Tung chiêu "quảng cáo" làm bằng giả, chiếm đoạt 3 tỷ đồng

“Quảng cáo” trên Facebook là mình có khả năng làm bằng, giấy tờ giả... nhưng khi khách “đặt hàng” và chuyển tiền xong thì Đạt rút tiền rồi “lặn mất tăm”. Điều đáng nói, tài khoản anh ta lập ở ngân hàng sử dụng CMND “rởm”.

Ngày 22.6, Đội 2 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP. Hà Nội) cho biết, cơ quan này vừa phá chuyên án lừa đảo làm bằng giả để chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, PC50 đang tạm giữ hình sự đối với Trần Tấn Đạt (23 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) để làm rõ hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Tung chiêu "quảng cáo" làm bằng giả, chiếm đoạt 3 tỷ đồng - 1

Đạt tại cơ quan điều tra

Theo điều tra ban đầu của PC50: Đầu năm 2014, qua mạng internet, Đạt nhận thấy một số người có nhu cầu mua bằng tốt nghiệp đại học giả và các giấy tờ giả khác để sử dụng.

Từ đây, Đạt nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người này. Sau đó, Đạt lập nhiều tài khoản trên Facebook, tham gia nhiều nhóm, diễn đàn và đăng thông tin “quảng cáo”, anh ta có thể làm các loại bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp và các loại giấy tờ khác nhau với giá từ 1 - 30 triệu đồng.

Trong các bài “quảng cáo” của mình Đạt để lại số điện thoại, email kèm theo đó là một cái tên giả để người có nhu cầu liên hệ.

Tuy nhiên, để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, Đạt đã vào khách sạn ở quận Tân Bình (TP.HCM) mua hàng loạt chứng minh nhân dân (CMND) mà khách bỏ quên với giá 100 nghìn đồng/1 chiếc. Những chiếc chứng minh này được Đạt thay ảnh của mình vào rồi mang đi mở tài khoản ở các ngân hàng Sacombank, Agribank, Vietcombank để nhận và rút tiền lừa đảo được.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, khi có “đơn đặt hàng”, Đạt yêu cầu khách phải gửi thông tin cá nhân như họ tên, ảnh, scan CMND… qua hộp thư anh ta cung cấp. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu khách chuyển trước số tiền 30% đặt cọc.

Khoảng 3 ngày sau, Đạt thông báo với khách là đã làm xong bằng cấp, giấy tờ và yêu cầu chuyển nốt số tiền còn lại.

Khi nhận được tiền, Đạt tắt điện thoại và "biến mất". Khi rút tiền tại các cột ATM, Đạt bịt mặt, đội mũ để tránh bị phát hiện qua camera giám sát ngân hàng.

Một trong số các nạn nhân của Đạt là anh N.M.C (Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Theo điều tra, đầu năm 2015, anh C có nhu cầu làm bằng đại học giả nên lên mạng xã hội tìm kiếm.

Anh C tìm được thông tin một người tên Minh (tên giả của Đạt) đăng trên mạng Facebook nên đã liên hệ và thỏa thuận làm giả bằng ĐH N… ở TP.HCM với giá 15 triệu đồng.

Đạt yêu cầu anh C chuyển trước 5 triệu đồng vào tài khoản Bùi Công Minh. Sau đó, Đạt lấy lý do, làm hồ sơ bằng đại học phải có giấy tờ gốc nên yêu cầu anh C chuyển thêm 30 triệu. Tuy nhiên, sau khi được anh C chuyển tiền, Đạt đã rút tiền và “biến mất”.

Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ, với thủ đoạn nêu trên Đạt đã lừa đảo và chiếm đoạt được 3 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Đạt cho biết, anh ta là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Đạt từng theo học một trường kỹ thuật nhưng không có việc làm.

Đạt khai, số tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân đã bị anh ta “đốt” vào những cuộc nhậu và tiêu sài cá nhân.

Vụ việc đang được PC50 – Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều tra, làm rõ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN