Từ vụ nữ sinh lớp 6 bị đánh, lột quần áo: Học sinh đánh bạn có thể bị phạt tiền, phạt tù
Sau sự việc nữ học sinh lớp 6 ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị nhóm bạn đánh, lột quần áo, ép hút thuốc lá, nhiều người đặt câu hỏi, người dưới 16 tuổi tổ chức, tham gia đánh người có bị phạt tiền, phạt tù?
Chiều 6-6, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã bị một nhóm học sinh đánh, lột quần áo, ép hút thuốc lá. Sự việc sau đó được quay lại và đăng tải lên mạng xã hội.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Chương Mỹ khẩn trương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ xác minh, xử lý vụ việc theo quy định. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, có 7 trường hợp liên quan đến vụ việc.
Hình ảnh học sinh lớp 6 bị bạo hành cắt ra từ clip
Đáng buồn, sự việc trên chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra trong thời gian qua khiến bất cứ ai cũng cảm thấy đau xót, phẫn nộ.
Cách đây không lâu, tại Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một nữ sinh lớp 6 đã bị một nhóm bạn túm tóc đánh hội đồng tại một bãi đất trống và ở nhà riêng. Mặc dù em học sinh này gào khóc, van xin nhưng vẫn bị nhóm bạn đánh tới tấp. Điều đáng nói là điều này xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh nhưng không ai vào can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, đồng thời quay clip đưa lên mạng. Theo lời kể của gia đình nạn nhân, các bạn đánh em tới ngất, sau đó chườm đá cho tỉnh, cho uống sữa và rồi lại tiếp tục đánh.
Phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, tùy vào độ tuổi, mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi mà học sinh đánh bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo Luật xử lý vi phạm hành chính , người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, việc học sinh đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường thuộc các trường hợp học sinh không được làm, sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức: Phê bình; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.
Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ tổn thương của người bị đánh mà học sinh đánh bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích” tại Điều 134 BLHS 2015.
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14-dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
Trường học không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi 2 nhóm phụ nữ đánh nhau ở quán nhậu, một cô gái ở Đắk Lắk đã lái ô tô 5 chỗ liên tục húc vào phần đuôi xe ô tô 7 chỗ làm náo loạn đường phố.