Tuấn "cá" hung hãn cỡ nào mà làm bảo kê chợ công nhân ở Đồng Nai?
Trong việc bảo kê chợ công nhân, Tuấn “cá” cũng là một ông trùm khiến nhiều người buôn bán khiếp sợ.
Đang buôn bán, ngoi lên làm "ông trùm bảo kê"
Trong vụ băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi cầm đầu là Lý Thị Loan (Loan “cá”) ở Đồng Nai, ngoài sự giúp sức tích cực của Nhung “khàn” và đám đàn em thì Loan còn có sự trợ giúp đắc lực của chồng. Chồng Loan là Nguyễn Quốc Tuấn (tự Tuấn "cá"), sinh năm 1977, ngụ khu phố An Hòa, phường Hóa An, TP.Biên Hòa.
Sau khi Loan bị bắt cùng đám đàn em thì Tuấn “cá” cũng bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, bắt khẩn cấp, tạm giữ để điều tra, làm rõ hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Tuấn "cá" cũng đã bị bắt.
Ngoài công việc bảo kê, Tuấn đang kinh doanh buôn bán tại chợ cá Hóa An và cũng là một trong những người có tiếng trong chợ cá với nhiều khách mối trên địa bàn Đồng Nai và Bình Dương.
Cách đó từ rất lâu, vợ chồng Loan "cá" làm ăn thuận lợi, có tiếng tăm ở khu vực Hóa An. Lúc này, dưới trướng của Loan và Tuấn đã có một số đàn em xăm trổ ngổ ngáo nên cả hai đã tính đến chuyện "ỷ chúng hiếp cô, ỷ mạnh hiếp yếu" để “làm ăn”.
Lúc này, khu vực trước cổng Công ty PouChen kéo dài đến khu vực đèn xanh đèn đỏ đối diện Công an xã Hóa An có rất nhiều người buôn bán hàng rong. Vì vậy, Tuấn và Loan đã bắt đầu thực hiện thu tiền bảo kê người buôn bán với danh nghĩa thu tiền dọn dẹp vệ sinh, chỗ ngồi. Mỗi người buôn bán tại đây, hằng tháng phải đóng cho vợ chồng Tuấn từ 100.000 - 400.000 đồng tiền chỗ ngồi và khoảng dưới 10.000 đồng tiền dọn vệ sinh.
Giúp sức cho vợ chồng Tuấn là Ái, Tuấn Úc và Tùng.
Đang làm ăn thuận lợi, tác oai tác quái một vùng nhưng vợ chồng Tuấn bắt đầu "cơm không lành canh không ngọt" dẫn đến sống ly thân, chia địa bàn. Lúc này, Tuấn cũng giúp đỡ vợ về vùng ChangShin (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) tiếp tục bảo kê, quản lý khu vực này. Còn Tuấn tiếp tục bảo kê quản lý khu vực Hóa An.
Việc bảo kê của Tuấn và vợ diễn ra thuận lợi, không bị ai sờ gáy cho đến ngày 5/5, Loan “cá” bị bắt giữ cùng tang vật khi đang thu tiền bảo kê tại một đại lý sữa thuộc khu vực Thạnh Phú. Sau đó, công an khám xét nhà của Loan, điều tra mở rộng và lần lượt bắt đàn em của Loan cùng Tuấn “cá”.
Các nạn nhân của Loan cùng Tuấn tại khu vực Thạnh Phú và Hóa An đã đến cơ quan công an để tố cáo hành vi hống hách lộng hành của vợ chồng Tuấn cùng đám đàn em gây ra từ trước đến nay. Trong đó, có gần 20 nạn nhân của Tuấn và gần 40 nạn nhân của Loan đã đến tố cáo.
Nạn nhân sợ bị trả thù
Tuấn khai rằng, vào ngày 10 hằng tháng, giao cho Tuấn Úc và một số đối tượng khác rảo quanh thu tiền chỗ ngồi. Ai ngoan ngoãn đóng tiền thì an phận buôn bán, ai không đóng sẽ bị đập phá hàng quán, không cho buôn bán. Mỗi tháng, Tuấn và đàn em thu được của người buôn bán hàng chục triệu đồng.
Bà N.T.T - nạn nhân của Tuấn, buôn bán tại khu vực chợ Hóa An cho biết, do bà là người buôn bán thường xuyên nên Tuấn cùng đàn em thu tiền theo tháng. Mỗi tháng, bà phải đóng cho Tuấn 400.000 đồng tiền chỗ ngồi và mấy chục ngàn tiền rác.
“Thời gian đầu khi mới nắm địa bàn, Tuấn và đàn em rất manh động, nếu ai không chịu nghe lời sẽ thẳng tay hất đồ xuống đất, giẫm nát và đe dọa. Thấy vậy nên người già như chúng tôi không dám trái ý Tuấn mà lập tức nộp tiền. Tính ra nếu không nộp chúng nó đến phá hoại đồ đạc, không cho buôn bán còn khổ hơn, thôi thì cố gắng cho yên chuyện. Nay Tuấn với vợ cùng đàn em đều đã bị bắt, đó đúng là tin vui của chúng tôi. Chỉ mong sẽ chẳng có nhóm nào ngoi lên lộng hành sau băng Tuấn nữa cho bà con yên ổn buôn bán”, bà T nói.
Trước đó Loan "cá" cùng đàn em cũng bị bắt.
Trong khi đó, anh M.U - người bán khẩu trang chia sẻ, mặc dù anh đang trẻ, khỏe nhưng trước sự lộng hành của Tuấn cũng phải ngậm đắng nuốt cay, không dám phản ứng vì sợ Tuấn sẽ phá hoại chuyện làm ăn.
“Khu vực này có gần 100 người buôn bán thường xuyên, ai bán thứ gì, tùy theo mặt hàng Tuấn sẽ thu từ trên 300.000 - gần 500.000 đồng gọi là phí. Những người không bán thường xuyên sẽ thu theo ngày khoảng từ 20.000 - 40.000 đồng. Trước đây còn có người chống đối chứ sau này nghe danh của Tuấn, Loan và đám đàn em thì không ai dám trái lệnh, thấy bóng dáng là đã chuẩn bị sẵn tiền để cống nộp. Đúng là để yên chuyện nên chúng tôi cũng chẳng dám tố cáo các đối tượng, nay chúng bị bắt nên mới dám nói chứ xưa nay không dám”, anh U tâm sự.
Cũng theo anh U, sau khi Tuấn và Loan bị bắt, một số người buôn bán đã đến công an tố cáo Tuấn, nhưng cũng có nhiều người không dám vì sợ bị trả thù.
Sau các cuộc va chạm trong chợ để “lấy số”, Loan “cá” bắt đầu hành nghề cho vay nóng, thu nạp đàn em và bước chân...
Nguồn: [Link nguồn]