Vết trượt của hot girl 10x hàng hiệu
Đầu tháng 5-2021, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Sơn La đấu tranh thành công chuyên án, ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 đối tượng 10x là Trần Nguyễn Diệp Anh (SN 2003) và Nguyễn Trung Sáng (SN 2000) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "cưỡng đoạt tài sản".
Hai đối tượng trẻ tuổi đã cấu kết với nhau để lừa đảo các chị em là tín đồ của hàng hiệu. Với mánh khóe tinh vi, "hot girl" hàng hiệu đã đưa được hàng chục khách hàng vào bẫy với số tiền hàng tỉ đồng.
Mất cả tỉ đồng vì những dòng "feedback giả"
Nick Facebook "Tran Nguyen Diep Anh" của cô chủ hot girl xinh như mộng lại chuyên bán hàng hiệu đã làm điên đảo chị em là tín đồ hàng hiệu. Những chiếc túi xách, những đôi giày lên tới cả chục triệu đồng, lại được giảm giá hấp dẫn... trang facebook của Diệp Anh chẳng mấy thu hút nhiều phụ nữ theo dõi, mua sắm.
Hình ảnh trên Facebook của Nguyễn Trần Diệp Anh sử dụng để bán hàng
Việc bán hàng của đối tượng Diệp Anh bắt đầu từ tháng 5-2020, sau khi những chuyến hàng đầu tiên về để lấy lòng tin của người mua hàng, cũng như các mối làm ăn tiếp theo. Sau một thời gian bắt đầu bán hàng thì đến tháng 11-2020, hoạt động kinh doanh của Diệp Anh bắt đầu có nhiều dấu hiệu sa sút.
Lúc này Diệp Anh nghĩ đủ mọi cách để lấy lại thương hiệu cũng như uy tín của mình bằng cách thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook. Nạn nhân Diệp Anh nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, những người có điều kiện về kinh tế có nhu cầu mua những món hàng hiệu "xách tay" mà lại ham hàng giảm giá. Nạn nhân còn là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online nhập sỉ hàng hiệu để kiếm thêm thu nhập. Lúc này cũng là thời điểm mà Diệp Anh gặp Nguyễn Trung Sáng, một "chuyên gia" về chạy quảng cáo, tăng like, tăng người theo dõi, tăng tương tác trên mạng xã hội Facebook.
Chị Hà Trân (ở TP Hồ Chí Minh), một trong những nạn nhân đã mất trắng 161 triệu đồng chia sẻ, có khoảng vài chục người cũng đã bị Diệp Anh lừa bằng rất nhiều chiêu trò tinh vi. Thời điểm cận Tết chị đặt mua của Diệp Anh 1 túi Chanel, 1 túi cầm tay của Loui Vuitton, 1 túi Dior. Ban đầu chị chỉ phải chuyển cọc trước 30% vì là khách mua lần đầu. Sau khoảng hơn 1 tháng thì Diệp Anh yêu cầu chị Trân chuyển 100% số tiền để nhận hàng chiều hôm đó.
Một phần vì cần đồ để diện, một phần cảm thấy tin tưởng khi cô gái luôn khoe bán được hàng tỷ đồng nên chị Trân không mảy may nghi ngờ. Chị chuyển qua tài khoản tổng số 161 triệu đồng. Tuy nhiên, không chỉ chiều hôm đó mà sau rất nhiều buổi chiều khác cùng vô số những lời hứa hẹn, thậm chí là nói hàng được chuyển rồi, cuối cùng chị Trân bị cô ta chặn tài khoản. Lúc này chị Trân mới nhận ra mình bị lừa.
Một nạn nhân khác là chị N.D.Linh (ở Đà Nẵng) cũng là một người kinh doanh mặt hàng như Diệp Anh. Chị Linh bị Diệp Anh lừa lên đến số tiền gần 1 tỷ đồng. Chị Linh cho biết từng gặp Diệp Anh và cũng tương tác với Diệp Anh nhiều lần trên facebook. Diệp Anh chia sẻ với chị là Diệp Anh sinh năm 1996 và đang làm ca sỹ, thường xuyên đi show chứ không phải sinh năm 2003. Cũng lợi dụng dịp cận Tết, khi hàng hóa hiếm, chị Linh có post lên cần vài chiếc túi Chanel ngay trong chiều hôm đó và phải có sẵn, Diệp Anh báo là có hàng và yêu cầu chuyển 50% tiền hàng, sau đó thì Diệp Anh mới chuyển hàng cho.
Hình ảnh trên Facebook của Diệp Anh
Cũng là dân kinh doanh nên chị Linh hiểu được sự khó khăn của người buôn bán như vậy là chuyện thường tình nên không chút do dự chị chuyển cho Diệp Anh 100% tiền. Nhưng sau đó cô ta thông báo là hàng về đến hải quan thì bị giữ và lôi ra hàng tỷ lý do để bùng hàng. Khi chị Linh bảo là sẽ hỗ trợ chỗ hải quan thì Diệp Anh từ chối vì "có bố làm hải quan". Diệp Anh đành rót hàng "nhỏ giọt" từng chiếc một. Sau đó chị Linh lại tiếp tục cần gấp 1 chiếc đồng hồ Hublot order từ Singapore với giá khoảng hơn 400 triệu thì Diệp Anh tiếp tục báo là đang có sẵn. Nhưng sau đó, những chiếc túi và chiếc đồng hồ Hublot hàng hiệu cũng không thấy đâu.
"Kẻ cắp gặp bà già"
Tháng 10- 2020, trong quá trình kinh doanh online qua facebook, Diệp Anh biết Nguyễn Trung Sáng (SN 2000, trú tại xóm 2, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Diệp Anh thuê Sáng chặn facebook của một số đối tượng. Sau đó, thuê Sáng bảo mật tài khoản, tăng lượng người theo dõi trên facebook bán hàng của mình... Qua nhiều lần tiếp tay cho Diệp Anh trong các hoạt động trên Facebook, Sáng đã biết Diệp Anh lợi dụng việc bán hàng online và lừa đảo khách hàng nên đã nảy ra ý định cưỡng đoạt tài sản của Diệp Anh.
Từ ngày 9 đến ngày 11-1-2021, Sáng sử dụng facebook ảo tên "Minh Hằng" nhắn tin đe dọa, uy hiếp tinh thần Diệp Anh, nếu Diệp Anh không chuyển tiền sẽ đăng tin lên các group tín đồ hàng hiệu, bóc phốt, hạ uy tín, không cho Diệp Anh kinh doanh nữa. Do đang nợ nần nhiều, việc buôn bán lại đang gặp nhiều vấn đề, đúng khi đang "có tật nên giật mình" Diệp Anh đã nghe lời chuyển cho Sáng số tiền là 100.000.000 đồng.
Đối tượng Nguyễn Trần Diệp Anh tại cơ quan Công an
Khi câu chuyện đã bắt đầu có dấu hiệu vỡ lở, bản thân Diệp Anh không còn có thể trả nợ được nữa cũng là lúc những nạn nhân bắt đầu đâm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của Diệp Anh. Những lá đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La của các nạn nhân ở Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nội dung khi nhận tiền của khách nhưng Diệp Anh không hề trả hàng theo thỏa thuận, bị chặn liên lạc và "mất hút" một cách thần bí, thậm chí có những người đã bị Diệp Anh lừa đến hàng trăm triệu.
Tháng 2-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La xác lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng. Trong quá tình đấu tranh, cơ quan điều tra đã nhiều lần phải tác động đến người thân, gia đình của Diệp Anh. Diệp Anh đang sống cùng mẹ và chị gái ở Thành phố Sơn La, bố mẹ đã ly hôn từ khi Diệp Anh còn nhỏ. Bố sống tại Đà Nẵng, mẹ sống ở Sơn La.
Qua hơn 2 tháng đấu tranh với đầy đủ tài liệu có liên quan đến hành vi của cả Diệp Anh và Sáng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng Trần Nguyễn Diệp Anh (SN 2003, trú tại bản Buổn, xã Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) và Nguyễn Trung Sáng (SN 2000, trú tại xóm 2, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) có hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cưỡng đoạt tài sản. Đến thời điểm này xác định được 15 bị hại ở Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, với số tiền bị chiếm đoạt là 1.845.300.000 đồng.
Thiếu tá Phạm Văn Cường, cán bộ Phòng CSHS, Công an tỉnh Sơn La cho biết, ban đầu rất khó khăn cho việc xác định nhân thân của đối tượng bởi địa chỉ của Diệp Anh mà các nạn nhân gửi đơn tố cáo về là ở phường Quyết Tâm chứ không phải ở Chiềng Cơi, do vậy khi xác minh thì không có ai là Diệp Anh ở địa bàn này.
Lời cảnh báo cho người mua hàng online
Hiện nay trên các trang mạng xã hội có rất nhiều kiểu mua sắm online như: mua hàng theo hình thức chuyển khoản trước rồi gửi hàng, hàng order giá rẻ,… Trong đó có thể nói việc mua hàng order là chiêu thức lừa đảo dễ dàng và cũng nhiều người dễ "sập bẫy" nhất. Vì việc mua hàng order thông thường là những món hàng xách tay, hàng hiệu, hàng hiệu giảm giá, những món hàng không bán ở Việt Nam…
Do vậy, lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng thích dùng đồ "sang - xịn", nhiều đối tượng mua bán, lừa đảo với nhiều chiêu trò quảng cáo, mời chào hấp dẫn và thu hút số lượng lớn người sử dụng mạng xã hội trao đổi, mua bán trên nền tảng này. Nếu người mua thiếu cảnh giác, ham đồ "chất" nhưng "rẻ" thì sẽ rất dễ sa vào bẫy của bọn chúng. Chính vì những chiêu thức tinh vi như vậy nên mới xảy ra những vụ án như vụ của đối tượng Diệp Anh, lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng.
Ngoài vụ việc này, trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, có thể kể đến đối tượng Triệu Lê Giang (sinh năm 1998), trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trước tình hình dịch COVID-19, lợi dụng sự khan hiếm về khẩu trang y tế trên thị trường, đã sử dụng mạng xã hội Facebook dùng tài khoản "Lệ Giang (cún)" kết bạn với tài khoản có tên "Phương Thảo (Thiên Bình)" của Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1992), trú tại Tổ 7, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội để đưa ra thông tin sai sự thật, bán cho Thảo 30 hộp khẩu trang loại 4 lớp với tổng số tiền 1.500.000 đồng. Giang tạo một đơn hàng với tên, địa chỉ người nhận của chị Thảo trên APP Viettel Post trong điện thoại của mình, chụp ảnh màn hình gửi cho Thảo, ngay sau đó Thảo chuyển tiền vào tài khoản do Giang cung cấp. Nhận được tiền, Giang sử dụng chi tiêu cá nhân, không gửi khẩu trang, đồng thời cắt liên lạc.
Từ thực tế điều tra các vụ án, Thiếu tá Phạm Văn Cường khuyến cáo người mua sắm online, khi phát hiện thấy hành vi lừa đảo, người dùng Facebook, người tiêu dùng phải báo với cơ quan công an gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh để quá lâu dài sẽ gây khó khăn trong công tác điều tra. Cơ quan công an sẽ sử dụng lời khai, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để xác minh số điện thoại liên hệ, địa chỉ IP máy tính sử dụng ứng dụng Facebook để xác định hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội. Việc chứng minh tội phạm, hành vi vi phạm thuộc về các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để vụ việc sớm được sáng tỏ, người tiêu dùng nên cung cấp các thông tin thật đầy đủ, chính xác, đảm bảo cho việc chứng minh sự thật của cơ quan công an một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Tuy nhiên cũng cần phải tự bảo vệ mình khi mua sắm, tránh để trở thành những nạn nhân không đáng có như các nạn nhân trong vụ của đối tượng Diệp Anh.
Vụ án này cũng là bài học cho tất cả mọi người để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng tội phạm công nghệ mạng hiện nay.
Nữ giám đốc quan hệ khách hàng của một chi nhánh ngân hàng tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã chiếm đoạt hơn 15 tỉ...
Nguồn: [Link nguồn]