Tuyên phạt blogger Ba Sàm 5 năm tù giam
Bị cáo Vinh bị tuyên phạt năm năm tù giam, bị cáo Minh Thúy nhận án ba năm tù - cao hơn đề nghị của VKS trước đó.
Sau một ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Ba Sàm, 60 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) năm năm tù giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Bị cáo Nguyễn Thị Minh Thúy (36 tuổi, trú tại Ba Đình) bị tuyên phạt ba năm tù giam về cùng tội danh trên.
Trước đó, trong buổi sáng, VKSND TP Hà Nội đưa ra đề nghị mức án cho bị cáo Vinh 5-6 năm tù giam, bị cáo Minh Thúy từ 24-30 tháng tù. Tại tòa, đại diện VKS cho rằng các bị cáo không thừa nhận tội danh như cáo trạng truy tố nhưng có đủ căn cứ, chứng cứ xác định cả hai đã phạm tội.
Nhiều luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo đề nghị tòa tuyên bị cáo Vinh không phạm tội.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2000, ông Vinh đăng ký thành lập và làm giám đốc Công ty TNHH Điều tra và bảo vệ V. (Công ty VPI). Tháng 9-2013, ông Vinh lập, quản trị và sử dụng hai blog "Dân quyền" và "Chép sử Việt".
Ông Vinh đã chia sẻ cho bà Thúy quyền viết bài, chỉnh sửa, xóa, đăng tải bài viết lên blog, kiểm duyệt phản hồi... Cơ quan điều tra xác định ông Vinh đã chỉ đạo bà Thúy đăng tải bài viết, duyệt cho hiển thị các ý kiến bình luận trên hai blog.
Từ khi được lập đến khi hai người bị bắt, blog "Dân quyền" đã đăng 2.014 bài, 38.567 phản hồi và có 3.243.330 lượt người truy cập; blog "Chép sử Việt" đã đăng 383 bài, 3.401 phản hồi và có 480.353 lượt người truy cập.
Theo kết quả trưng cầu giám định nội dung từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong số trên 24 bài viết "có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước".
Cáo trạng cũng thể hiện, hai blog "Dân quyền" và "Người chép sử" đã có hơn 3,7 triệu lượt người truy cập, trong đó nhiều người phản hồi với nội dung tiêu cực, bị lôi kéo theo quan điểm của các bài viết được đăng tải.