Từ vụ kiểm tra kho hàng của 'hot girl': Livestream bán hàng giả trên mạng có thể phải ngồi tù
Sau khi kho hàng của hot girl Mailystyle bị kiểm tra đột xuất với nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhiều người cho rằng, cần xử phạt nặng với những người livestream bán hàng giả, nhái để răn đe…
'Hot girl' livestream chốt hàng nghìn đơn/ngày
Từ tài khoản Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi của Nguyễn Hoàng Mai Ly - một hot girl bán hàng online nổi tiếng trên nhiều nền tảng mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm vi phạm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Kho hàng của hotgirl này là căn biệt thự 5 tầng, mỗi tầng rộng khoảng 100 m2, bên trong chất đầy hàng hóa nằm trong khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, kho đang có khoảng 50 nhân viên đóng gói hàng hóa để vận chuyển cho người tiêu dùng đã đặt mua hàng online.
Các nhân viên đóng hàng với các đơn đã chốt trong phiên livestream
Hàng hóa trong kho chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng... Theo thông tin trên vỏ hộp, những sản phẩm này có xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... nhưng phần lớn đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sự việc trên không phải hi hữu. Cách đây không lâu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Lê Quỳnh Thi 31 triệu đồng vì kinh doanh hàng hiệu giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.
Còn tại TP.HCM, chỉ tính riêng trong tháng 10-2023, Cục QLTT đã kiểm tra, phát hiện 166 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, 154 vụ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 106 vụ hàng nhập lậu.
Hàng giả, hàng lậu chủ yếu được là bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng trên Tiktok Shop.
Thời gian qua, việc một số cá nhân tận dụng trang cá nhân để livestream (phát trực tiếp) bán hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng với số lượng lớn diễn ra khá phổ biến.
Chỉ cần vào Facebook, Tiktok, người dùng dễ dàng theo dõi các buổi livestream bán hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm…đến thực phẩm chức năng, trong đó không ít người bán là các hot girl.
Nhiều shop chuyên kinh doanh trên mạng xã hội khi livestream bán hàng luôn quảng cáo là hàng xịn sản xuất tại Việt Nam với giá thấp nhưng thực tế là sản phẩm giả, nhái, hàng kém chất lượng. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và đặt mua.
Có thể xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Buôn bán hàng giả là hành vi trái pháp luật, tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự - luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử, cụ thể:
Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật…Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10-40 triệu đồng.
Với người bán hàng vi phạm, tùy tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP với số tiền từ 10-20 triệu đồng/hành vi.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS 2015.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, mặc dù chế tài đã có song việc xử lý đối với những cá nhân livestream bán hàng giả nhái trên mạng xã hội không đơn giản do hàng hóa kinh doanh online chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm khô…và nhà ở của người bán cũng là nơi chứa hàng nên việc kiểm tra gặp nhiều trở ngại. Họ sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, các ứng dụng vận chuyển hoặc tham gia các nhóm trên mạng để tìm người vận chuyển.
Ngoài ra, với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi.
Mặt khác, thương mại điện tử không cố định một nơi, mà ở nhiều quốc gia, xuyên biên giới; hàng hóa phân tán…Không ít đối tượng mở gian hàng, giảm giá, khuyến mại để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả, khi hết chương trình, gian hàng cũng biến mất. Một số sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa, bỏ lọt nhiều loại hàng giả, hàng nhái…
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ hơn với kinh doanh online – luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
Kiểm tra kho hàng của Chen JinMing (quốc tịch Trung Quốc) ở Bắc Ninh, cơ quan chức năng thu giữ hơn 4 triệu sản phẩm hiệu Gillette, Croma, Bic, Thiên Long, Plog không rõ nguồn gốc xuất...