Vì sao triệu tập vợ cựu giám đốc Công an Đồng Nai?
Bà Hồng được cho là có mối quan hệ thân thiết với giám đốc doanh nghiệp, người đã chỉ đạo giang hồ tới chặn xe, dằn mặt một số cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai.
Nhóm giang hồ vây chặn xe chở công an xảy ra vào ngày 12/6
Liên quan đến vụ án gây rối trật tự công cộng do Nguyễn Tấn Lương và Ngô Đình Giang (còn gọi Giang 36) làm chủ mưu, cơ quan điều tra Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) triệu tập bà Nguyễn Thị Hồng, vợ đại tá Huỳnh Tiến Mạnh- cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, vừa bị Bộ Công an cách chức vì có nhiều sai phạm.
Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, cơ quan chức năng triệu tập bà Hồng nhằm làm rõ một số vấn đề phục vụ điều tra liên quan vụ gây rối trật tự công cộng do hai đối tượng Nguyễn Tấn Lương và Ngô Đình Giang (Giang 36) cầm đầu xảy ra tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa ngày 12/6.
Công an xác định vào thời điểm xảy ra vụ nhóm giang hồ do Giang 36 cầm đầu (được Nguyễn Tấn Lương điều đến) chặn xe chở một số cán bộ công an, đã có nhiều cuộc gọi qua lại từ số điện thoại của bà Hồng và số điện thoại của Nguyễn Tấn Lương. Cơ quan điều tra triệu tập bà Hồng nhằm xác định nội dung này, ngoài ra, cũng làm rõ mối quan hệ xã hội giữa bà Hồng và Nguyễn Tấn Lương.
Ngày 12/6, tại nhà hàng Lâm Viên (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả giữa nhóm Nguyễn Tấn Lương (37 tuổi, giám đốc Cty Phú Gia Lương có địa chỉ tại TP Biên Hòa) với một số người, trong đó có môt số cán bộ công an tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Lương gọi điện cho Giang 36. Giang điều hàng chục thanh niên xăm trổ đến nhà hàng Lâm Viên chặn ô tô, trên xe có trung tá Nguyễn Quang Trường và trung tá Đinh Tú Anh là cán bộ thuộc Phòng Quản lý hành chính và Trật tự xã hội Công an Đồng Nai cùng đại tá Nguyễn Bảo Hùng, cán bộ công an đã nghỉ hưu.
Công an TP Biên Hòa và Công an tỉnh Đồng Nai đã điều lực lượng đến xử lý, tuy nhiên nhóm giang hồ vẫn chặn xe suốt nhiều giờ gây mất an ninh trật tự. Đích thân một phó trưởng phụ trách Công an TP Biên Hòa đến chỉ huy lực lượng công an làm nhiệm vụ nhưng gần như chỉ để... điều đình cho đến khi nhóm giang hồ tự rút lui. Sự việc này đã khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao lực lượng công an với đầy đủ quyền hạn lại không thể trấn áp được băng nhóm giang hồ. Liên quan vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can gồm: Nguyễn Tấn Lương, Ngô Đình Giang, Nguyễn Duy Kỷ (“Tuấn nhóc”) và Mai Văn Căn.
Nguyễn Tấn Lương - nhân vật chủ chốt trong vụ án này là chủ một doanh nghiệp chuyên về xây dựng tại TP Biên Hòa. Gần đây, công ty của Lương nổi lên khi nhận được hợp đồng xây dựng nhiều dự án công. Trong quan hệ xã hội, Lương được biết có mối quan hệ mật thiết với một số cán bộ tỉnh và TP Biên Hòa, đặc biệt là ông Huỳnh Tiến Mạnh, cựu giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và vợ ông Mạnh là bà Nguyễn Thị Hồng.
Trước ngày xảy ra vụ việc ẩu đả tại nhà hàng Lâm Viên, Nguyễn Tấn Lương xuất hiện trong sinh nhật bà Hồng trong vai trò là “người em thân thiết”. Một khu đất tại phường Thống Nhất đang được Lương san lấp làm dự án dân cư. Lương “bắn tiếng” dự án có cổ phần của bà Hồng. Không biết quan hệ của Lương mạnh cỡ nào, nhưng người dân ở khu vực này không khỏi thắc mắc trước việc con đường của khu phố trước đây đi giữa khu đất dự án của Lương, sau đó đã “biến mất” để thay bằng lối đi khác. Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi mới biết con đường đã được “hoán đổi” để khu đất được liền thửa. Đóng “hụi” để được “bao đường”
Trong giới kinh doanh vận tải ở Đồng Nai, từ nhiều năm nay đã theo luật ngầm, các doanh nghiệp vận tải đều phải biết việc đóng “hụi chết” để được thuận lợi. Anh Th, có một số đầu xe tải cho biết hầu hết các nhà xe đều phải chung chi theo quý cho một nhân vật được gọi là em “chị H”. Việc chung chi ban đầu theo tháng, sau đó “chị H” yêu cầu nộp theo quý, rồi 6 tháng. Dù đã đóng “hụi chết”, nhưng theo “luật” “chị H” chỉ “bao” trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. “Năm rồi chị H quyết định thu theo năm, tuy nhiên nhà xe phản ứng vì phải chung quá lớn, nên hiện vẫn đang đóng ở mức 6 tháng”- anh Th nói.
Tại TP Long Khánh, giới vận tải phải chung cho “chị B” được thông tin là người nhà của ông Mạnh. Sau khi ông Mạnh bị cách chức, nhiều nhà xe ở Long Khánh hoang mang khi “hụi chết” đã đóng cho đến cuối năm, nhưng việc “bao đường” không còn tác dụng.
Trước khi giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Tiến Mạnh giữ các chức vụ chủ chốt tại Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai: Đội phó trạm CSGT Dầu Giây, Đội trưởng đội CSGT QL51; Phó và sau đó là Trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai... |
Ngoài việc điều tra hành vi gây rối, công an tiếp tục làm rõ dấu hiệu trốn thuế và tranh giành, lấn chiếm đất công,...