Tự xưng “cán bộ nhà nước” để lừa tình, lừa tiền
Bằng thủ đoạn khoe khoang và tự giới thiệu mình là “cán bộ nhà nước”, có quen biết với nhiều người có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan Trung ương, địa phương, gã đã làm quen và quan hệ tình cảm thân thiết với nhiều phụ nữ. Sau khi chiếm được lòng tin, đối tượng mới thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tung chiêu lừa tình và tiền
Đầu tháng 11/2023, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Phước nắm được thông tin có đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú. Qua xác minh và vận động nhân dân tố giác tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được đơn của nhiều người tố cáo đã bị đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn tự xưng là cán bộ Công an, Bộ đội và có quen biết với nhiều cá nhân có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan Trung ương, địa phương có thể xin việc, xin các loại giấy phép, vay ngân hàng với số tiền lớn, thậm chí “nổ” là có thể “chạy án”...
Phát hiện nhiều tài liệu liên quan đến việc lừa đảo của đối tượng Lực.
Sau hơn hai tuần xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 17/11/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng chính trong vụ án là Nguyễn Như Lực (sinh năm 1968, ở phường 13, quận 10, TP Hồ Chí Minh).
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Như Lực tỏ ra rất bình tĩnh, thể hiện sự “cáo già” của mình, liên tục chối tội, phủ nhận những thông tin, tài liệu mà điều tra viên đưa ra để đối chứng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đấu tranh sắc bén của các điều tra viên, Nguyễn Như Lực đã bị khuất phục và lần lượt khai nhận chuỗi hành vi phạm tội của mình. Đây cũng là hệ quả mà chính đối tượng Lực liên tục gây ra, mặc dù biết trước sẽ có ngày bị bắt khi liên tiếp gây án chồng án nhưng đối tượng vẫn cố tình dấn thân, giống như quy luật “giọt nước tràn ly”.
Theo lời khai của Nguyễn Như Lực, tháng 6/2019, Lực quen biết người phụ nữ tên N.T.K.O (sinh năm 1961, cư trú phường 11, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Nguyễn Như Lực biết bà N.T.K.O. có lô đất cần làm thủ tục cập nhật diện tích mới, nên Lực tự tạo vỏ bọc nói rằng mình từng là cán bộ công tác tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, sẽ giúp bà O. lo thủ tục với giá 2 tỷ đồng tiền chi phí. Sau đó, bà O. đưa số tiền 1 tỷ 30 triệu đồng cho Lực nhưng Lực tiêu xài hết mà không làm thủ tục cập nhật diện tích đất cho bà O. theo thỏa thuận. Khi bà O. đòi lại tiền thì Lực tìm cách né tránh và không trả số tiền đã lấy của bà.
Tiếp đó, năm 2021, Nguyễn Như Lực làm quen chị N.Q.T. (sinh năm 1971, cư trú phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), biết chị T. có ý định thế chấp nhà để vay 5 tỷ đồng làm ăn, Lực nảy sinh ý định lừa để lấy tiền tiêu xài. Nguyễn Như Lực nói dối có nhiều mối quan hệ bên ngành ngân hàng và sẽ làm hồ sơ vay tiền cho chị T. nhưng phải có chi phí “lót tay”. Sau đó chị T. đưa lực 78 triệu đồng, nhưng Lực không làm hồ sơ giúp chị T. mà tiêu xài số tiền nêu trên, rồi né tránh chị.
Tháng 1/2022, Nguyễn Như Lực lừa người quen là ông N.H.T. (sinh năm 1964, cư trú phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bằng cách giới thiệu ông N.H.T. tham gia đấu thầu mua một lô hàng bị tạm giữ (hàng nhập từ nước ngoài về không đủ điều kiện thông quan và bị nhà nước tịch thu) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, Lực yêu cầu ông N.H.T. đưa 150 triệu đồng tiền mua hồ sơ dự thầu và nộp tiền đặt cọc. Khi lấy được tiền thì Lực tiêu xài và tiếp tục hứa hẹn với ông T. mà không thực hiện việc nộp hồ sơ đấu thầu.
Đối tượng Nguyễn Như Lực.
Tháng 5/2022, Nguyễn Như Lực đang có quan hệ yêu đương với người phụ nữ tên T. nhưng vẫn tán tỉnh và yêu đương với bạn của chị T. là N.T.X. (sinh năm 1974, cư trú TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Biết được chị N.T.X. có em trai đang thụ án tù về tội buôn bán hàng cấm ở Campuchia nhưng chưa được tha về nên Lực bày mưu tính kế lừa đảo lấy tiền của chị X. Với màn kịch đưa ra là Lực có quen với người bên Hoàng gia Campuchia nên sẽ liên hệ xin cho em trai chị X. được đặc xá với giá 300.000 USD. Sau đó, Lực đưa ra nhiều thông tin giả làm cho chị X. tin tưởng và đưa cho Lực 1,2 tỷ đồng để xin “chạy án” cho em trai mình. Tuy nhiên, khi nhận tiền xong thì Lực tiếp tục chiêu bài “hoãn binh”, chờ bên Campuchia giải quyết mà thực chất là đã tiêu xài hết số tiền lấy của chị X.
Tháng 9/2022, thông qua bạn gái, Lực làm quen với anh Đ.M.D. (sinh năm 1988, cư trú phường Phú Chánh, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Biết được công ty xuất nhập khẩu của anh D. có liên quan đến vụ vi phạm về buôn lậu hàng tạm nhập tái xuất (hạt điều) nên Lực tiếp tục dùng chiêu bài quảng bá nhân thân giả để lừa đảo. Lực nói với anh D. đưa 2,5 tỷ đồng thì Lực sẽ làm việc với bên Hải quan để công ty không bị xử lý. Sau khi lấy tiền của anh D., Lực đã tiêu xài nhưng lo sợ anh D. tố cáo nên Lực đã trả lại số tiền này cho anh D.
Khoảng tháng 5/2023, Nguyễn Như Lực quen biết chị Đ.T.H. (sinh năm 1972, cư trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), tiếp tục giở chiêu bài lừa tình và tiền. Khi chị H. tin yêu, Lực hứa sẽ lo cho người em họ của chị được thăng chức lên giám đốc một Trung tâm phát triển quỹ đất tại TP Hà Nội. Sau đó, Lực lấy tiền chi phí “lót tay” do chị H. đưa 1,2 tỷ đồng. Số tiền này Lực trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.
Cũng với thủ đoạn lừa như trên, Nguyễn Như Lực đã đưa thông tin giả là đang mua nhà máy sản xuất phân bón nên cần số tiền lớn. Lực đã lừa tình và tiền của chị C.H.N. (cư trú huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lấy 1,3 tỷ đồng với lời hứa vay để làm ăn rồi sẽ trả. Nhưng thực chất, Lực không mua nhà máy phân bón mà đem đi trả nợ và gửi tiền cho con đang du học ở nước ngoài.
Những mánh khóe đánh vào lòng tin cá nhân
Trao đổi với phóng viên, một điều tra viên tham gia thụ lý điều tra vụ án cho biết, quá trình xác minh, truy tìm đối tượng Nguyễn Như Lực gặp rất nhiều khó khăn, vì đối tượng luôn thay đổi nơi ở và di chuyển qua nhiều địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh vụ án đã kiên trì đeo bám và truy tìm bằng được đối tượng để xử lý theo pháp luật. Sau khi bắt, khám xét nơi ở và quá trình làm việc, đối tượng Lực luôn tỏ ra am hiểu pháp luật để đối phó với cơ quan Công an nhằm né tội.
Cơ quan Công an thực hiện lệnh khám xét, thu giữ vật chứng tại nơi ở của Nguyễn Như Lực.
Đối tượng Lực chuyên nhắm đến bị hại là những người phụ nữ đơn thân, có điều kiện kinh tế hoặc dễ bị lợi dụng để ra tay. Một số bị hại là nam giới cũng bị Lực lôi vào vòng xoáy lừa đảo thông qua quen biết với những người phụ nữ xung quanh Lực.
Qua khám xét nơi ở của Nguyễn Như Lực, cơ quan Công an thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội. Trong đó có chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe của Lực nghi vấn là giấy tờ giả.
Hiện Nguyễn Như Lực thừa nhận đã gây ra 9 vụ lừa đảo tại các địa phương: TP Hà Nội (2 vụ), TP Hồ Chí Minh (2 vụ), Đồng Nai (2 vụ), Bình Dương (1 vụ), Bình Phước (2 vụ), chiếm đoạt tổng số tiền khoảng gần 9,5 tỷ đồng. Riêng tại tỉnh Bình Phước, Nguyễn Như Lực lừa đảo cả hai chị em ruột là chị N.T.B. (sinh năm 1970) và anh N.N.M. (sinh năm 1973), cùng cư trú TP Đồng Xoài với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Thủ đoạn là hứa hẹn sẽ lo thủ tục vay được số vốn 100 tỷ đồng tại ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh cho chị B. và xin được giấy phép mở đại lý xe ôtô tại TP Đồng Xoài cho anh M., nhưng thực chất sau hơn 10 tháng lấy tiền của các bị hại, Lực không có khả năng làm được những việc như đã hứa.
Ngày 14/11/2023, chị B. và anh M. đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Phước, gửi đơn tố cáo Nguyễn Như Lực đã có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Như Lực để điều tra mở rộng vụ án.
Đại tá Lâm Văn Long, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đối tượng Nguyễn Như Lực thường nhắm tới là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin có tuổi đời từ 30 tuổi đến 50 tuổi, điều kiện kinh tế khá giả. Lực hoạt động phạm tội trong thời gian dài, luôn có sự tính toán, chuẩn bị trước, hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, đối tượng tìm mọi cách để tiếp cận làm quen, tạo tình cảm yêu đương rồi mới lừa đảo. Lực đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn trên nhiều địa bàn của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Nhiều người chỉ nghe đối tượng “khua môi múa mép” là tin sái cổ mà không hề tìm hiểu về đối tượng; sẵn sàng trao tình cảm và đưa tiền cho đối tượng mà không mảy may nghi ngờ. Hành vi phạm tội của đối tượng Lực chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng điều đáng trách là những người bị hại đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện được ý đồ lừa đảo. Qua đây, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời nói ngon ngọt của đối tượng mà “sập bẫy” dẫn đến “tiền mất tật mang”.
Một đối tượng sử dụng số điện thoại gọi cho cán bộ lãnh đạo một số cơ quan trong tỉnh Sóc Trăng, tự xưng là Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng để thực hiện hành vi lừa đảo...
Nguồn: [Link nguồn]