Vạch trần thủ đoạn lừa đảo qua mạng của các nhóm tội phạm hoạt động tại Campuchia
Trước tình trạng người Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia lao động bất hợp pháp diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao"; lừa đảo người Việt Nam sang Campuchia để cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc.
Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm thời gian gần đây cho thấy, hiện nay nhiều người Việt Nam đã tự nguyện sang Campuchia để làm việc trong các công ty trá hình do người nước ngoài làm chủ tại Campuchia để hoạt động lừa đảo người Việt Nam, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trực tuyến…
Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và dân quân tuần tra biên giới chống xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
Bài 1: Liên tục sập bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Trong số các trường hợp xuất cảnh sang Campuchia, có người đã bị bán xuống đặc khu kinh tế Sihanouk giáp biên giới Thái Lan để lao động khổ sai, thậm chí bị ép bán nội tạng. Thế nhưng, hiện nay, một số đối tượng người Việt Nam vẫn sang Campuchia để biến thành công cụ cho các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhằm vào người Việt Nam… Số phận bi thương của không ít nạn nhân cùng những tiếng kêu cứu từ nơi "đất khách, quê người" sẽ là bài học cảnh tỉnh cho không ít người.
Toát mồ hôi với mức khoán "lừa được 500 triệu đồng/tháng"
"Khoảng tháng 4/2022, tôi đọc được bài đăng tuyển người trên facebook của một người có tên là Hằng Hằng. Sau đó, tôi sử dụng facebook "Nguyễn Hoàng Nam" nhắn tin cho người phụ nữ này để hỏi thăm về công việc tại Campuchia" - Hoàng Văn Trường (SN 1996, nơi cư trú thôn Trà, xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), một trong những nạn nhân của "việc nhẹ, lương cao" không giấu được cảm xúc khi kể lại hành trình trốn chạy khỏi "địa ngục trần gian"… Hơn một năm đã trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng đó vẫn ám ảnh trong tâm trí Trường. Nhiều đêm đang ngủ, Trường mê sảng, hò hét xin được tha mạng…, khi tỉnh dậy vẫn cảm giác lạnh sống lưng.
Trường nhớ lại: Sau khi trao đổi với người phụ nữ có tên Hằng, thống nhất việc xuất cảnh sang Campuchia, Trường tiếp tục đặt vấn đề để bạn của Trường là Trương Văn Phương (SN 2000, nơi cư trú thôn Trà, xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cùng đi làm việc tại Campuchia. Người phụ nữ đồng ý rồi yêu cầu Trường và Phương nộp căn cước công dân để làm thủ tục xuất cảnh nhưng Trường không có. Vì thế, người phụ nữ thống nhất sẽ đưa Trường xuất cảnh "chui" sang Campuchia. Đối tượng hứa hẹn, khi sang đến Camphuchia nếu Trường vẫn muốn làm việc tại công ty thì sẽ có người bảo lãnh… Dù biết rõ những rủi ro phải đối mặt khi xuất cảnh chui nhưng vì muốn làm giàu, lại tin vào những lời hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao" của đối tượng, Phương và Trường vẫn đồng ý đi.
"Theo sự sắp xếp của đối tượng, tối 15/4/2022, tôi cùng Phương đón xe khách từ tỉnh Bắc Ninh đến Bến xe Mỹ Đình, TP Hà Nội. Khoảng 21h cùng ngày, chúng tôi đến nơi đã liên lạc với số điện thoại của xe khách được cho từ trước đến đón và tiếp tục di chuyển vào Bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh (khoảng 10h00 ngày 17/4/2022). Khi đến nơi, có một người đàn ông không rõ tên tuổi, địa chỉ, đi xe máy đến đón và đưa chúng tôi đến một nhà nghỉ" - Trường kể lại. Sau đó, Trường và Phương cùng một số người có nhu cầu tìm "việc nhẹ, lương cao" được các đối tượng đưa vào một nhà nghỉ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tất cả nghỉ lại đến khoảng 14h cùng ngày thì được đưa đến khu vực Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Khoảng 20h cùng ngày, Trường, Phương cùng những người khác tiếp tục được dẫn đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ thì đến một ngôi nhà hoang. Tại đây có một người đàn ông khác đón và tiếp tục đưa mọi người đi bộ qua đường ruộng khoảng 30 phút thì sang đến đất Campuchia. Khoảng 1h ngày 18/4/2022, Trường, Phương cùng những người khác được đưa đến nhà một người đàn ông tên Mạnh, tất cả nghỉ ngơi ở đây đến khoảng 7h cùng ngày thì có một xe ôtô đến đón đưa đến chỗ làm tại tỉnh Sihanoukville, Campuchia.
"Ban đầu, tôi và Phương được chủ người Trung Quốc sắp xếp chỗ ăn nghỉ, cho ứng số tiền 500 USD để chi phí sinh hoạt cả nhân mà không bố trí cho làm công việc gì. Đến đầu tháng 6/2022, chúng tôi được đưa lên tầng trên của tòa nhà đang ở và yêu cầu làm việc. Công việc là sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, instagram...) để rủ rê, lôi kéo và lừa đảo người khác chơi chứng khoán nhằm chiếm đoạt tài sản. Chủ Trung Quốc cho biết hằng tháng mỗi người phải lừa được 5 người tham gia, mỗi nhóm 5 người phải lừa được từ 500 triệu đồng trở lên"- Trường cho hay.
Thời gian sau đó, do không đáp ứng được công việc mà chủ Trung Quốc yêu cầu, Trường và Phương thường xuyên bị đe dọa, đánh đập. Không chịu được sự hành hạ của các đối tượng, Trường và Phương xin chủ Trung Quốc cho về Việt Nam. Lúc này, các đối tượng cho biết nếu muốn về Việt Nam thì phải nộp phạt từ 5.500-6.000 USD/ người, là tiền chi phí phải bỏ ra để đưa từ Việt Nam sang Campuchia, chi phí ăn ở và tiền nộp phạt vi phạm hợp đồng.
Ngày 11/7/2022, Trường, Phương cùng một số người khác bỏ trốn nhưng chỉ có Phương và một người khác chạy trốn được, còn Trường thì bị bảo vệ bắt lại và đánh đập. Trong tình cảnh khốn cùng ấy, Trường buộc phải liên lạc về gia đình để cầu cứu. Trong thời gian bị các đối tượng giam giữ, Trường thường xuyên bị các đối tượng tra tấn, đánh đập… Chuỗi ngày cơ cực đó chỉ chấm dứt vào ngày 18/7/2022, khi mẹ vợ của Trường là bà Bàn Thị Độ gửi 149 triệu đồng cho các chủ sử dụng lao động ở Campuchia. Đến lúc này, Trường được đưa về khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh…, rồi tìm đường về nước.
Ba đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo đưa các nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia để cưỡng bức lao động, bạo hành và đòi tiền chuộc.
Từ xuất cảnh trái phép, trở thành đối tượng trong đường dây lừa đảo
Thời gian gần đây nhiều nhóm đối tượng người Trung Quốc hoạt động tại các đặc khu kinh tế ở Campuchia giáp biên giới Việt Nam đã tổ chức thuê người Việt Nam để thiết lập các nhóm lừa đảo qua mạng, thực hiện nhiều vụ lừa đảo nhắm đến các bị hại trong nước với số tiền đặc biệt lớn. Từ các vụ án được phát hiện cho thấy, các đường dây có số lượng lên đến hàng nghìn người, chủ yếu hoạt động khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Đối tượng chia thành các nhóm nhỏ có vai trò nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, có nhóm quảng cáo, dụ dỗ nhắn tin, ký hợp đồng và hướng dẫn bị hại những việc đơn giản; nhóm tiếp cận bị hại để dụ dỗ chuyển tiền và cuối cùng là nhóm đóng vai trò lãnh đạo để thuyết phục, dụ dỗ, lôi kéo người bị hại chuyển tiền…
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Khi mới sang Campuchia làm việc tại các công ty trá hình, nhiều người lao động chưa nhận thức được công việc của họ là hoạt động lừa đảo, đánh bạc/tổ chức đánh bạc. Tuy nhiên, sau một thời gian được hướng dẫn, họ nhận thức được bản chất công việc. Một số người muốn về Việt Nam phải trả tiền chuộc, một số người tự nguyện tiếp tục làm việc cho các đối tượng để được trả lương hằng tháng và hưởng lợi theo doanh thu lừa đảo được. Vậy là từ người làm thuê, họ trở thành "mắt xích" trong các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
Với các trường hợp tự nguyện tiếp tục làm việc, chủ công ty yêu cầu họ cam kết phải làm việc thời hạn ít nhất 6 tháng, nếu muốn nghỉ việc trước hạn thì phải trả tiền đền bù khoảng 3.000USD. Trong quá trình ở đây, họ phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, nếu không đạt chỉ tiêu về số tiền lừa đảo sẽ phải làm tăng ca và bị trừ lương. Họ được bố trí vào nhiều vị trí làm việc khác nhau như telesale; vị trí trực tiếp dụ dỗ bị hại chuyển tiền để đặt đơn hàng giả mạo nhằm chiếm đoạt; vị trí quản lý, giám sát công việc; vị trí quản lý các tài khoản ngân hàng; vị trí tuyển dụng những người từ Việt Nam sang làm việc…
P.A.T, một trong các trường hợp vừa bị khởi tố về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cho biết: Năm 2022, P.A.T tìm việc làm trên facebook đã đọc được bản tin tuyển việc làm chăm sóc khách hàng qua mạng tại Campuchia với mức lương 1.000 USD/tháng. Sau đó, T đã chủ động liên hệ với người đăng tin và được hướng dẫn làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài. Sang đến Campuchia, T được một người nữ đón vào công ty trá hình tại Bavet, Campuchia.
Vào công ty, T thấy nhiều người làm việc trong một phòng lớn với máy tính, tai nghe. T được các nhân viên cũ hướng dẫn công việc nhắn tin, gọi điện dụ dỗ người Việt Nam chuyển tiền để đặt đơn hàng trên các trang thương mại điện tử giả mạo hoặc thả tim tiktok, nghe nhạc để được hưởng hoa hồng. Đối với các đơn hàng giá trị nhỏ, công ty vẫn trả tiền hoa hồng cho bị hại bình thường. Tuy nhiên, khi bị hại chuyển số tiền lớn để đặt đơn hàng thì lấy nhiều lý do như đặt sai đơn, quá thời gian đặt đơn,… để không trả tiền cho bị hại và yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền để làm "bù đơn" mới được rút tiền.
Ngoài T ra, nhiều nhân viên khác cũng đóng vai "nhà đầu tư" để nói chuyện, đưa bị hại vào ma trận, làm rối loạn tâm lý, thúc giục bị hại chuyển tiền. Sau 1 tuần học việc, T nhận thức được công việc là lừa đảo vì không thấy công ty trả tiền cho bị hại. Tuy nhiên, do cần tiền chi tiêu nên T tiếp tục tự nguyện làm việc vì công ty trả lương 800USD/tháng, mỗi tháng sau tăng thêm 50USD, chưa gồm tiền thưởng doanh thu. Công ty bố trí cho T ăn ở cùng nhiều nhân viên khác ngay trong tòa nhà công ty. Hằng ngày, T và các nhân viên khác làm việc từ 9h đến 21h, nếu nhóm 3 người của T không đạt chỉ tiêu lừa được 300 triệu đồng/tháng thì phải làm tăng ca hoặc phạt trừ lương.
Quá trình làm việc, T lừa được nhiều người Việt Nam khác nhau với số tiền lớn, mỗi lần như vậy đều được thông báo trên loa và được đánh kẻng, các nhân viên khác vỗ tay biểu dương. Sau đó, T được quản lý giao cho làm nhóm trưởng. Năm 2023, T cùng nhiều đối tượng khác bị bắt giữ, khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với các trường hợp tự nguyện, nhiều trường hợp bị lừa bán cũng bị đánh đập, bị ép phải làm theo lời của các đối tượng. Hằng ngày, họ buộc phải thực hiện các cuộc điện thoại; nếu kháng cự sẽ bị các đối tượng đánh đập… Nhiều người cảm thấy cắn dứt lương tâm nhưng không còn con đường nào khác. Những câu chuyện trên có lẽ chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm".
Thực tế trong thời qua cho thấy, mặc dù đã được tuyên truyền nhưng do hám lời, rất nhiều người Việt Nam vẫn tìm cách vượt biên giới trái phép sang Campuchia để làm "việc nhẹ, lương cao". Sau khi sang đến bên kia biên giới, họ bị các chủ sử dụng biến thành các công cụ lao động. Các đối tượng khi làm việc lừa đảo, tổ chức đánh bạc được chủ công ty trả lương hằng tháng và sau một thời gian làm việc thì vẫn được về Việt Nam thăm nhà, sau đó lại tiếp tục sang Campuchia làm việc. Nhiều trường hợp sau đó đã trở thành bị can trong các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị bắt giữ.
Nguồn: [Link nguồn]
Công an tỉnh An Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã đến Vương quốc Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng của chính quyền nước bạn để điều tra,...