Vì sao cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín bị bắt?

Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bảy người nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).

Tối 10-1, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bảy người nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Trong số này có ông Hoàng Văn Toàn, nguyên chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín.

Những người này bị khởi tố do liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ngân hàng Đại Tín được thành lập từ năm 1989 với tên gọi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Rạch Kiến. Từ năm 1990 đến 2005, TrustBank tiếp tục hoạt động dưới mô hình ngân hàng nông thôn và duy trì ổn định, bước đầu có tăng trưởng.

Đến ngày 17-8-2007, Ngân hàng Đại Tín chính thức ra đời, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Ngân hàng Nông thôn Rạch Kiến được chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị.

Vì sao cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín bị bắt? - 1

Ông Hoàng Văn Toàn, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín

Cũng từ thời điểm này, ông Hoàng Văn Toàn giữ vị trí chủ tịch HĐQT TrustBank; ông Trần Sơn Nam, thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc.

Dưới sự lãnh đạo của ông Toàn và ông Nam, từ một ngân hàng cỡ nhỏ đến năm 2011 tổng tài sản TrustBank đã lên tới 27.130 tỉ đồng, tăng 26 lần so với thời gian chuyển đổi mô hình. Huy động vốn đạt 11.173 tỉ đồng, tăng 37 lần và dư nợ cho vay đạt 11.810 tỉ đồng, tăng gần 15 lần so với năm 2007.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng về tình hình ngân hàng trước khi chuyển giao cho ông Phạm Công Danh (chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh lúc đó), thực chất TrustBank lúc này đang bị âm vốn chủ sở hữu lên tới 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỉ đồng.

Ông Toàn và ông Nam nắm vai trò lãnh đạo hội đồng tín dụng của Ngân hàng Đại Tín khi đó đã cấp tín dụng cho vay trái quy định với hàng loạt hợp đồng, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của ngân hàng.

Ngân hàng Đại Tín sau đó được bán lại gần 85% cổ phần với giá 4.500 tỉ đồng cho ông Hà Văn Thắm. Đến đầu tháng 10-2012, ông Thắm bán ngân hàng trên lại cho ông Phạm Công Danh (chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh lúc đó) với giá hơn 4.600 tỉ đồng.

Tiếp đó TrustBank được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng (VNCB). Đến thời điểm Phạm Công Danh bị khởi tố, vốn chủ sở hữu tại VNCB đã âm 18.469 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 38.000 tỉ đồng.

Theo kết luận của NHNN, từ tháng 7-2012, với sở hữu gần 85% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín, nhóm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này nhằm mục đích phục vụ cho bà Phấn và các công ty, sân sau các dự án để rút ruột hàng ngàn tỉ đồng…

Đến đầu năm 2015, NHNN quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần. NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB.

Ngân hàng Xây dựng lên tiếng

Liên quan đến thông tin cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam, Ngân hàng Xây dựng đã chính thức lên tiếng.

Theo đó, ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam đã có quyết định bãi nhiệm chức vụ và không còn công tác tại Ngân hàng Xây dựng từ đầu năm 2013. Việc khởi tố và bắt giam các cá nhân trên thuộc phạm vi điều tra vụ án liên quan đến Ngân hàng Đại Tín, không có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Xây dựng. Hiện tại NHNN Việt Nam đang trình Chính phủ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng theo hướng Vietcombank sẽ trực tiếp tham gia và hỗ trợ mạnh mẽ Ngân hàng Xây dựng thực hiện tái cơ cấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TP.HCM)
Xét xử 6 đại án tham nhũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN