Tướng cướp Bạch Văn Chanh và cuộc đời "nhuốm máu" (P2): Cuộc đấu súng trên đỉnh Hữu Lũng
Nhóm cướp của Bạch Văn Chanh ngày càng hung tợn. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng đã gây ra hành loạt vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Không chỉ coi "cướp" là "công việc làm ăn", với Chanh và đám đệ tử, đi "cướp" còn giống như một thói quen không thể bỏ.
Dụ rắn ra khỏi hang
Trước sự manh động và liều lĩnh của băng cướp Bạch Văn Chanh, Công an tỉnh Lạng Sơn vào thời bấy giờ đã thành lập Ban chuyên án với quyết tâm bắt hoặc tiêu diệt nhóm tội phạm nguy hiểm này.
Bản thân tướng cướp họ Bạch cũng ý thức được tội ác mà gã và đồng bọn gây ra là quá nhiều, nếu "mất cảnh giác" sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Chính vì thế, nhóm cướp này ngoài việc "trang bị" nhiều súng đạn, chúng còn sống trên những đỉnh núi treo leo, ẩn mình giống như con tắc kè giữa hang sâu ít người biết tới.
Xác định được chính xác nơi Chanh và đồng bọn lần trốn là điều vô cùng khó khăn. Lúc này, có thông tin báo về là phát hiện Chanh cùng nhóm tay chân đang trú ngụ tại các hang đá thuộc khu vực Tân Thanh. Vài trinh sát có kinh nghiệm của Công an tỉnh Lạng Sơn được cử đi "thám thính".
Các trinh sát lần lên phía hang, tại đây họ nhận ra dấu hiệu của băng cướp do Chanh cầm đầu. Vương vãi trong hang là vỏ bao thuốc lá, rác sinh hoạt.
Sau khi báo cáo, Ban chuyên án nhận định, khu vực Chanh ẩn nấp rất phức tạp, các hang núi thông nhau, có nhiều cửa hang ngách tỏa ra bốn phía. Nếu triển khai bao vây, lực lượng công an sẽ gặp bất lợi, chưa kể nhóm cướp này có súng, lựu đạn và không ngại "liều chết" nếu bị "hỏi thăm".
Để đảm bảo an toàn và quan trọng nhất là có thể "tóm cả mẻ", Công an tỉnh Lạng Sơn quyết định "dụ rắn ra khỏi hang".
Một ngày, các trinh sát Công an tỉnh Lạng Sơn triệu tập tay chân thân tín của Chanh là Minh "già" lên làm việc.
Các điều tra viên vừa nói chuyện, động viên Minh khai nhận, tố cáo hành vi phạm tội của đồng bọn để được hưởng khoan hồng, vừa khéo léo cho hắn biết phía công an đã có "sơ đồ" nơi nhóm Minh ẩn nấp.
Minh không khai nhận điều gì, nhưng tên cướp bắt đầu có sự hoang mang. Hắn ra về và nhanh chóng đến gặp đại ca Bạch Văn Chanh. Chanh tuy "cáo già', nhưng nghe câu chuyện mà đệ tử nói lại, hắn cũng nhận ra nếu còn ở lâu tại Tân Thanh, sớm muộn cũng sẽ "rơi vào rọ". Chanh quyết định rút ra khỏi hang.
Chanh dẫn cả đám đệ tử thân tín về khu vực ải Chi Lăng, là địa bàn giáp danh với tỉnh Bắc Giang. Nơi này địa hình hiểm trở, các dãy núi đá cao vót và khó đi lại.
Tại đây, Chanh cho đám đệ tử tràn sang cả Bắc Giang gây ra nhiều vụ cướp kinh động. Lúc này, Công an tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường truy quét, thấy bất an, Chanh lại kéo đàn em quay về Quỷ Môn Quan để hoạt động.
Những dãy núi hiểm trở từng là nơi băng cướp Bạch Văn Chanh ẩn nấp (ảnh minh hoạ, không liên quan vụ án)
Đấu súng
Thời điểm này, Công an tỉnh Lạng Sơn đã "tung quân" dọc QL1A với quyết tâm bắt bằng được băng cướp "con quỷ điên" họ Bạch. Để dụ được Chanh và đồng bọn xuất hiện, các trinh sát phải đóng giả làm khách đi trên những chuyến xe ngược biên giới hàng tháng trời.
Sáng sớm 8/1/1992, chiếc xe khách đi từ Bắc Giang lên Lạng Sơn bon bon qua những khúc cua vắng vẻ. Bất thình lình, không gian yên ả bị phá vỡ bởi tiếng gầm rú động cơ của những chiếc xe Mink. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, người lái xe "chột dạ" phát hiện có 2 chiếc xe máy Mink mầu đỏ đang bám đuổi. Chỉ trong tích tắc, hai xe máy vượt lên, tạt đầu, ép xe khách vào lề đường.
Bạch Văn Chanh đứng dưới đường, tay ôm khẩu súng AK cưa báng của gã, 3 tên đệ tử lăm lăm súng nhanh chóng vây quanh chiếc xe khách.
Nhưng bất giác, đám cướp cảm thấy lạ lẫm khi nhìn vào trong xe. Đây không phải là khách đi buôn bình thường, họ có điều gì đó rất "chuyên nghiệp". Nhưng những tên cướp chẳng thể suy nghĩ được lâu hơn, một loạt đạn được bắn ra từ lực lượng trinh sát Công an tỉnh Lạng Sơn hóa trang trên xe đã khiến 3 tên cướp đổ gục.
Chanh nhận ra mình đã rơi vào "bẫy", gã cùng 1 đàn em khác điên cuồng bắn như "vãi trấu" về phía lực lượng công an. Tiếng đạn xé gió, va vào vách núi đá tạo nên một thứ âm thanh đầy hoang mang và hỗn loạn.
Chanh chẳng lạ gì súng đạn hay các cuộc "thanh toán" bằng thứ "hàng nóng" này, nhưng khi đối đầu với lực lượng công an, toàn những "tay thiện xạ", Chanh biết rằng gã phải bỏ chạy thật nhanh, nếu không sẽ chịu chung số phận với 3 tên đệ tử đang nằm dưới đất.
Gã lia súng, bắn một loạt đạn rồi nhanh chân nhảy lên chiếc xe Mink cùng đệ tử còn lại vít ga lao vào rừng. Khi khói súng kịp tan, Chanh đã mất hút sau những dãy đá vôi lởm chởm, mọc nhọn hoắt hướng lên trời.
Bạch Văn Chanh (ảnh tư liệu)
Quỷ quyệt
Băng cướp của Bạch Văn Chanh sau cuộc đấu súng tại Hữu Lũng đã bị tiêu diệt gần hết. Bản thân Chanh cũng cảm nhận được "hơi nóng" phả ra từ các cuộc truy lùng gắt gao của lực lượng công an. Gã quyết định "nằm thở" một thời gian.
Thật ra, Chanh không chỉ điều hành 1 băng cướp. Tại quê nhà Hà Nam, Chanh cũng tập hợp được một đám "lâu la" và dưới sự chỉ đạo của Chanh, nhóm này cũng gây ra nhiều vụ án. Tuy vậy, giữa hai nhóm ở Hà Nam và Lạng Sơn, Chanh giấu kín, không ai ở nhóm này biết về người hay hoạt động của nhóm kia.
Chanh có một đệ tử thân tín là Triệu Quốc Bình, sau biến cố ở Hữu Lũng, Chanh dẫn tên này về Duy Tiên (Hà Nam) với mục đích "lặn sâu". Tuy nhiên, mọi di biến động của Chanh lần này đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn và Công an Hà Nam nắm bắt. Hai đơn vị lên kế hoạch "cất lưới" gã tội phạm sát nhân này.
Một lần, Chanh lên chùa làm lễ cho bố, lực lượng công an đã siết vòng vây. Nhưng dường như Chanh có một linh cảm đặc biệt, hễ khi nào sắp gặp nguy là gã nhận ra. Lần này cũng vậy, Chanh "đánh hơi" thấy mình đã rơi vào bẫy, gã điên cuồng dùng súng bắn vào lực lượng công an. Vừa chống trả, Chanh vừa chạy qua các ngõ ngách chằng chịt trong làng và trốn thoát.
Thời đó, Công an Hà Nam nhiều người còn chưa biết mặt Chanh, vì thế gã đã đóng giả là người dân đi làm đồng, đầu đội nón lá, vai vác cuốc vượt qua các chốt để tẩu thoát. Bỏ mặc đàn em Triệu Quốc Bình bị bắt.
Bình bị bắt, khi vào trại tạm giam, gã lợi dụng sơ hở và trốn thoát. Bình đi một mạch quay về Quỷ Môn Quan. Tại đây, Chanh và Bình "chập" với nhau và tiếp tục những tháng ngày cướp bóc, gây thêm nhiều tội ác ghê rợn.
(Còn nữa)
Khi nhắc lại cung đường biên giới Lạng Sơn những năm cuối 1980, đầu 1990 nhiều người còn thấy bị ám ảnh bởi một...
Nguồn: [Link nguồn]