Từ vụ thảm sát ở Bình Phước: Cảnh báo nguy cơ tội phạm đang trẻ hóa
Có đến 70%-75% thủ phạm những vụ án hình sự gần đây là người mới phạm tội lần đầu, tập trung vào giới thanh, thiếu niên.
“Đến bây giờ, sự mất mát của gia đình nạn nhân Lê Văn Mỹ vẫn là nỗi đau xót, day dứt của chúng tôi” - ngày 14-7, ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an (phải) đang trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, về vụ thảm sát. Ảnh: N.ĐỨC
Cả tỉnh quyết tâm chống tội phạm
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước nhấn mạnh: “Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cá nhân tôi rất cảm kích trước sự chỉ đạo kịp thời của bộ trưởng Bộ Công an. Ngay khi vụ án xảy ra, Đại tướng Trần Đại Quang đã yêu cầu các lực lượng của Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phối hợp, hỗ trợ Công an tỉnh Bình Phước phá án. Chính nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Công an tỉnh Bình Phước và công an các tỉnh, thành mà vụ án đã được phá nhanh”.
Ông Nguyễn Tấn Hưng cũng cho biết thời gian tới Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo ban giám đốc công an tỉnh, lực lượng vũ trang và toàn thể hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục tăng cường chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm; tích cực vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
“Các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra địa bàn, vận động nhân dân tố giác tội phạm và tổ chức tiếp nhận tin báo về tội phạm đúng quy định. Trước tình hình xuất hiện nhiều tội phạm còn trẻ tuổi, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về ý thức pháp luật, đạo đức trong nhà trường để chủ động phòng ngừa” - ông Hưng nhấn mạnh.
Giải quyết từ gốc: Giáo dục, gia đình
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, chia sẻ: Có đến 70%-75% thủ phạm những vụ án hình sự gần đây là người mới phạm tội lần đầu, tập trung vào giới thanh, thiếu niên. Đây là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội.
“Chúng ta cần quan tâm sâu sát, tiếp tục vận động toàn dân tích cực phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Vừa qua, bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự” - ông Vương nói.
Nhận xét về vụ thảm sát sáu người ở Chơn Thành mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hồ sơ nghiệp vụ (C53), cho biết: “Công tác giáo dục, quản lý con cái là vô cùng quan trọng. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, khi đó những vụ án như thế này sẽ không còn xảy ra”.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước nêu ý kiến: Không phải để tội phạm xảy ra mới ngăn chặn, vì như vậy không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Cái nôi quan trọng của giáo dục chính là nền tảng gia đình, nhà trường. “Thực tế nhiều thanh niên gây án có trình độ học thức nhất định nhưng thiếu hiểu biết pháp luật, nhân cách kém. Một khi giới trẻ được giáo dục tốt về ý thức pháp luật, nhân cách, đạo đức thì vấn đề tội phạm trẻ tuổi mới bớt phức tạp”.
Người lớn làm hết trách nhiệm chưa? Trong thời đại công nghệ thông tin, nhiều trò chơi, phim ảnh, các chất ma túy đã làm thay đổi nhân tính con người rất nhiều. Đôi khi chỉ vì một ánh mắt, một lời nói cũng dẫn tới án mạng. Vì thế tuyên truyền về pháp luật, giáo dục đạo đức, kiểm soát những biểu hiện xấu vừa manh nha của giới trẻ là việc làm cấp thiết của toàn xã hội. Trong đó gia đình, nhà trường là hạt nhân. Không có chuyện cha mẹ sinh con trời sinh tính, lành dữ phần lớn do môi trường xã hội, giáo dục mà nên. Liệu người lớn, các cơ quan ban ngành đã làm hết trách nhiệm chưa? Một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương |