Vì sao có chuyện lạ đời, bị hại kêu oan cho bị cáo?
Trong các mô hình tháp ảo của kinh doanh đa cấp biến tướng (bản chất là huy động vốn trái phép), nạn nhân có tâm lý e ngại việc tố giác tội phạm sẽ liên đới đến mình, vì bản thân cũng ít nhiều dính dáng đến hành vi phạm tội đó.
Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án chung thân đối với tiến sĩ ''dạy làm giàu'' Phạm Thanh Hải, cựu chủ tịch Công ty IDT, chủ trang mạng hoclamgiau.vn, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án được xác định có hơn 500 bị hại với tổng số tiền thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.
Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận bởi có một nhóm bị hại liên tục kêu oan cho bị cáo Hải trong nhiều năm.
Những người này cho rằng họ hoàn toàn tin tưởng Hải, tin rằng đồng tiền họ đưa cho Hải đầu tư sẽ có lời và nếu như bị cáo không bị bắt chắc chắn bị cáo sẽ trả tiền cho họ đầy đủ. Trong phiên tòa sơ thẩm vừa diễn ra, nhóm bị hại này liên tục vỗ tay khi bị cáo bước vào phòng xử hoặc sau các lời khai của bị cáo.
Đám đông trước cổng tòa kêu oan cho Phạm Thanh Hải khi TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo. Ảnh: BT
Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó lý giải chuyện có một nhóm người kiên trì ủng hộ bị cáo, sẵn sàng tin vào mức lợi nhuận 40%-50%, thậm chí cao hơn.
Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an, cho biết trong thực tiễn tố tụng hình sự, thỉnh thoảng lại có vụ án mà bị hại đi kêu oan cho bị can, bị cáo như vụ án này, hay vụ án Hsu Minh Jung (tức Saga, quốc tịch Đài Loan), cựu tổng giám đốc Công ty Khải Thái.
Nguyên nhân khiến nạn nhân bao che cho người phạm tội trong trường hợp này là vì nhiều người nhận thức rằng nếu để chủ doanh nghiệp bị đi tù, đồng nghĩa với việc khoản tiền đã đóng vào công ty của họ sẽ mất trắng.
Để “ông chủ” bên ngoài xã hội thì còn có cơ hội mà đòi lại số tiền đã đầu tư. Hơn nữa, trong các mô hình tháp ảo của kinh doanh đa cấp biến tướng (bản chất là huy động vốn trái phép), chính nạn nhân không muốn tố cáo người phạm tội là vì tâm lý e ngại việc tố giác tội phạm sẽ liên đới đến mình, vì bản thân cũng ít nhiều dính dáng đến hành vi phạm tội đó.
Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Nhiều người vì đã trót đóng tiền vào công ty, để thu hồi khoản tiền đó và được hưởng hoa hồng, thù lao phát triển hệ thống... nên đã tiếp tục rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp. Bên cạnh đó, không ít người biết rõ từ trước sự lừa dối của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính và chủ động tham gia để thu được những lợi ích kinh tế, chứ không phải bị lừa gạt, dụ dỗ, cả tin.
Đó là những người tham gia nhiều mạng lưới đa cấp bất chính. Khi một mạng lưới đa cấp nào đó bị sụp đổ, họ tham gia mạng lưới đa cấp khác, thậm chí lấy kinh nghiệm từ việc hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính trước đó, để thành lập ra các công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp lừa đảo.
Với những đối tượng này, bản thân họ cũng ý thức được việc làm của mình là sai trái, giúp sức cho hoạt động lừa đảo của những người cầm đầu doanh nghiệp, nên không muốn tố cáo vì sợ liên luỵ.
Trong quá trình làm việc, chính họ cũng đã “vẽ” ra những lợi ích tưởng tượng để lôi kéo người khác. Vì vậy khi bị doanh nghiệp lừa đảo mất tiền, họ có tâm lý xấu hổ và tự trách mình, chấp nhận thiệt hại, chứ không muốn làm to chuyện để bảo toàn danh dự, che giấu sai lầm của mình. Ra tòa, họ kêu oan cho bị cáo để phủ nhận thực tế bản thân đã bị lừa để vớt vát danh dự.
Nguồn: [Link nguồn]
Bị đề nghị mức án chung thân, ''tiến sỹ dạy làm giàu'' cho rằng dự án sắp có lời thì bị bắt trong khi một số bị hại đề nghị tòa trả tự do cho bị cáo để...