Vết trượt của thiếu nữ vùng biên

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Dù đang ở lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, nhưng dáng vẻ xù xì, nghênh ngang của Việt không khác gì đàn ông. Thời gian ăn cơm ở trại giáo dưỡng và cơm tù chiếm tới nửa số tuổi của cô.

Bất mãn với hoàn cảnh trở thành “dân chơi”

Sinh ra với hai dòng máu Việt -Trung, từ khi sinh ra Lê Bích Việt (quê ở Lạng Sơn) đã thiếu hơi ấm tình thương của bố, một người đàn ông Trung Quốc, bên cô chỉ có mẹ và bà ngoại. Thế nhưng, cô cũng chỉ được hưởng tình thường thương yêu của mẹ tới năm 5 tuổi thì mẹ cô bị bắt về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Bà ngoại già yếu, mẹ đi tù, bố không có bên cạnh, cô bé Việt như một con thú hoang. Chưa đầy 10 tuổi, Việt đã biết bỏ nhà đi bụi, trốn học, lấy trộm tiền của bà đi chơi game. Lớn hơn một chút, cô cũng tập tành hít heroin, bay lắc với đám bạn cùng cảnh ngộ. 14 tuổi Việt trở thành đàn bà với một cậu bé cũng trạc tuổi mình trong nhóm bạn “dân chơi”.

Thương cháu, bà ngoại cô ra sức khuyên can Việt từ bỏ lối sống hoang dã đó, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả. Quá đau buồn trước “vết trượt” ngày càng dài của đứa cháu ngỗ ngược, gạt nước mắt, bà ngoại làm đơn xin cho Việt vào trường giáo dưỡng số 2 ở Ninh Bình, với hy vọng vào đây cô sẽ được giáo dục tử tế, thành người có ích. Thế nhưng, Việt cho rằng bà tống cổ mình đi cho “rảnh nợ” nên cô vào trại với thái độ bất cần đời. Việt nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, để khẳng định mình là “dân xã hội”, Việt sẵn sàng đánh những bạn đồng môn nào mà cô thấy “ngứa mắt” hay chỉ đơn giản là đánh để ra oai, dằn mặt các bạn trong trường. Bằng cách thể hiện đó, Việt trở thành “sỹ quan” (trong trường có hai cấp bậc do các học sinh tự phong là đại tướng và sỹ quan, để chỉ những học viên có uy, học viên nào cũng kinh sợ, không dám trái lời. Khi đại tướng và sỹ quan yêu cầu gì, tất cả phải phục tùng theo, không dám chống đối).

Trong giờ học và lao động có các thầy cô quản lý thì cô tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời, thế nhưng ngoài giờ học, Việt lại quay về đúng bản chất của một kẻ côn đồ, hống hách. “Mỗi ngày em thay 3 bộ quần áo, thay ra là có "lính" giặt. Em thích ăn gì tụi nó cũng đều phải mang tới cho em”, Việt hào hứng khoe. Vẫn chưa thỏa mãn với chức “sỹ quan”, Việt tiếp tục thể hiện đẳng cấp “anh chị” của mình bằng cách liên tục ra tay đánh đập những ai mà cô thấy không vừa mắt với mục đích trở thành “đại tướng”- một cấp cao nhất mà các học viên trong trường tự phong. Đỉnh điểm là trận đánh một bạn cùng phòng khiến cô bé này bị dập gan, suýt chết.

Vết trượt của thiếu nữ vùng biên - 1

Việt luôn thèm một bữa cơm xum vầy bên cha mẹ.

Mơ ước lên chương trình "Người đương thời"

Sau lần ra tay dã man này, Việt bị truy tố về tôi “cố ý gây thương tích” và nhập trại với mức án 4 năm tù giam khi cô mới 19 tuổi. Về trại giam Ninh Khánh, Việt tỏ ra chán nản khi sống trong môi trường mới với những kỷ luật khắt khe, nhưng được sự động viên của các cán bộ trong trại cô dần lấy lại được sự cân bằng. Việt kể, từ ngày vào trại, cô đằm tính hơn, biết kìm chế hơn, không còn gây gổ, đánh nhau như hồi còn ở trường giáo dưỡng. “Sau này ra trại em muốn kiếm được thật nhiều tiền để phụng dưỡng bà ngoại, bà khổ vì em quá nhiều rồi. Em sẽ thay đổi, muốn làm người có ích, biết đâu lại là tấm gương được lên chương trình người đương thời”, Việt mơ màng nói. Cô hào hứng khoe, giờ cô thấy vui vẻ hơn, yêu đời hơn, đặc biệt cô đã tìm thấy tình yêu của mình, một phạm nhân đang thụ án cùng phân trại. Dù vẫn hút thuốc lá, thuốc lào nhưng Việt lại tỏ ra điệu đàng của cô gái bước vào tuổi dạy thì, khi thấy phóng viên đưa máy lên chụp hình, Việt bẽn lẽn: “Cán bộ chọn góc độ nào đẹp nhất ấy, em vội quá không kịp đánh son phấn”.

Nhắc tới bố mẹ, ánh mắt Việt chợt tối lại, từ lâu lắm rồi cô không nghe được tin tức của bố. Trước đây khi còn ở nhà bố cô thỉnh thoảng còn gọi điện hỏi thăm nhưng từ ngày cô vào trại thì bặt tin luôn. Còn mẹ thì cũng đang sống trong cảnh tù tội nên đã lâu hai mẹ con vẫn chưa có cơ hội gặp nhau. “Từ bé em đã thiếu thốn tình cảm, thiếu sự bảo ban, quản lý của bố mẹ. Nhiều lúc em thèm một bữa cơm đoàn tụ, có cả bố cả mẹ, thèm nghe tiếng quát của bố, cái vụt của mẹ như những đứa bạn trong xóm mà không bao giờ có được. Quá buồn chán nên em muốn quậy phá, muốn lao vào các cuộc vui cho quên hết hoàn cảnh bất hạnh của mình”, Việt rơm rớm tâm sự.

Đường về với Việt đã rất gần, cô ước ao có một mái ấm bình yên, muốn trở về với nẻo thiện “mọi chuyện là quá khứ rồi, mỗi khi nghĩ tới những việc em lại thấy xấu hổ, cắn rứt lương tâm. Ra tù em nhất định sẽ sống tốt, tránh xa con đường tội lỗi trước đây”, Việt thì thầm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đoàn Nguyễn (Đời Sống & Pháp Luật)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN