Tướng cướp huyền thoại ở Sài Gòn (P.6)
Tướng cướp “Độc hành đại đạo hái hao dâm tặc” và cuộc chạm trán đầu tiên với cảnh sát hình sự.
Trong lúc hành tung của tên cướp táo tợn đã gây ra những vụ án làm hoang mang dư luận trên địa bàn quận 1 vẫn chưa được lần ra manh mối thì đầu năm 1977 đến khoảng cuối năm 1978 lại rộ lên những vụ cướp, tống tiền táo tợn khác.
Chân dung tên cướp táo tợn
Theo nguồn tin trinh sát, kẻ cướp là một người đàn ông tuổi trung niên, nhỏ con, cao khoảng 1,60m, ăn mặc lịch sự. Tuy bên ngoài có vẻ “bạch diện thư sinh” nhưng tên cướp hành động rất táo bạo, nguy hiểm. Hắn sử dụng súng để khống chế nạn nhân và sẵn sàng nã đạn nếu nạn nhân kêu cứu.
Xâu chuỗi các sự kiện có liên quan, công an TP.HCM nhận định có thể tên Kim, tên cướp khét tiếng trước năm 1975, sau ngày giải phóng được đưa từ Côn Đảo về trại cải tạo Vị Thanh, Cần Thơ và hắn đã trốn trại ẩn nấp một thời gian giờ hoạt động trở lại. Cơ sở để công an TP.HCM đi đến nhận định này do khi gây án, tên cướp bí ẩn có dùng thủ đoạn như lưu trong hồ sơ về tướng cướp Điềm Khắc Kim. Lập tức, tất cả những thông tin về tướng cướp Điềm Khắc Kim trước ngày giải phóng được tập hợp lại và cập nhật vào hồ sơ tội phạm để phổ biến đến các mũi trinh sát tham gia việc truy lùng tên cướp nghi vấn là Điềm Khắc Kim tái xuất hiện.
Khoảng giữa tháng 11/1978, một nạn nhân bị hăm họa tống tiền đã đến đội Cảnh sát hình sự công an quận 1 trình báo sự việc và nộp bức thư hăm dọa tống tiền đến đội Cảnh sát hình sự công qan quận 1 trình báo sự việc và nộp bức thư hăm dọa của kẻ cướp làm bằng chứng. Bức thư viết tay, nội dung buộc nạn nhân phải mang tiền đến điểm hẹn là góc đường Cô Bắc – Đề Thám để giao cho người nhận. Nếu không làm đúng yêu cầu, thì cả gia đình và đứa con gái 8 tuổi của người đó sẽ bị giết chết. Dưới mấy dòng chữ, có ký tên Điềm Khắc Kim. Ban chỉ huy công an quận 1 liền giao nhiệm vụ cho đội Cảnh sát hình sự, lúc đó chỉ huy là đồng chí Lê Khanh, tổ chức cuộc vây bắt tướng cướp Điềm Khắc Kim. Đội trưởng Lê Khanh liền vạch ra kế hoạch hành động và giao nhiệm vụ các trinh sát thiện nghệ như: Chiến, Nhâm, Chính voi, Triết. Các trinh sát này lúc đó chỉ ở tuổi đôi mươi, trẻ tuổi đời, non tuổi nghề và hầu như chưa ai biết gì về Điềm Khắc, nhưng được giao nhiệm vụ bắt cướp, ai cũng thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Các trinh sát chia làm ba mũi, dưới sự chỉ huy của Lê Khanh, trang bị súng ngắn và đầy đủ lập tức xuất phát về điểm hẹn giữa tên cướp với nạn nhân. Đó là một buổi trưa nắng như đổ lửa. Chiến được chỉ đạo giả làm một bác tài xe ba gác rảo quanh khu vực Cô Giang – Đề Thám để theo dõi, quan sát sự xuất hiện của tên cướp. Các trinh sát còn lại rải quanh hiện trường sẵn sàng hỗ trợ đồng đội khi có lệnh tấn công. Các trinh sát đều được phổ biến nhận dạng của tướng cướp Điềm Khắc Kim và được nhắc nhở rằng hắn có súng, thậm chí có tới hai khẩu súng và bắn rất chuẩn xác bằng cả hai tay nên mọi người phải hết sức cảnh giác. Khi vào trận, các trinh sát phải cho đạn lên nòng, khóa an toàn, phản xạ nhanh, khi có lệnh thì phải tiêu diệt tên cướp nếu hắn ngoan cố bắn trả công an để thoát thân.
Cuộc đụng độ nảy lửa
Khu vực Cô Gian – Đề Thám rất đông người dù buổi trưa nắng gắt. Ở đó có nhiều quán cà phê, Chiến có nhiệm vụ đạp xe lòng vòng để quan sát bất cứ kẻ khả nghi nào, và đặc biệt chú ý mấy quán cà phê ven đường Cô Giang gần chốt đèn tín hiệu giao thông, vì đối tượng có thể ngồi trong quán cà phê quan sát hiện trường, nếu thấy hiện trường thông thoáng, hắn sẽ từ quán tiến ra hành động.
Vì chưa bao giờ đạp xe ba gác nên giữa trưa nắng, Chiến ì ạch đẩy chiếc xe ba gác nặng trịch vòng qua vòng lại khu vực Cô Giang – Đề Thám, mồ hôi mồ kê chảy đầm đìa, anh thở dốc liên tục và bắt đầu thấy oải. Tuy nhiên, khi đạp xe ngang trước cửa một quán cà phê bên lề đường Cô Giang, Chiến nhìn vào thấy một gã đội nón che nửa mặt, dáng người thấp, nhỏ con, ăn mặc kiểu công tử nên sinh nghi liền đạp chậm lại. Vừa lúc đó, gã đội nón che nửa mặt móc túi lấy tiền ra đặt trên bàn trả tiền cà phê không đợi thối lại rồi tiến ra cửa, thả bộ ra chốt đèn rồi rẽ hướng Trần Hưng Đạo – Đề Thám. Ngay lập tức, Chiến báo cho chỉ huy Lê Khanh và đồng đội qua máy liên lạc nghiệp vụ.
Lê Khanh chỉ đạo cho Chiến thực hiện phương án 1. Chiến lập tức đạp xe bám theo đối tượng khả nghi mà theo linh tính nghề nghiệp. Chiến tin chắc đối tượng khả nghi chính là tướng cướp Điềm Khắc Kim. Phương án 1 có kịch bản là Chiến đạp xe bám sát đối tượng, đợi cho đối tượng tới ngã tư Trần Hưng Đạo – Đề Thám, nhân cơ hội đối tượng băng qua ngã tư, Chiến sẽ giả vờ ngã xe ba gác chặn lại. Ngay lúc đó, sẽ có 3 chinh sát đóng giả thường dân đứng quanh đó ập tới vây quanh cản đường thoát và chính Lê Khanh sẽ là người chĩa súng vào đối tượng ra lệnh bắt.
Đúng như kịch bản, khi đối tượng vừa băng qua ngã tư Trần Hưng Đạo – Đề Thám, Chiến lập tức áp dụng chiêu ngã xe, cho xe ba gác đổ xuống đường chặn ngay trước mặt đối tượng. Điềm Khắc Kim thấy ông ba gác lồm cồm đứng lên đã trừng mắt, quát: “Mày chạy xe kiểu quái gì thế, chút nữa tông gãy chân ông”. Ngay lúc đó, 3 trinh sát ập tới vây kín Điềm Khắc Kim vào giữa và từ phía sau, Đội trưởng Lê Khanh tiến đến chĩa khẩu K54 vào lưng Điềm Khắc Kim dõng dạc hô: “Đứng im! Điềm Khắc Kim, anh đã bị bắt”.
Dù khá bất ngờ, nhưng Điềm Khắc Kim phản xạ rất nhanh, hắn định gạt phăng một trinh sát và xoay người hất mũi súng của Lê Khanh để tẩu thoát nhưng các trinh sát còn nhanh hơn, dùng võ thuật khóa tay Điềm Khắc Kim và bập còng số 8, khiến tên cướp khét tiếng thúc thủ. Điềm Khắc Kim giảo hoạt đánh lạc hướng: “Các ông lầm rồi, tôi đâu phải là tội phạm?”. “Là gì về trụ sở công an mà nói” – Lê Khanh đáp gọn. Vào thời điểm đó, số 11 Mạc Đĩnh Chi là nhà tạm giữa của công an quận 1 và tướng cướp Điềm Khắc Kim biết chắc là không thể dùng thủ thuật gì để qua mặt công an được nên khai nhận mình chính là Điềm Khắc Kim, còn có tên gọi khác là Lê Văn Minh, cái tên do hắn chợt nghĩ ra khi vào bệnh viện Sài Gòn để chữa trị vết thương ở bụng.
Sau khi lấy lời khai, Điềm Khắc Kim được dẫn giải về Phòng Cảnh sát hình sự công an TP.HCM. Năm 1979, Điềm Khắc Kim được đưa đi cải tạo ở trại Tống Lê Chân (tỉnh Sông Bé) cùng hàng chục tên giang hồ cộm cán khác.
Lại… vào trại giam
Ở trại Tống Lê Chân, ngoài Điềm Khắc Kim còn có những tay anh chị giang hồ nổi tiếng khác cũng nằm trong danh sách đối tượng nguy hiểm cần phải tập trung cải tạo dài hạn như: Huỳnh Tỳ trong nhóm Tứ đại thiên vương: Đại, Tỳ, Cái, Thê. Đại tức là Đại Cathay đã chết ngoài Côn Đảo trong một vụ vượt ngục cận ngày giải phóng, Từ tức Huỳnh Tỳ, Cái tức Wòng Cái người dân tộc Nùng, Thế tức Ba Thế. Điền Khắc Kim được đưa về phân trại 1 để bắt đầu chuỗi ngày học tập cải tạo dành cho một tên cướp khét tiếng từng giỡn mặt với lực lượng an ninh, cảnh sát chế độ cũ và cả quân cảnh Mỹ.
Ở phân trại 1, nhiều tên giang hồ có số má đều gặp lại đàn em nhưng riêng Điềm Khắc Kim thì vẫn chỉ một mình, đúng với biệt danh tướng cướp cô độc. Nhưng nếu so với băng cướp Tứ đại thiên vương mà Huỳnh Tỳ là người đại diện ở đây thì Điềm Khắc Kim thuộc hàng chiếu dưới. Có lẽ thấy mình đụng mặt với nhiều dân giang hồ đình đám được tập trung ở trại Tống Lê Chân nên Điềm Khắc Kim xuống cơ, hắn ngồi một mình, lầm lỳ ít tiếp chuyện vơi ai.
Phân trại 1 Tống Lê Chân lúc đó có khoảng 200 can phạm. Theo thời khóa biểu học tập, mỗi ngày tập thể dục rồi đi lao động, ăn cơm rồi nghỉ trưa. Buổi chiều đầu giờ học chính trị vào giáo dục nhân cách. Điềm Khắc Kim cũng giống như bao phạm nhân khác đều tuân theo giờ giấc học tập, lao động đã quy định. Nhưng ở đây Điềm Khắc Kim cố thu mình lại, chẳng dám vỗ ngực xưng danh là tướng cướp, nếu phạm nhân nào làm quen, hỏi thăm, Điềm Khắc Kim chỉ nói hắn tên Lê Văn minh, một cái tên rất đỗi bình thường của một phạm nhân nhà ở Gò Vấp.
Thật chẳng ấn tượng gì với cái tên bình thường ấy, nhưng khi tướng cướp Điềm Khắc Kim cố thu mình lại làm một người bình thường thì chắc chắn trong cái đầu nhiều mưu mô của hắn đang nghĩ tới những chuyện không bình thường. Hắn thu người, ép mình học tập cải tạo cho qua ngày tháng để chờ cơ hội thuận tiện để… lại vượt ngục.
Còn nữa…