Từ vụ kéo người đi đập phá vì vợ nhận tin nhắn "nhạy cảm": Cố ý hủy hoại tài sản có thể đi tù
Với hành vi gây thiệt hại về tài sản, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, đối tượng vi phạm có thể phải đối mặt với việc xử phạt hành chính, thậm chí có thể phải ngồi tù.
Hiện trường sau khi nhóm Vũ rời đi.
Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đang điều tra vụ cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra tại phường Phú Hoà, TP.Thủ Dầu Một.
Quá trình điều tra, cơ quan công an bước đầu, xác định N.T.N. (23 tuổi, ngụ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) và D.H.V (21 tuổi, ngụ phường An Thạnh, TP.Thuận An) là bạn chơi chung. N có cho Vũ vay một khoản tiền. Đến đầu tháng 2, N nhắn tin riêng cho vợ của Vũ để "rủ đi nhà nghỉ" với mục đích cấn trừ dần vào số nợ.
Sự việc sau đó được chị này kể lại với V. Do bực tức, đêm 11/2, Vũ huy động thêm 8 người mang theo hung khí đến nhà của N rồi dùng hung khí đập phá cửa và xe máy để dằn mặt rồi bỏ đi.
Từ vụ việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, hành vi cố tình phá hoại tài sản người khác trường hợp nào bị phạt hành chính, trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự?
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho hay, trong vụ việc đã nêu, nếu những đối tượng nói trên đã đủ độ tuổi và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự mà có hành vi đập phá đồ đạc, hủy hoại tài sản người khác thì đó là hành vi có dấu hiệu của tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa.
Theo luật sư Giáp, với hành vi theo tội danh này thì chỉ cần hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp sau sẽ bị xử lý hình sự: Đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
“Trong trường hợp bị xử lý về tội tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, người phạm tội nhẹ nhất sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù giam, tùy vào mức độ phạm tội”, luật sư Giáp nói.
Trong trường hợp hành vi đập phá tài sản chưa đến mức bị xử lý hình sự, người có hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại điều 15 (Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác), Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).
“Như vậy, với hành vi gây thiệt hại về tài sản, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, đối tượng vi phạm có thể phải đối mặt với việc xử phạt hành chính, thậm chí có thể phải ngồi tù”, luật sư Giáp nói.
Nhận định về vụ việc phá hoại tài sản xảy ra tại nhà anh N.T.N, luật sư Giáp cho rằng, hình ảnh từ clip cho thấy các đối tượng gây ra vụ hủy hoại tài sản tại nhà anh N.T.N có biểu hiện côn đồ, hung hãn khi cầm đao kiếm phá hoại, đập phá tài sản. Tuy nhiên, trường hợp thông tin điều tra ban đầu là chính xác thì có thể thấy một phần nguyên nhân xuất phát từ phía bị hại, đã có những hành vi, ứng xử thiếu chuẩn mực.
“Để tránh những trường hợp xung đột mỗi người cần tự nâng cao nhận thức của bản thân và hành động, ứng xử chuẩn mực, tôn trọng người khác, tuân thủ các quy định pháp luật”, luật sư Giáp khuyến cáo.
N. đã nhắn tin riêng cho vợ của Vũ để "rủ đi nhà nghỉ" với mục đích cấn trừ dần vào số tiền mà Vũ đang nợ mình.
Nguồn: [Link nguồn]