Vì sao Huyền Như thực hiện trót lọt hành vi phạm tội?
Bào chữa cho bị cáo Huyền Như, 3 vị luật sư đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc "siêu lừa" thực hiện trót lọt hành vi phạm tội như: Việc mê lãi suất cao của nguyên đơn dân sự, người bị hại; sự quản lý lỏng lẻo của VietinBank Chi nhánh TP HCM; áp lực tín dụng đen...
Bào chữa cho bị cáo Huyền Như, 3 vị luật sư đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc "siêu lừa" thực hiện trót lọt hành vi phạm tội như: Việc mê lãi suất cao của nguyên đơn dân sự, người bị hại; sự quản lý lỏng lẻo của VietinBank Chi nhánh TP HCM; áp lực tín dụng đen...
Sau khi VKSND TP HCM đề nghị mức án tù chung thân đối với "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như, 3 luật sư gồm: Nguyễn Tiến Hùng, Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Nguyễn Văn phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc "siêu lừa" thực hiện trót lọt hành vi phạm tội.
Lòng tham
“Xét một cách toàn diện đối với vụ án này, tôi cho rằng, các bị cáo, bị hại đều có những điểm chung là lòng tham và sự cả tin. Một số bị cáo không thu được bất kỳ lợi ích vật chất nào thì liên đới bởi sự vị nể và không nhìn thấy trước hậu quả có thể xảy ra. Các bị hại đa phần đều bị chiếm đoạt tài sản bởi ham muốn thu về những lợi ích kếch xù, sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc cơ bản nên bị cáo Như mới dễ dàng qua mặt”, luật sư Nguyễn Tiến Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) – người bào chữa cho bị cáo Huyền Như – phát biểu.
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cũng viện dẫn phần xét hỏi của HĐXX đối với bị cáo Huyền Như để làm rõ nguyên nhân khiến nhiều đơn vị, cá nhân dễ dàng tin tưởng mà gởi tiền cho Như.
Trước đó, HĐXX từng hỏi: “Bị cáo có cách nói thế nào mà nhiều người tin tưởng giao tiền cho bị cáo như thế?”. Huyền Như đáp: “Bị cáo chỉ nói bình thường thôi, tự người ta tin. Với lại, chắc do lãi suất hấp dẫn”.
Luật sư Quỳnh Thi cũng cho biết theo Như khai, tại thời điểm ngân hàng quy định mức lãi suất huy động tối đa không quá 14%/năm thì Như sẵn sàng trả thêm lãi suất chênh lệch (trả tiền mặt ngay khi gửi tiền) 5-7%/năm. Hoặc đơn cử như khi đề nghị công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya gửi tiết kiệm, trong khi hợp đồng chính thức chỉ là 14%/năm nhưng Huyền Như thỏa thuận trả chênh lệch thêm 16-18%/năm (tức lãi suất tổng cộng 32-36%/năm)…
“Xuất phát từ việc tham lãi suất cao, muốn thu lợi bất chính nên nhiều cá nhân, đơn vị đã tạo điều kiện cho Như lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền này”, luật sư Quỳnh Thi nói.
Nạn nhân của tín dụng đen
Ngoài ra, luật sư Hùng còn đưa ra nhiều số liệu nhằm chứng minh bị cáo Như là nạn nhân của hành vi cho vay lãi nặng, là người bị chiếm đoạt khoảng 3.000 tỉ đồng.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng khẳng định Huyền Như là nạn nhân của tín dụng đen.
“Dưới áp lục của tín dụng đen, bị cáo Huyền Như không muốn tai tiếng, không muốn ảnh hưởng đến gia đình, ảnh hưởng đến tính mạng nên bị cáo chấp nhận vay tiền của chính những người cho vay nặng lãi để trả cho người cho vay nặng lãi. Từ đó, Như lao vào con đường lừa đảo hết nơi này đến nơi khác, khoản tiền chiếm đoạt sau trả cho khoản tiền chiếm đoạt trước. Và niềm an ủi và "tài sản" lớn nhất của Như lúc đó là "niềm hy vọng". Hy vọng bất động sản và chứng khoán có lãi để bị cáo trả nợ”, luật sư Ngoan nói.
Sự quản lý lỏng lẻo của VietinBank
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng cần xem xét các yếu tố khách quan là tác động trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến hành vi phạm tội được thực hiện trót lọt của Huyền Như.
“Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều nghìn tỉ đồng đã được chuyển đi và rút ra bất hợp pháp dễ dàng. Huyền Như giả mạo chứng từ, rút tiền gửi tại Ngân hàng Công thương quá dễ dàng, hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào. Đây mới là nguyên nhân chính giúp Huyền Như thực hiện được hành vi chiếm đoạt”, luật sư Quỳnh Thi nhấn mạnh về sự quản lý cán bộ và kiểm soát tín dụng của VietinBank quá lỏng lẻo.
Luật sư Quỳnh Thi liên tục đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Như vậy, đề nghị HĐXX xác định yếu tố khách quan tác động đến ý thức chủ quan và hành vi phạm tội của bị cáo Như chính là công tác giám sát nội bộ của Vietinbank như thế nào? Cơ cấu tổ chức bộ máy và dây chuyền hoạt động, các đại diện của các văn phòng, chi nhánh hoạt động như thế nào mà để cá nhân Huyền Như có thể lũng đoạn được cả dây chuyền mà toàn bộ những nhân viên làm cùng không phát hiện ra được”.
Từ đó, luật sư Thi cũng đề nghị “xem xét trách nhiệm này phải thuộc về những người đứng đầu ngân hàng chứ không phải mỗi cá nhân người phạm tội là bị cáo Huyền Như”.
Ngoài ra, các luật sư bào chữa cho Huyền Như cũng đã nêu ra các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo.