-4), VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Nguyễn Lê Giang và Đàm Thị Quyên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, Nguyễn Lê Giang nguyên là cán bộ công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường nên hiểu và nắm được quy hoạch trên địa bàn. Giang đã đưa ra thông tin về việc bản thân mình có thể mua được đất tại các mặt bằng quy hoạch với giá thấp hơn giá thị trường, làm cho nhiều môi giới bất động sản và các cá nhân tin tưởng, đưa tiền hoặc nhận tiền của người khác đưa cho bị cáo để đặt cọc mua đất.
Bị cáo Nguyễn Lê Giang tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: ĐT
Trên thực tế, Giang không có khả năng mua được đất tại các mặt bằng quy hoạch trên địa bàn TP Thanh Hóa như đã hứa, nhưng vẫn làm hợp đồng và nhận tiền, sử dụng vào mục đích tiêu dùng và trả nợ cá nhân, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 96 tỉ đồng. Để thực hiện hành vi của mình, Giang đã liên kết với Đàm Thị Quyên, Lê Thị Hồng (mẹ Giang) và hai người nữa làm hợp đồng mua bán đất và thu tiền của những người có nhu cầu mua đất...
Xử sơ sơ thẩm hồi tháng 2-2023, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt Giang tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, chức; Quyên 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, toà buộc Giang trả tiền cho bị cáo Quyên, người liên quan và bị hại trong vụ án.
Theo VKSND Cấp cao tại Hà Nội, bà Hồng có dấu hiệu đồng phạm với Giang để chiếm đoạt tiền của các bị hại... Tòa sơ thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và kiến nghị trong bản án làm rõ vai trò của bà Hồng nhưng CQĐT, VKS chưa điều tra, giải quyết theo pháp luật.
Cạnh đó, một số người trực tiếp bị thiệt hại bởi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại được toà sơ thẩm xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Những người này phải được xác định là bị hại theo khoản 1 Điều 62 BLTTHS để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong cùng vụ án.
Trong quá trình điều tra, những người bị thiệt hại khai còn có hai người đưa ra thông tin gian dối, cung cấp hồ sơ quy hoạch tại các mặt bằng trên địa bàn TP Thanh Hóa, còn dẫn những người nộp tiền đến xem mặt bằng. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ hành vi nhận tiền của hai người này có yếu tố đồng phạm giúp sức hay không mà lại tách ra để giải quyết khi có tin báo tố giác tội phạm là trái quy định về tách vụ án.
Cạnh đó, vụ án có 31 bị hại và 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bị chiếm đoạt hơn 96 tỉ đồng, là số tiền đặc biệt lớn. Bị cáo Giang khai đã trả nợ và tiêu xài hết số tiền này. Tuy nhiên, quá trình điều tra không làm rõ Giang đã sử dụng tiền để trả nợ ai, tiêu xài vào việc gì để có biện pháp thu hồi tài sản là điều tra chưa đầy đủ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại...
Vì nhầm lẫn vị trí, bán nhầm thửa đất tại Đắk Nông nên một công dân ở TP.HCM bị bắt giam oan hơn bốn năm rưỡi; từ giám đốc doanh nghiệp giờ ông phải đi làm bảo vệ.
Nguồn: [Link nguồn]