Viết tiếp về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình

Và trong khi tất cả đang căng lên như dây đàn thì đột nhiên “con cá lớn” Nguyễn Văn Tình lại “nổi tăm” ở làng Bùn, Yên Quang, Kỳ Sơn.

Trong những chuyên án phải truy lùng, đón bắt trên địa bàn rừng rú như thế này, yếu tố quan trọng nhất là nhận định chính xác được hướng di chuyển, lần theo được hành tung đối tượng. Ai đã từng lên Tây Bắc rồi sẽ hiểu. Giữa mênh mông bạt ngàn rừng núi, chỉ riêng việc quyết định bố trí chốt chặn ở đâu, đón lõng khu vực nào cho hiệu quả đã là một “kiệt tác” của những vị chỉ huy lão luyện, tài giỏi.

Việc Thọ “sứt” sa lưới ở Hải Dương lại càng thêm khẳng định cho những nhận định, phán đoán trước đó hoàn toàn chuẩn xác.

Biết rằng Tình có nhiều “duyên nợ” với Sơn La, song từ Thanh Oai ra đến Hà Đông là địa bàn của Hà Nội. Muốn đi QL6 lên được Sơn La còn phải qua địa bàn Hòa Bình. Thậm chí nơi Tình bị bắt, tuy rằng giáp ranh Vân Hồ, nhưng là nằm trên địa bàn một xã miền núi của Mai Châu, Hòa Bình?

Nhưng chủ trương của Ban Giám đốc và anh em trên Sơn La là phải chặn từ xa mạnh để Tình dù có muốn vọt lên Sơn La thì cũng phải thấy sợ mà chùn bước lại. Để các lực lượng của Bộ và công an các địa phương, lực lượng phối hợp bắt được ở tuyến dưới là tốt nhất. Chứ một khi đối tượng đã vượt lên đến Vân Hồ, Mộc Châu rồi thì sẽ rất khó lường. Chỉ cần một cú băng rừng là có thể thoát.

Viết tiếp về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình - 1

Khai thác nhanh tử tù Nguyễn Văn Tình khi vừa được đưa xuống núi

Và thực tế cũng cho thấy, điểm mà tử tù Nguyễn Văn Tình bỏ quốc lộ, giấu xe máy ở suối và trốn lên lán nương chờ cơ hội đào thoát chỉ cách chốt chặn cửa rừng già giáp ranh Vân Hồ - Mai Châu hơn 1 cây số.

Dựa trên phương pháp tư duy và quan điểm chỉ đạo như vậy, tính cho đến khi bắt được đối tượng, CA tỉnh Sơn La đã huy động hơn 500 quân. Trong đó CA Mộc Châu 100% quân số. Công an Vân Hồ 100% quân số. Chỉ trừ những đội hình trực và quản lý giam giữ thì ở nhà. Còn lại là chia theo các cánh đón lõng và kiểm soát mặt đường.

Quân số được huy động của 5 huyện bao gồm CA thành phố Sơn La, CA huyện Mộc Châu, CA huyện Vân Hồ, CA huyện Mai Sơn, CA huyện Phù Yên và 9 phòng nghiệp vụ CA tỉnh. Các lực lượng được triển khai theo 3 nhóm nhiệm vụ, đều có liên quan đến địa bàn và lĩnh vực phụ trách cả.

Nhóm 1 là nhóm tuần tra kiểm soát công khai dựa trên những phân tích, nhận định tuyến đường mà đối tượng có thể đi qua. 10 điểm tuần tra kiểm soát, đón lõng công khai được thiết lập. Điểm thứ nhất là tại khu vực rừng già giao cắt giữa Hòa Bình với Sơn La, là địa bàn giáp ranh giữa Vân Hồ của Sơn La với Mai Châu của Hòa Bình. Mũi này được xác định là chủ đạo, được huy động cỡ 100 quân.

Điểm thứ 2 là điểm nếu đi từ dưới đấy lên, nhìn bên phải đường có cây xăng thì rẽ bên trái vào là đường đi Hang Kia - Pà Cò.

Nếu qua điểm 2 rồi đi thẳng lên phía trên thì nhìn bên đường có cây xăng A Phương sẽ là điểm chốt thứ 3. Chỗ đấy có một đường tắt đi qua núi, sang được khu vực các bản Lũng Xá - Tà Dê.

Viết tiếp về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình - 2

Tất cả các ngả đường đều được kiểm soát chặt chẽ

Điểm thứ 4 là điểm đầu đường ở bản Lóng Luông. Từ bản Lóng Luông có đường ô tô đi tắt khoảng 6km cũng vào được Lũng Xá - Tà Dê.

Điểm số 5 đóng ở chỗ đường giao cắt với tỉnh lộ 102, tức là đầu đường đi sang bản Lũng Xá - Tà Dê. Từ đấy đi xuống Hang Kia - Pà Cò cũng chỉ 17 cây số. Đây là điểm giao cắt đầu trên với đường 102, là đầu đường ô tô có thể vào được Lũng Xá - Tà Dê. Từ CA huyện Vân Hồ đi vào điểm này khoảng chừng 8 đến 9 cây số.

Điểm số 6 giao cho tổ đón chặn ở đầu đường 102 giao cắt với đường đi vào cửa khẩu Lóng Sập, thuộc địa phận xã Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu. Đón chặn đường này để nếu trường hợp các đối tượng có ý định đi vào cửa khẩu Lóng Sập,  chặn ý đồ qua bên kia biên giới của chúng.

Điểm số 7 giao cho tổ đón lõng ở ngã ba Mường Khoa nằm trên QL 43. Từ Mộc Châu qua trạm liên ngành cũ, đi qua phà Vạn Yên đi Phù Yên. Đề phòng đối tượng đi từ phía Bắc Yên - Phù Yên sang thì sẽ đi đường này, sau đó cắt xéo qua địa bàn huyện Vân Hồ để vào Lũng Xá - Tà Dê.

Tổ số 8 được giao chốt chặn ở ngã ba Gia Phù giao cắt giữa QL 43 và QL 37, do Công an huyện Phù Yên đảm nhiệm.

Tổ số 9 kiểm soát ở bến phà Vạn Yên. Phà mùa này nước lớn. Có lúc thì phà đi nhưng thường là nhân dân đi thuyền ngang, thuyền chợ rất nhiều. Tổ này giao cho CA huyện Mai Sơn đảm nhiệm.

Và tổ số 10 là điểm giao cắt giữa QL 37 và QL6, hay còn gọi là ngã ba Cò Nòi. Tổ này cũng giao cho CA huyện Mai Sơn.

Viết tiếp về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình - 3

Các lực lượng chức năng của Công an tỉnh phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến QL6.

Với 10 tổ tuần tra kiểm soát công khai này, điểm chốt chặn kiểm soát nằm trong địa giới hành chính của huyện nào thì huyện đó phải đảm nhiệm, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CA tỉnh. Và lệnh là phải làm thật gắt gao. Kiểm tra tất cả người đi bộ, xe máy, kể cả ô tô tải, ô tô thùng cũng mở thùng kiểm tra hết.

Như những xe khách đi qua, ban đêm hành khách ngủ thì CSGT dừng xe và mỗi xe ít nhất là 4 trinh sát lên, thông báo rất lịch sự, nhẹ nhàng xin lỗi các ông các bà, các anh các chị, chúng tôi làm nhiệm vụ, xin bà con các anh các chị rất thông cảm và vui lòng mở chăn, mở khẩu trang để anh em làm nhiệm vụ. Mỗi anh em đi ca chốt chặn đều có một bức ảnh màu của đối tượng lưu vào máy điện thoại. Ngoài ra các chốt còn có ảnh được in phóng ra cầm ở tay nếu dùng ban ngày.

Những hôm ấy lại đúng ngày bão và hoàn lưu, có những chốt mưa to, mưa tầm tã. Một hai ngày đầu chỉ huy các chốt bố trí cho anh em thay phiên nghỉ ngơi và gọi cơm hộp mang đến. Nhưng sau đó, thấy không ổn vì chưa biết cuộc ra quân này còn kéo dài bao lâu, Đại tá Phùng Tiến Triển chỉ huy sở chỉ huy tiền phương bèn quyết định cho huy động lực lượng chiến sĩ nữ tổ chức đi chợ nấu cơm đem ra cho anh em. Chốt chặn trên địa bàn nào hậu cần huyện ấy phải lo. Như riêng ở Vân Hồ, quân số huy động đã gần 200.

Ở các chốt, ca nào trực thì bám mặt đường. Còn lại chia nhau lên các xe thùng, vào nhà dân quanh đấy nghỉ nhờ. Bà con ở Sơn La cũng thật tuyệt vời. Biết anh em đang vất vả truy bắt tội phạm nguy hiểm nên cũng tạo điều kiện hết mức. Trả tiền không lấy. Công tác hậu cần tạm thời coi như xong.

Đối với 2 nhóm công tác khác không công khai thì một trong những nhiệm vụ là đảm bảo an ninh cho hai đồng chí điều tra viên và kiểm sát viên như đã nói ở bài trước, đều đang ở Sơn La, đã từng bị các đối tượng điều động chân tay, đàn em lên với mục tiêu sát hại nhưng không thành. Đó là những người nằm trong tuyến phải được bảo vệ. Lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Sơn La và Công an thành phố Sơn La được giao lo việc này.

Ngoài ra còn phải bám nắm các đối tượng nổi cộm thường có quan hệ vào trong Lũng Xá - Tà Dê với đối tượng Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận. Việc này giao cho Công an 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ đảm nhiệm.

Bên cạnh đó, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cũng đã trực tiếp báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và đề xuất với lực lượng biên phòng tỉnh trên tinh thần sẵn sàng phong tỏa khu vực đường biên thuộc địa bàn hai đồn biên phòng 469 - cửa khẩu Lóng Sập thuộc Mộc Châu và đồn biên phòng 473 - cửa khẩu Tân Xuân thuộc Vân Hồ để đề phòng đối tượng vọt sang bên kia biên giới...

Viết tiếp về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình - 4

Trinh sát thể hiện lại phương án phục bắt Nguyễn Văn Tình.

Và trong khi tất cả đang căng lên như dây đàn thì đột nhiên “con cá lớn” Nguyễn Văn Tình lại “nổi tăm” ở làng Bùn, Yên Quang, Kỳ Sơn. Việc Tình xuất hiện ở đây thực ra cũng không phải nằm ngoài dự đoán. Chỉ có điều, Công an Sơn La còn chưa kịp ăn mừng vì ý đồ phòng ngừa, đánh chặn ban đầu tưởng như thành công mà giải giáp ra về thì chẳng lâu sau đã nhận ngay tin xấu: Tình đã thoát khỏi vòng vây và tiếp tục chạy lên hướng Tây Bắc!

Về sau này, khi đã bắt được Tình, qua khai thác sơ bộ mới hay, lợi dụng sơ hở của lực lượng vây bắt và trời mưa tầm tã, lại vốn là nơi quê ngoại thông thuộc địa hình, Tình đã men theo các tuyến đường liên thôn, liên xã, một mình một xe máy lẻn ra được QL6 để thoát lên Mai Châu. Khi ra đến đường lớn, mỗi lần đi qua chốt chặn tuần tra kiểm soát, Tình lại cố tình chờ nép sát theo những xe tải cồng kềnh để thoát khỏi tầm kiểm soát từ xa và sau đó vọt qua ngay dưới trời mưa to với áo mưa và mũ bảo hiểm trùm kín.

Đến chiều 16-9, thông tin về việc các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương bắt được tử tù Thọ “sứt” phần nào lấy lại sĩ khí cho anh em, nhưng lại cũng là một áp lực đè nặng lên vai những người chỉ huy và anh em cánh trên này. Bằng mọi cách phải bắt được tử tù Nguyễn Văn Tình. Đó là mệnh lệnh tối cao lúc này.

Mẻ lưới cuối cùng cũng được xác định, khi có tin Nguyễn Văn Tình đã bỏ xe máy, trốn lên một lán nương trên địa phận xã Tân Sơn để chờ người đến đón. Tân Sơn là một xã vùng cao của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Phía bắc giáp Chiềng Yêng của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Phía nam giáp xã Bao La, phía đông giáp Đồng Bảng, phía tây giáp xã Pà Cò, đều thuộc huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình.

Một tổ công tác đặc biệt với thành phần được tuyển chọn kỹ càng, thông thạo đường rừng và các phương án tác chiến trong rừng, từng kinh qua nhiều chiến trận được cấp tốc triệu tập. Thực ra thì với Công an tỉnh Sơn La, họ chẳng xa lạ gì bởi suốt nhiều năm nay đó vẫn là thành phần nòng cốt của tổ công tác đặc biệt nằm trong chuyên án của Phương án 279 khét tiếng chuyên triệt phá các ổ nhóm, đối tượng, tội phạm ma túy truy nã trên địa bàn.

10 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn, trong đó có 7 của Sơn La, 2 của Hòa Bình và 1 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an được lệnh tập trung tại sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Tân Sơn. Phương án tác chiến được vạch ra nhanh chóng. Tinh thần anh em được quán triệt đầy đủ: Phải bắt sống và đảm bảo an toàn nhất có thể. Lúc này là 9h tối, ngày 16-9-2017.

(Còn tiếp)

Chuyện chưa kể về cuộc truy lùng tử tù Nguyễn Văn Tình

Tình “gắn” với Sơn La là bởi trước khi bị bắt, hắn có thời gian hơn 1 năm lưu trú trong khu vực xã Tà Dê cùng với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Ba (Công an nhân dân)
Hai tử tù trốn khỏi trại giam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN